09:05, 19/05/2009

Đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt

Khánh Hòa có hơn 10.100 tàu thuyền đánh bắt hải sản, tập trung chủ yếu ở các huyện Vạn Ninh, Ninh Hòa, thị xã Cam Ranh và TP. Nha Trang.

° Hầu hết các tàu cá ở Khánh Hòa đánh bắt thủy sản ở khu vực gần bờ.

Khánh Hòa có hơn 10.100 tàu thuyền đánh bắt hải sản, tập trung chủ yếu ở các huyện Vạn Ninh, Ninh Hòa, thị xã Cam Ranh và TP. Nha Trang. Tuy nhiên, số tàu cá có khả năng tham gia đánh bắt xa bờ chỉ khoảng 500 tàu, số còn lại đều có công suất nhỏ nên tập trung khai thác ven bờ, nhất là trong các đầm, vịnh. Do khai thác quá mức, nguồn lợi thủy sản (NLTS) ven bờ ở Khánh Hòa đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt. 

Khánh Hòa là tỉnh được đánh giá có nhiều thuận lợi để phát triển đa dạng các ngành kinh tế biển, trong đó có hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản. Đây là một nghề truyền thống, một ngành kinh tế quan trọng, nghề chính của bộ phận không nhỏ cư dân ven biển. Theo đánh giá nguồn lợi, vùng biển Khánh Hòa có tổng trữ lượng hải sản khoảng 150.000 tấn, cho phép khai thác ở mức 70.000 tấn/năm. Trên thực tế, sản lượng khai thác được từ 60.000 - 68.000 tấn/năm. Hiện nay, Khánh Hòa có hơn 10.100 tàu thuyền đánh bắt hải sản, trong đó chỉ 500 tàu có khả năng tham gia đánh bắt xa bờ, phần còn lại đều có công suất nhỏ nên tập trung khai thác ven bờ. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hơn 80% tổng lượng hải sản khai thác hàng năm được đánh bắt ở vùng ven bờ. Đây là dấu hiệu rõ ràng của tình trạng khai thác quá mức ở vùng này. Số lượng loài có nguy cơ tuyệt chủng và cạn kiệt ngày càng tăng; năng suất đánh bắt và kích cỡ của các loài cá đều bị giảm. Tỷ lệ các loài cá có giá trị cao như: cá thu, hồng, song, cá chim… giảm mạnh, thay vào đó là những loài cá tạp, kém chất lượng. Bên cạnh đó, việc ngư dân sử dụng các biện pháp khai thác hải sản theo cách hủy diệt môi trường biển như: dụng cụ xung điện, chất nổ, chất độc… đã làm hủy hoại các rạn san hô, rừng ngập mặn… vốn là nơi cư trú, bãi đẻ của các loại hải sản, hạn chế sự sinh sôi nảy nở và ảnh hưởng không nhỏ đến việc tái tạo nguồn lợi.

Hiện nay, nhiều người vẫn sử dụng phương tiện đánh bắt mang tính hủy diệt như giã cào, giã nhủi…. Thời gian gần đây, việc đánh bắt cá bằng chất nổ có giảm, nhưng việc sử dụng chất độc có vẻ phổ biến hơn. Nhiều ngư dân cho rằng, hóa chất cyanua chỉ làm mê cá mà không giết chết các sinh vật khác. Nhưng thực tế, chất này tiêu diệt toàn bộ ấu trùng thủy sinh vật và giết chết các tập đoàn san hô. Không những thế, sự tích lũy độc tố còn gây suy thoái môi trường, tác động tới toàn bộ hệ sinh thái biển, nguy hiểm hơn là gây ảnh hưởng không nhỏ cho sức khỏe con người khi ăn các loài hải sản này.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhiều loài hải sản quý trên vùng biển địa phương hiện đang bị khai thác đến mức kiệt quệ; trong đó có nhiều loài đứng trước nguy cơ tuyệt chủng như: rùa biển, hải sâm, cầu gai sọ dừa, cá ngựa, sò huyết… Trước đây, tại đầm Thủy Triều (huyện Cam Lâm), loài hải sâm trắng có sản lượng hàng năm từ 150 - 200 tấn nhưng hiện nay còn lại rất ít. Các loài hải sâm đen, hải sâm mít, hải sâm dừa, hải sâm vú… là các đối tượng kinh tế quan trọng, có giá trị thương mại cao ở vịnh Nha Trang cũng nằm trong hoàn cảnh tương tự. Ngoài ra, các loài cầu gai sọ dừa, ốc tù và các loài có giá trị cao như cá mú, cá hồng… ở vịnh Nha Trang đến nay đã gần cạn kiệt.

Trước năm 2000, nghề nuôi trồng thủy sản ở Khánh Hòa liên tiếp có những mùa vụ bội thu, đặc biệt là con tôm sú. Đây được xem là giải pháp nhằm giảm bớt sức ép từ việc khai thác quá mức NLTS ven bờ. Tuy nhiên, do thiếu quy hoạch và phát triển tự phát, phương thức chủ yếu vẫn là quảng canh nên việc nuôi trồng ngày càng kém hiệu quả; môi trường bị ô nhiễm, diện tích nuôi ngày một thu hẹp, các vùng đất ngập nước ven bờ ngày một suy thoái. Hiện nay, nghề nuôi tôm hùm, cá biển bằng lồng phát triển rộng rãi ở nhiều địa phương trong tỉnh. Đối với loài nuôi này, do sử dụng thức ăn tươi sống, lượng thức ăn dư thừa phát tán ra vùng nước rất lớn nên gây ô nhiễm môi trường khá nghiêm trọng.

Nằm trong chương trình bảo vệ và phát triển bền vững NLTS địa phương từ nay đến năm 2010, Khánh Hòa dự kiến huy động và đầu tư trên 30 tỷ đồng để bảo tồn đa dạng sinh học tại các địa điểm: vịnh Nha Trang, vịnh Vân Phong, Rạn Trào (huyện Vạn Ninh), đầm Nha Phu (TP. Nha Trang và huyện Ninh Hòa)…; phục hồi, tái tạo các đối tượng có nguy cơ bị tuyệt chủng; tổ chức lại việc quản lý khai thác NLTS ven bờ; tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức về bảo vệ nguồn lợi cho ngư dân. Trong quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủy sản đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, ngành thủy sản đã xác định rõ những giải pháp chính là tiếp tục chuyển nhanh cơ cấu nghề cá theo hướng ổn định sản lượng khai thác đánh bắt, bảo vệ NLTS, chuyển từ nghề đánh bắt ven bờ sang nghề khai thác xa bờ. Bên cạnh đó, giảm số lượng tàu thuyền đánh bắt ven bờ, phát triển nuôi trồng ở vùng mặt nước biển, chú trọng điều chỉnh cơ cấu nghề nghiệp của cộng đồng nghề cá để phát triển bền vững. 

Sự phát triển bền vững của nghề cá không chỉ có ý nghĩa thuần túy về mặt kinh tế mà còn thể hiện việc sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên và giải quyết nhiều vấn đề về xã hội. Đối với ngư dân, việc phát triển kinh tế từ việc đánh bắt, nuôi trồng thủy sản là rất cần thiết. Tuy nhiên, Nhà nước cần có chính sách để bảo vệ môi trường mang tầm quốc gia, đáp ứng được nhu cầu trước mắt và lâu dài nhằm hạn chế việc suy thoái môi trường như hiện nay.

Châu An Khánh