07:06, 20/06/2012

Tìm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Trước những khó khăn của kinh tế trong nước và thế giới, ngày càng nhiều doanh nghiệp  trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa phải hoạt động cầm chừng hoặc phá sản.

Trước những khó khăn của kinh tế trong nước và thế giới, ngày càng nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa phải hoạt động cầm chừng hoặc phá sản. Để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, vừa qua, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có buổi làm việc với các đơn vị liên quan nhằm nắm bắt tình hình hoạt động của các DN và tìm biện pháp hỗ trợ.

Nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể

Trước những khó khăn của DN, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo, đưa ra nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ cộng đồng DN. Các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô tiếp tục phát huy hiệu quả; lãi suất tín dụng giảm, tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng được cải thiện, tỷ giá ổn định… Nhờ vậy, hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) của một số ngành được cải thiện phần nào. Tuy nhiên, DN vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức khi lãi suất tín dụng vẫn ở mức cao, khả năng hấp thụ vốn tín dụng của DN còn hạn chế; các DN nhỏ và vừa (DNNVV) khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng; sản phẩm của nhiều DN khó tiêu thụ, tỷ lệ hàng tồn kho tăng cao… Điều này đã khiến cho nhiều DN giải thể, ngừng hoạt động. Ông Đỗ Hữu Thiệt - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: “5 tháng qua, trên địa bàn tỉnh có 445 DN đăng ký thành lập mới, giảm 9,3% so với cùng kỳ năm trước; 150 DN đăng ký giải thể, tăng 194% so với cùng kỳ năm trước; 585 DN ngừng hoạt động…”. Chỉ tính riêng tại Khu Công nghiệp Suối Dầu, trong 44 DN đăng ký hoạt động đã có đến 50% DN hoạt động cầm chừng, 30% DN ngừng sản xuất, chỉ 20% DN hoạt động tương đối ổn định.

Hiện nay, sản phẩm xi măng của Công ty Cổ phần Xi măng Hòn Khói gặp không ít khó khăn trong tiêu thụ.

Theo ông Châu Văn Luận - Cục trưởng Cục Thống kê Khánh Hòa, mới đây, kết quả đợt điều tra, rà soát 179 DN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh do Cục Thống kê tỉnh tiến hành cho thấy, có đến 30,9% số DN dự kiến thu hẹp SXKD; 12,7% DN giảm quy mô về lao động; 1,8% DN giảm quy mô về vốn và có tới 27,9% số DN dự kiến giảm về lợi nhuận; 5,2% số DN đã tạm dừng SXKD để chờ phá sản, giải thể. Ông Mai Thanh Liêm - Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Khánh Hòa cho rằng: “Hiện nay, khó khăn về vốn và tiêu thụ sản phẩm là 2 nguyên nhân chủ yếu khiến cho DN đình trệ SXKD, ngừng hoạt động và phá sản”.

Tìm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Theo ông Đỗ Hữu Thiệt, trước tình hình nhiều DN gặp khó khăn, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN theo tinh thần Nghị quyết số 13 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho SXKD và hỗ trợ thị trường. Cụ thể như: gia hạn 6 tháng thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng của tháng 4, 5, 6 năm 2012; gia hạn 9 tháng thời hạn nộp thuế thu nhập DN cho DNNVV (không bao gồm DN hoạt động trong các lĩnh vực xổ số, chứng khoán, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm…), các DN sử dụng nhiều lao động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, dệt may, da giày…; miễn thuế môn bài năm 2012 đối với hộ đánh bắt thủy sản và hộ sản xuất muối. Bên cạnh đó, giảm 50% tiền thuê đất phải nộp năm 2012 cho một số tổ chức kinh tế, DN hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ; gia hạn tối đa 12 tháng thời hạn nộp tiền sử dụng đất đối với các chủ đầu tư dự án có khó khăn về tài chính…

Bà Nguyễn Thị Tuyết - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa cho rằng: Các tổ chức tín dụng không thể giảm điều kiện cho vay, bởi đây là yếu tố quyết định đến việc phát triển ổn định của hoạt động tín dụng. Hiện nay, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh thường xuyên cơ cấu lại thời gian trả nợ để DN có vốn SXKD. Để hỗ trợ DN có hiệu quả, các ngành chức năng của tỉnh cần phân loại DN theo 3 nhóm gồm: nhóm DN hoạt động ổn định; nhóm DN hoạt động cầm chừng có chiều hướng phát triển; nhóm DN ngưng hoạt động, chờ giải thể. Trên cơ sở phân nhóm, Ngân hàng Nhà nước sẽ làm việc với các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh để xem xét, đánh giá, thẩm định cho DN vay vốn.

Mới đây, trong buổi làm việc với các đơn vị có liên quan, ông Trần Sơn Hải - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhận định, tình hình SXKD của DN hiện nay rất khó khăn. Để tháo gỡ cho DN, đồng chí yêu cầu các sở, ngành của tỉnh phải phân loại được các nhóm DN đến cuối tháng 6 này. Trên cơ sở đó có giải pháp và lộ trình tháo gỡ khó khăn cho từng nhóm DN cụ thể. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh bám sát tình hình SXKD của những DN gặp khó khăn. Từ đó có định hướng cho Công đoàn, các DN giải quyết chế độ cho người lao động theo quy định. Trước mắt, để giải quyết khó khăn cho các DN, đồng chí Trần Sơn Hải đề nghị Ngân hàng Nhà nước chủ động làm việc với các ngân hàng thương mại trên địa bàn có giải pháp hỗ trợ DN trong tiếp cận vốn; các địa phương tạo điều kiện cho ngành Công Thương và các DN đưa hàng về nông thôn… Ngoài ra, Cục Thuế, Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan nghiên cứu những quy định của Nghị quyết 13 tham mưu UBND tỉnh triển khai đến các DN; đồng thời phát hiện các bất cập, khó khăn báo cáo UBND tỉnh để tỉnh đề xuất các bộ, ngành điều chỉnh cho phù hợp.

BÍCH LA

Ông Mai Thanh Liêm - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Khánh Hòa: Để giải quyết vấn đề khó khăn về vốn cho DN, các ngân hàng nên xem xét, cho DN thế chấp hàng tồn kho để vay vốn. Bên cạnh đó, cần phải có giải pháp cụ thể hỗ trợ DNNVV trong vấn đề tiêu thụ sản phẩm. Gắn với việc đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, cần tăng cường đưa sản phẩm của các DN trên địa bàn tỉnh về các chợ nông thôn. Bên cạnh đó, để giảm bớt gánh nặng cho DN, cần sớm giảm thuế thu nhập DN từ 25% xuống còn 20%.

Ông Võ Thiên Lăng - Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghề cá Khánh Hòa: Nghị quyết số 13 của Chính phủ là “liều thuốc giải” đối với DN, nhất là các DNNVV. Tuy nhiên, làm sao để DNNVV có thể tiếp cận được chính sách hỗ trợ từ Nghị quyết này là vấn đề cần được các ngành quan tâm.

Ông Võ Đình Thu - Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Khánh Hòa: Để tháo gỡ khó khăn cho các DN thuộc ngành Du lịch, cần phải điều chỉnh giảm các yếu tố đầu vào như: giá vé tàu xe, điện, nước…