01:07, 11/07/2022

Đưa sản phẩm từ phòng thí nghiệm ra thị trường

Từ phòng thí nghiệm đến thương mại hóa sản phẩm của các đề tài khoa học và công nghệ là một bước dài với nhiều thách thức. Chỉ những sản phẩm mang lại hiệu quả kinh tế cao mới thu hút doanh nghiệp hay đơn vị nghiên cứu đầu tư. Phát triển xáo tam phân, fucoidan, cá khoang cổ… là những ví dụ điển hình.

Từ phòng thí nghiệm đến thương mại hóa sản phẩm của các đề tài khoa học và công nghệ (KH-CN) là một bước dài với nhiều thách thức. Chỉ những sản phẩm mang lại hiệu quả kinh tế cao mới thu hút doanh nghiệp hay đơn vị nghiên cứu đầu tư. Phát triển xáo tam phân, fucoidan, cá khoang cổ… là những ví dụ điển hình.


Phát triển sản phẩm từ cây xáo tam phân


Từ điểm cao nhất trong khu vực trồng xáo tam phân của Công ty Cổ phần Sản xuất thương mại dịch vụ PomGroup tại thôn Suối Sâu (xã Ninh Tân, thị xã Ninh Hòa) phóng tầm mắt ra xung quanh, chúng tôi chỉ thấy một màu xanh của rừng, keo và những ngọn đồi xáo tam phân đang được gây trồng. Chỉ cây xáo tam phân khẳng khiu, dược sĩ Nguyễn Quý Nhứt - Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển sản phẩm Công ty Cổ phần Sản xuất thương mại dịch vụ PomGroup chia sẻ: “Xáo tam phân lớn rất chậm, 6 tháng chỉ cao 15cm. Tranh thủ đất còn trống, chúng tôi trồng xen sầu riêng để thử nghiệm. Hiện nay, cả khu vực trang trại rộng hơn 15ha của công ty tại Ninh Hòa đã phủ xanh xáo tam phân. Từng ngọn đồi bố trí nhà ở, nơi ăn nghỉ cho công nhân bảo vệ, phát triển cây thuốc…”.

 

Phân xưởng đóng viên fucoidan.

Phân xưởng đóng viên fucoidan.


Tại phòng làm việc của Giám đốc điều hành Nguyễn Lê Văn, chúng tôi thấy bày biện nhiều mẫu vật, chai lọ, cây thuốc, nước yến… Hỏi ra mới biết, công ty đang nghiên cứu những sản phẩm mới từ xáo tam phân. Ông Văn cho biết: “Từ năm 2011, khi Khánh Hòa rộ lên cơn sốt xáo tam phân, khu vực Hòn Hèo (Ninh Hòa) bị nhiều người cày nát để tìm kiếm cây thuốc. Khi thấy xáo tam phân bị khai thác cạn kiệt, công ty đã thu mua cây con về trồng và thành lập vườn ươm tại xã Diên Điền (huyện Diên Khánh). Sau 7 năm chăm sóc, khu vườn giờ đây đã trở thành vườn mẫu bảo tồn xáo tam phân. Tháng 9-2019, các cổ đông thành lập công ty đã mua đất, xây nhà xưởng, trồng đại trà xáo tam phân để đi vào sản xuất các sản phẩm từ xáo tam phân…


Đưa chúng tôi đi thăm nhà máy tại thôn Bắc (Ninh Tân), ông Trần Doãn Đức - Quản đốc nhà máy cho biết, đến nay, nhà máy đã thương mại hóa nhiều sản phẩm như: Trà rễ, trà bỏ ấm, trà túi lọc từ xáo tam phân… Nhà máy đã đầu tư nhà xưởng rộng 5.000m2, có các dây chuyền sản xuất, đóng gói hiện đại bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Hiện nay, nhà máy sản xuất trung bình 5 tấn nguyên liệu/năm và tiếp tục mở rộng trong thời gian đến.

 

Phân xưởng đóng gói xáo tam phân.

Phân xưởng đóng gói xáo tam phân.


Được biết, Công ty Cổ phần Sản xuất thương mại dịch vụ PomGroup đã liên kết với các nhà khoa học của Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên, thuộc Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam để phát triển sản phẩm. Nghiên cứu của viện chỉ ra, xáo tam phân chữa được 5 dòng ung thư gồm: Ung thư gan, đại tràng, vú, buồng trứng, cổ tử cung. Ngoài ra, còn giúp giảm các bệnh lý về gan, an thần, ngủ ngon, tăng cường hệ miễn dịch. Gần đây, các nhà khoa học Việt Nam có phát hiện mới về xáo tam phân kháng được các chủng vi khuẩn kháng thuốc và kháng tiểu đường type 2… Ông Văn chia sẻ: “Sắp tới, đơn vị sẽ sản xuất nhiều sản phẩm mới từ xáo tam phân như: Nước uống đóng lon, chai; cao dịch chiết hay các loại viên nén, viên nang… Công ty sẽ liên kết với nông dân phát triển diện tích cây thuốc và tổ chức thu mua cây thuốc của người dân”.


