05:05, 09/05/2009

Tình hình kinh tế - xã hội có chuyển biến tích cực

Chiều 5-5, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì họp báo, thông báo kết quả phiên họp thường kỳ tháng 4-2009 của Chính phủ...

Chiều 5-5, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì họp báo, thông báo kết quả phiên họp thường kỳ tháng 4-2009 của Chính phủ.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: trong phiên họp diễn ra trong hai ngày 4 và 5-5, các thành viên Chính phủ đã dành phần lớn thời gian tập trung thảo luận, cho ý kiến về báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2009, Báo cáo đánh giá 2 năm gia nhập WTO; Tờ trình Đề án ''Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020'', Báo cáo ''Tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết Quốc hội về thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường'', Tờ trình Chính phủ về dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 90/2001/NĐ-CP về trợ giúp phát triển cho doanh nghiệp nhỏ và vừa'', Tờ trình Chính phủ về về dự án Luật Bưu chính và một số vấn đề quan trọng khác trong đó có những vấn đề chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội sắp tới.

Trong phiên họp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đánh giá, tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm ở nước ta tiếp tục có chuyển biến theo chiều hướng tích cực khá rõ nét trong hầu hết các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế như: giá trị sản xuất công nghiệp tăng liên tục trong 3 tháng qua; sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp đạt kết quả khá; lĩnh vực dịch vụ có nhiều chuyển biến, thu ngân sách nhà nước đạt tốc độ tăng khá, các lĩnh vực giáo dục, xã hội đều đạt được kết quả tốt.

Thủ tướng Chính phủ nhất trí với đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, quá trình 2 năm hội nhập WTO đã có nhiều tác động đến kinh tế, xã hội nước ta, trong đó có tác động tích cực cho nền kinh tế như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng nguồn vốn đầu tư nước ngoài, tạo nhiều việc làm cho người lao động trong nước, thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế phù hợp với tình hình mới.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, chúng ta đã chủ động trong quá trình hội nhập, chủ động trong các biện pháp vượt qua những khó khăn, tác động tiêu cực của hội nhập, tăng cường năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực kinh tế cùng sự đồng thuận của toàn dân vượt qua những khó khăn nảy sinh trong quá trình hội nhập.

Trả lời những câu hỏi liên quan đến Đề án ''Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020'', Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đàm Hữu Đắc cho biết: để học viên sau đào tạo nghề có công ăn việc làm đạt tỷ lệ cao như yêu cầu Đề án thì các mô hình giáo dục dạy nghề trong Đề án được xây dựng linh hoạt, được nghiên cứu điều chỉnh phù hợp theo nhu cầu thực tế của thị trường lao động. Đồng thời, việc quản lý nguồn tài chính trị giá hơn 32 ngàn tỷ đồng dự kiến dành cho các chương trình đào tạo nghề, Đề án cũng đã đưa ra những biện pháp cụ thể để kiểm soát chặt chẽ ngay từ cơ sở, đảm bảo việc sử dụng nguồn vốn đúng mục đích và yêu cầu của Đề án.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, kết quả kiểm tra tại các địa phương đối với việc thực hiện Nghị quyết 30 của Chính phủ "về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội" cho thấy các địa phương, doanh nghiệp và người dân đều ủng hộ việc đưa NQ 30 vào cuộc sống. Thực tế tại các địa phương cho thấy, NQ 30 đã mang lại những hiệu quả tích cực, tuy nhiên tại một số địa phương, việc triển khai NQ 30 vẫn còn chậm. Chính vì vậy, trong buổi họp Chính phủ vừa qua, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh các chương trình kích cầu kinh tế mà Chính phủ đã đề ra. tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình hỗ trợ đảm bảo an sinh xã hội, triển khai nghiêm túc đề án cải cách thủ tục hành chính và đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng.

Theo VOV