05:10, 07/10/2012

Tập trung phát triển kinh tế vườn

Phát huy tiềm năng, lợi thế về địa hình, thổ nhưỡng, xã Sông Cầu đang tập trung phát triển kinh tế vườn, xem đó là động lực để tăng thu nhập cho người dân, xây dựng nông thôn mới.

 

Ông Trần Đình Phúc - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, Sông Cầu là vùng bán sơn địa, có nhiều đồi núi, sông suối nên chủ yếu phát triển kinh tế nông nghiệp, trong đó mía là cây trồng chủ lực (gần 400ha). Thời gian gần đây, người dân phát triển mạnh kinh tế vườn, đem lại nguồn thu nhập đáng kể. Sông Cầu cũng là một trong hai xã của huyện Khánh Vĩnh được chọn làm điểm XDNTM. Đến nay, xã đạt 9 tiêu chí của Bộ Tiêu chí quốc gia về XDNTM, gồm: quy hoạch, điện, chợ, bưu điện, nhà ở, giáo dục, văn hóa, hệ thống chính trị và an ninh trật tự. Tuy nhiên, khó khăn nhất của xã vẫn là vốn. Vốn phân cấp ít, vốn đối ứng thiếu nên kinh phí đầu tư XDNTM còn khiêm tốn. Năm 2011, xã chỉ mới thực hiện được 3 tuyến giao thông nông thôn và nội đồng, tổng kinh phí hơn 3,3 tỷ đồng. Thu nhập của người dân thấp nên sức đóng góp rất hạn chế. Đơn cử như việc thực hiện Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường, ngành Y tế hỗ trợ xây dựng các công trình vệ sinh đạt chuẩn cho 40 hộ, mỗi hộ 1 triệu đồng. Tuy nhiên, do người dân không có kinh phí đối ứng (6 triệu đồng/công trình) nên chương trình chậm được triển khai.

Những năm trước, để khuyến khích nông dân phát triển kinh tế vườn rừng, vườn nhà, trang trại, Hội Nông dân (HND) xã đã phát động phong trào cải tạo vườn tạp, động viên nông dân chuyển đổi sang các giống cây có giá trị kinh tế cao như: sầu riêng, măng cụt, bưởi, chanh... Nhiều hộ xây dựng trang trại theo hướng sản xuất hàng hóa, dùng sức nước phát điện mini, đưa các giống cây trồng, vật nuôi mới vào sản xuất, đem lại hiệu quả bước đầu. Ông Phan Văn Thuận - Chủ tịch HND xã cho biết, HND xã đã hỗ trợ nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân cho 12 hộ thực hiện phong trào, chủ yếu là hỗ trợ mua cây giống. Bên cạnh đó, HND xã còn làm “cầu nối” để nông dân, nhất là hộ nghèo, cận nghèo vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội phát triển sản xuất, có tổng dư nợ hơn 2,7 tỷ đồng.

 Phát huy tiềm năng, lợi thế về địa hình, thổ nhưỡng, xã Sông Cầu đang tập trung phát triển kinh tế vườn, xem đó là động lực để tăng thu nhập cho người dân, xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Ông Trần Đình Phúc - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, Sông Cầu là vùng bán sơn địa, có nhiều đồi núi, sông suối nên chủ yếu phát triển kinh tế nông nghiệp, trong đó mía là cây trồng chủ lực (gần 400ha).
Cây sầu riêng đang được nông dân Sông Cầu phát triển mạnh

Đến thăm khu vườn của nông dân Đặng Ơn (thôn Tây), cây trái đã khép tán. Ông Ơn cho biết, ông từ Diên Khánh lên đây lập nghiệp làm vườn được hơn 10 năm, trồng các giống cây có giá trị kinh tế cao như: sầu riêng, chôm chôm, bưởi, chanh, chuối... Mới đây, ông còn đưa dừa xiêm vào trồng thử nghiệm. Nguồn nước được bơm từ sông suối nên rất thuận tiện cho việc làm vườn. Hiện vườn của ông cho thu nhập không dưới 100 triệu đồng mỗi năm. Tuy nhiên, ông Ơn còn băn khoăn nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế vườn cho nông dân còn ít, đặc biệt là các nguồn vốn ưu đãi. Vấn đề giống, kỹ thuật cũng đáng quan tâm. Ông Nguyễn Thanh Bửu (thôn Tây) cũng vừa mua lại vườn của một chủ khác cách đây 3 năm. Ông sửa sang lại khu vườn và trồng thêm một số cây mới, chủ lực vẫn là sầu riêng, chôm chôm, bưởi, chanh... nên thu nhập còn khiêm tốn, khoảng 50 triệu đồng/1,5ha/năm. Ông Bửu cho biết, Khánh Vĩnh rất có triển vọng về cây sầu riêng, chất lượng rất tốt, không thua kém Khánh Sơn, cần được ngành Nông nghiệp quan tâm.

Sông Cầu có nhiều thuận lợi trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp. Ngoài thế mạnh về cây mía, xã còn có thể phát triển mạnh kinh tế vườn, tăng thu nhập cho nông dân. Vừa qua, thực hiện đề án XDNTM, xã đã tổ chức khảo sát tình hình kinh tế vườn trên địa bàn làm cơ sở để phát triển những năm tới. Qua khảo sát có 32 hộ triển khai, diện tích 6,5ha. Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế vườn còn nhiều khó khăn, phần lớn các hộ có nhu cầu là hộ nghèo, thiếu vốn đầu tư, nguồn nước chưa chủ động, lao động quá tuổi...

Chọn phát triển kinh tế vườn làm cơ sở để tăng thu nhập cho người dân, thực hiện các tiêu chí 11 (Tỷ lệ hộ nghèo), 13 (Hình thức tổ chức sản xuất) là hướng đi đúng của Sông Cầu. Cấp ủy, chính quyền địa phương cần đề ra nghị quyết để thực hiện quyết liệt; đồng thời có giải pháp tháo gỡ về vốn, kỹ thuật, nhân lực để kinh tế vườn trở thành mũi nhọn của kinh tế địa phương.

Q.V