Đa dạng mặt hàng fucoidan


Những ngày này, các cổ đông của Công ty Cổ phần Fucoidan Việt Nam đang tất bật nghiên cứu bản vẽ để thi công nhà máy mới tại Khu Công nghiệp Suối Dầu (huyện Cam Lâm). Khu sản xuất quy mô pilot (quy mô sản xuất thực nghiệm) tại Viện Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ Nha Trang (thuộc Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam) vẫn sản xuất đều các mặt hàng fucoidan các loại. Thạc sĩ Huỳnh Thị Linh Phương - Trưởng ban nghiên cứu sản phẩm mới cho biết, fucoidan được chiết xuất từ rong nâu, có tác dụng đặc biệt trong ngăn ngừa, chữa trị bệnh ung thư. Bên cạnh đó, fucoidan còn có tác dụng giảm mỡ máu, hỗ trợ điều trị dạ dày, tá tràng, tăng sức đề kháng... Sau khi Tiến sĩ Bùi Minh Lý - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ Nha Trang hoàn thành các công trình khoa học về chiết xuất fucoidan từ rong nâu, Công ty Cổ phần Fucoidan Việt Nam đã được thành lập (năm 2009) và hợp tác với viện sản xuất thương mại hóa các sản phẩm liên quan đến fucoidan.


Khi chúng tôi đến thăm khu vực sản xuất, bà Phương giới thiệu các máy móc thiết bị hiện đại như máy thẩm tách, máy sấy, máy tách chiết các hoạt chất chính từ rong nâu. Hiện nay, công ty sản xuất được 4 dòng sản phẩm fucoidan, gồm: Fucoidan dạng bột, fucoidan AK, fucoidan UM, fucoidan GT dạng viên nang theo công nghệ siêu lọc, không sử dụng hóa chất, chiết xuất hàm lượng fucoidan cao… Thời gian tới, khi nhà máy tại Suối Dầu hoàn thành, công ty sẽ cho ra đời hàng loạt sản phẩm mới, trong đó một số đã nghiên cứu cơ bản như: Fucoidan kết hợp với beta - glucan, nấm lim xanh kết hợp sụn cá, glucosamine; các sản phẩm dạng gel tan trong nước, dùng cho người già, trẻ em hay truyền dịch, các sản phẩm chăm sóc da như: serum, collagen, mặt nạ bùn khoáng...


Bà Nguyễn Thị Huệ - Giám đốc Công ty Cổ phần Fucoidan Việt Nam cho biết, nhà máy tại Khu Công nghiệp Suối Dầu có quy mô vốn 46 tỷ đồng; khi hoàn thành dự kiến tuyển 150 công nhân. Đến nay, các sản phẩm và công ty đã đạt nhiều giải thưởng như: Sản phẩm vàng vì sức khỏe cộng đồng năm 2016, Doanh nghiệp KH-CN tiêu biểu năm 2022; mới đây được Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Doanh nghiệp Châu Á bình chọn và công bố là “Thương hiệu số 1 Việt Nam 2022” và “Thương hiệu Việt Nam tin dùng năm 2022”...


Thương mại hóa cá khoang cổ


Những ngày đầu tháng 7, chúng tôi đến thăm cơ sở cá giống của Công ty TNHH Sản xuất và Ứng dụng công nghệ thủy sản VINA tại xã Ninh Ích (Ninh Hòa). Trước mặt chúng tôi là những dãy bể kính dài, thẳng tắp, bên trong là đàn cá nemo (một loài cá khoang cổ) có màu cam sọc trắng đặc trưng. Giới thiệu một bể cá nemo có màu sắc lạ hơn, Thạc sĩ Hồ Sơn Lâm - Phó Trưởng phòng Kỹ thuật nuôi sinh vật biển, Viện Hải dương học cho biết, đó là giống cá đột biến. “Cá khoang cổ hay còn gọi cá hề bán ra thị trường khi đạt kích cỡ 3 - 5cm. Từ 6cm trở lên chúng có thể sinh sản. Chúng tôi đã lai tạo thành công 3 dòng cá nemo đột biến là: Mocha storm, frostbite và snowflake. Trong đó, cá mocha storm nhập khẩu có giá lên đến 1,7 triệu đồng/con”, ông Lâm nói.


Theo Thạc sĩ Lâm, cá nemo sống ở các dải đá ngầm và rạn san hô, thường có màu vàng, cam hay đỏ nhạt xen các sọc trắng trên cổ, trên thân. Nhưng cá đột biến lại có màu trắng, đen xen các sọc đen hoặc vàng... Để sinh sản nhân tạo, người ta thường cho cá đẻ trứng lên những chiếc chậu bằng đất nung khoét đáy, nhái theo những gành đá hay rạn san hô ngoài tự nhiên.


Được biết, hoạt động này thuộc Dự án Phát triển thương mại cá khoang cổ nemo (tên khoa học là Amphiprion ocellaris) đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Dự án kế thừa 2 dự án trước đây mà Viện Hải dương học đã thực hiện cũng về cá nemo với kinh phí từ ngân sách nhà nước là 900 triệu đồng, phần còn lại là kinh phí đối ứng từ doanh nghiệp (900 triệu đồng) nhằm hoàn thiện quy trình sản xuất cá nemo quy mô 5.000 con/đợt; tổ chức tốt các yếu tố quản lý môi trường và phòng bệnh; đăng ký nhãn hiệu hàng hóa; đồng thời mở rộng tìm kiếm thị trường trong và ngoài nước. Đến nay, dự án đã đi được 3/4 chặng đường. Giải pháp đề cập tới quy trình sản xuất giống cá nemo nhằm nâng cao hiệu quả tỷ lệ sống của cá giống. Đồng thời, sử dụng thức ăn tôm, nhuyễn thể, thức ăn tổng hợp được bổ sung thêm một số thành phần tùy theo các giai đoạn phát triển khác nhau của cá…


VĨNH LẠC