07:04, 02/04/2003

Tính cách anh hùng của người Khánh Hòa

Những người Việt đến và định cư đầu tiên trên đất Khánh Hòa là những người từ các tỉnh phía Bắc vào, theo chúa Nguyễn mở đất về phương Nam. Họ là quân nhân, là nông dân và cả những người bị lưu đày được tạo điều kiện để lập công chuộc tội. Cùng với họ là gia đình vợ con đi theo để lập nghiệp trên vùng đất mới. Họ là những người dân bình thường với khát vọng bình yên, no ấm, hạnh phúc… lại vừa mang cái khí thế của những anh hùng khai sơn, phá thạch, đặt những viên đá đầu tiên cho làng xóm sau này.

Bia Võ Cạnh, niên đại thế kỷ III-IV sau Công nguyên.

Những người Việt đến và định cư đầu tiên trên đất Khánh Hòa là những người từ các tỉnh phía Bắc vào, theo chúa Nguyễn mở đất về phương Nam. Họ là quân nhân, là nông dân và cả những người bị lưu đày được tạo điều kiện để lập công chuộc tội. Cùng với họ là gia đình vợ con đi theo để lập nghiệp trên vùng đất mới. Họ là những người dân bình thường với khát vọng bình yên, no ấm, hạnh phúc… lại vừa mang cái khí thế của những anh hùng khai sơn, phá thạch, đặt những viên đá đầu tiên cho làng xóm sau này.

Trong bối cảnh đó, yêu cầu đầu tiên đối với họ là phải có tinh thần chiến đấu cao, dũng cảm mưu trí vượt nguy hiểm, khó khăn, dám hy sinh để bảo vệ vùng đất sinh tồn của mình. Dần dần cùng với cư dân các dân tộc anh em tại chỗ (Chăm, các dân tộc thiểu số Tây Nguyên) họ hình thành một cộng đồng dân tộc gắn bó với nhau, sống chết có nhau cho đến bây giờ.

Nhìn lại quá khứ, đất Khánh Hòa và người Khánh Hòa chưa bao giờ có những ngày hòa bình thật sự và dài lâu. Khánh Hòa đã từng là chiến trường của nhiều cuộc đấu tranh dân tộc và giai cấp nóng bỏng: cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Nam, khởi nghĩa Tây Sơn và cuộc chiến tranh giữa chúa Nguyễn và Tây Sơn, phong trào Cần Vương chống Pháp, Cách mạng Tháng Tám và hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Trong 2 cuộc kháng chiến này, Khánh Hòa là vùng tạm bị chiếm, hàng ngày người dân phải đương đầu trực tiếp với kẻ thù xâm lược hùng mạnh và tàn ác. Có thể nói: người Khánh Hòa đã phải tự rèn luyện cho mình bản lĩnh để tồn tại trong mọi tình huống, để chiến thắng, giành lấy cho mình tự do, độc lập và hòa bình.

Tôi chỉ nêu mấy biểu hiện cụ thể của tính cách ấy:

1- Khánh Hòa là nơi có phong trào cách mạng rất sớm do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Ngày 16-7-1930, đông đảo người dân Ninh Hòa (tài liệu của địch ước lượng từ 700 đến 1.000 người) đã biểu tình kéo đến huyện lỵ, bắt giữ viên tri huyện Tân Định (Ninh Hòa), buộc tên này phải tiếp nhận và ký vào yêu sách của quần chúng đòi bãi bỏ các sắc thuế, đồng thời họ còn phá cửa nhà lao, thả các tù chính trị. “Đây là cuộc đấu tranh lớn đầu tiên do Đảng Cộng sản Đông Dương phát động ở Nam Trung bộ, nối tiếp cuộc đấu tranh ngày 1-5-1930 của công nhân Trường Thi - Bến Thủy (Nghệ An) châm ngòi nổ cho cao trào cách mạng trong những năm 1930” (1). Ta nhớ lúc ấy Đảng Cộng sản Đông Dương vừa mới thành lập chỉ hơn 5 tháng (3-2-1930).

2- Trong phong trào Cần Vương chống Pháp, Khánh Hòa có một đội ngũ tướng lĩnh kiệt xuất. Ba ông Trịnh Phong (người làng Phú Vinh, nay thuộc TP. Nha Trang), Trần Đường (người làng Hiền Lương, huyện Vạn Ninh), Nguyễn Khanh (quê làng Võ Cạnh, nay thuộc TP. Nha Trang) chỉ huy nghĩa quân đánh Pháp nhiều trận… được nhân dân tôn là “Khánh Hòa Tam Kiệt”. Ở Vạn Ninh, trong phong trào Cần Vương, có 3 vị tướng chỉ huy nghĩa quân rất nổi tiếng là Phạm Chánh (người làng Hội Khánh), Nguyễn Sum (cùng quê quán với Phạm Chánh), Phạm Long (con của Phạm Chánh) được đồng bào suy tôn là “Quảng Phước Tam Hùng”. Sáu vị tướng lĩnh trên đều dũng cảm chiến đấu đến giây phút cuối cùng của đời mình, một số người bị giặc Pháp đưa ra pháp trường vẫn ngẩng cao đầu lên án kẻ thù xâm lược.

3- Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, hàng vạn người Khánh Hòa đã chiến đấu và hy sinh anh dũng trong hoàn cảnh chiến trường đặc biệt ác liệt. Tôi chỉ nêu trường hợp ba cô gái trẻ được truy tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang (LLVT) khi tuổi đời mới xấp xỉ trên dưới 20. Đó là chị Nguyễn Thị Trừ, hy sinh năm 1947 khi mới 22 tuổi; chị Trần Thị Tính, hy sinh năm 1972 lúc 21 tuổi và chị Nguyễn Thị Ngọc Oanh hy sinh năm 1968 ở tuổi 20. Lạ một điều là các cô gái trẻ ấy ngày thường rất hiền lành, dịu dàng (chị Oanh là giáo viên tiểu học), vậy mà khi đối mặt với kẻ địch, với cái chết họ lại cực kỳ dũng cảm. Nguyễn Thị Trừ ném lựu đạn vào bọn địch đi cướp bóc giữa chợ. Bị bắt, bị tra tấn và dong đi trên đường phố thị trấn Ninh Hòa, chị còn vạch mặt địch, kêu gọi đồng bào đấu tranh. Trần Thị Tính khi bị địch phục kích đã bắn đến viên đạn cuối cùng để bảo vệ cán bộ và đồng đội. Nguyễn Thị Ngọc Oanh đã rút chốt lựu đạn giết địch khi chúng xông vào phòng của mình để bảo vệ hầm bí mật che giấu anh chiến sĩ giải phóng và chị cũng hy sinh (2).

Rõ ràng là tính cách anh hùng, tinh thần dũng cảm hy sinh vì nước, vì dân của người Khánh Hòa không còn là cá biệt mà là phổ biến, là từ trong máu, trong tim của mỗi người. Không chỉ có ở các tướng lĩnh dày dạn trận mạc mà cả ở các cô gái trẻ trung, hiền dịu nhất.

GIANG NAM

(1) Xem “Lịch sử Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Khánh Hòa 1930 - 1975” (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Khánh Hòa - 2001)
(2) - Nguyễn Thị Trừ (thị trấn Ninh Hòa), hy sinh 1947, Anh hùng LLVT nhân dân.
- Trần Thị Tính (xã Diên An, Diên Khánh) hy sinh 1972, Anh hùng LLVT nhân dân.
- Nguyễn Thị Ngọc Oanh (thị trấn Ninh Hòa) hy sinh 1968, Anh hùng LLVT nhân dân.