10:06, 30/06/2009

Những bước tiến mới

Những năm qua, ngành Nông nghiệp có sự khởi sắc mạnh mẽ, hướng đến nền sản xuất hàng hóa tập trung.

Ứng dụng tiến bộ mới trong thu hoạch lúa.

Hướng đến sản xuất hàng hóa tập trung

Những năm qua, ngành Nông nghiệp có sự khởi sắc mạnh mẽ, hướng đến nền sản xuất hàng hóa tập trung. Trong lĩnh vực trồng trọt, nhiều vùng chuyên canh đã được hình thành: cây lúa 15.000 ha; cây mía 17.000 ha; cây ăn quả hơn 10.000 ha, đặc biệt là xoài; cây công nghiệp, trong đó chủ yếu là cây điều hơn 4.000 ha… Năng suất, chất lượng của các vùng chuyên canh không ngừng tăng. Năng suất lúa bình quân đạt 55 tạ/ha; vùng thâm canh năng suất 60 tạ/ha; nâng sản lượng lúa toàn tỉnh hơn 225.000 tấn (năm 2008), gấp 1,56 lần so với năm 1989, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực và phục vụ giao thương. Năng suất mía tăng từ 30 tấn/ha (năm 1989) lên 45 tấn/ha (năm 2008). Trong chăn nuôi, nhiều hộ dân đã xây dựng kinh tế trang trại, gia trại tập trung, phát triển theo hình thức công nghiệp, bán công nghiệp, thay thế chăn nuôi nhỏ lẻ. Đặc biệt, có một số trang trại được trang bị các thiết bị hiện đại, áp dụng các phương thức chăn nuôi tiên tiến. Hiện nay, toàn tỉnh có 3 doanh nghiệp và 87 trang trại chăn nuôi có quy mô lớn. Tổng đàn gia súc, gia cầm tăng trưởng ổn định và đa dạng. Tổng đàn trâu bò hơn 90.000 con, tăng gấp 1,2 lần; tổng đàn lợn hơn 107.000 con; tổng đàn gia cầm trên 1,9 triệu con (tăng 2,3 lần) so với cách đây 20 năm.

Việc tăng trưởng số lượng luôn đi đôi với chất lượng nhờ vào các chương trình, dự án đổi mới giống. 85% diện tích cây trồng sử dụng các giống mới; chương trình cải tạo đàn bò, đàn heo, đầu tư giống gia cầm… có ý nghĩa quyết định làm thay đổi cơ cấu giá trị chăn nuôi, góp phần thúc đẩy nông nghiệp phát triển toàn diện. Không những thế, ngành Nông nghiệp còn ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong thâm canh, dinh dưỡng, phòng trừ dịch hại, đặc biệt là cơ giới hóa nông nghiệp. Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều vật nuôi, cây trồng mới làm phong phú thêm các sản phẩm nông, lâm nghiệp (đà điểu, heo rừng lai, nhím, nhông, dế, kiệu, tỏi, nghệ, keo lai, dó bầu, hoa, cây cảnh, bon sai…). Thủy lợi được đầu tư toàn diện theo hướng kiên cố hóa. Toàn tỉnh đã có 159 công trình thủy lợi được xây dựng và có kênh mương kiên cố. Trong đó, một số công trình lớn (hồ Cam Ranh, Suối Dầu, Đá Bàn...) không những phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, du lịch mà còn thay đổi bộ mặt nông thôn, phát triển khu dân cư, khu đô thị…

Diện mạo mới ở nông thôn

Sau 20 năm, bộ mặt nông thôn Khánh Hòa đã có sự thay đổi mạnh mẽ. 100% xã có đường ô tô đến Trung tâm xã; 97,2% hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia; 77% dân số sử dụng nước hợp vệ sinh; 100% xã có trạm y tế và trường tiểu học; 91,3% xã có trường mẫu giáo; 57,7% xã có chợ (78/136 chợ kiên cố); 87 điểm bưu điện văn hóa; mật độ điện thoại đạt 67,07/100 dân; 100% huyện, thị được phủ mạng cáp quang và điện thoại di động. Các lĩnh vực y tế, giáo dục, thể dục thể thao phát triển mạnh.

Đời sống nhân dân được cải thiện, nâng cao. Toàn tỉnh có 80% hộ dân xây nhà kiên cố và bán kiên cố; không còn hộ đói; hộ nghèo giảm nhanh.

Cùng với sự phát triển của nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp chế biến nông sản cũng từng bước đổi mới. 20 năm qua, nhiều địa phương đã xây dựng được các nhà máy chế biến lau bóng gạo, phục vụ nội địa và xuất khẩu; công nghệ sấy nông sản sau thu hoạch… Đặc biệt, công nghệ chế biến đường theo quy mô công nghiệp đang phát triển, năng lực sản xuất của các nhà máy đường lên đến 7.250 tấn/ngày. Dịch vụ sản xuất hàng xuất khẩu từ mây, tre, lá phát triển rộng khắp, góp phần giải quyết lao động nông thôn… Chế biến lâm sản và đồ mỹ nghệ đã được hình thành và bước đầu xuất khẩu. Việc tổ chức sản xuất kinh tế ở nông thôn tiếp tục phát triển đa dạng dưới nhiều hình thức: kinh tế hộ, kinh tế trang trại, HTX, doanh nghiệp nông nghiệp… Những thành tựu này đã đem lại dịên mạo mới cho nông nghiệp, nông thôn Khánh Hòa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương trong 20 năm qua.

Quang Viên