02:04, 01/04/2003

Khánh Hòa trong mùa Xuân 1975

Sau các trận đánh lớn ở Buôn Ma Thuột, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa nhận được điện của Khu ủy tập trung hoạt động mạnh tại Cam Ranh, Nha Trang để gây sức ép hỗ trợ cho Bắc Khánh Hòa và chiến trường chung. Nhưng tình hình diễn biến rất nhanh chóng, nhiệm vụ hết sức khẩn trương, chưa đến một tuần sau đó, Tỉnh ủy lại nhận được điện khẩn của Khu ủy tập trung lực lượng vũ trang của tỉnh vào phía Nam để giải phóng Nha Trang.

Sau các trận đánh lớn ở Buôn Ma Thuột, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa nhận được điện của Khu ủy tập trung hoạt động mạnh tại Cam Ranh, Nha Trang để gây sức ép hỗ trợ cho Bắc Khánh Hòa và chiến trường chung. Nhưng tình hình diễn biến rất nhanh chóng, nhiệm vụ hết sức khẩn trương, chưa đến một tuần sau đó, Tỉnh ủy lại nhận được điện khẩn của Khu ủy tập trung lực lượng vũ trang của tỉnh vào phía Nam để giải phóng Nha Trang.

Trên đà tấn công, quân chủ lực của ta giải phóng Khánh Dương và hành quân theo đường 21 tiến công Dục Mỹ xuống Ninh Hòa. Lực lượng địch tại quận lỵ Khánh Dương, nằm trên Quốc lộ 21 là một tập đoàn cứ điểm mạnh, bảo đảm con đường tiếp vận hậu cần thông suốt từ Cam Ranh - Nha Trang đến Nam Tây Nguyên, đồng thời cũng là cửa ngõ vào Khánh Hòa, Nha Trang sau những biến động lớn ở Tây Nguyên. Vì vậy, trước khi đánh Buôn Ma Thuột, ngày 5-3-1975, Trung đoàn bộ binh 25 của ta cắt đứt Quốc lộ 21 ở đoạn Chư Cúc (Tây Khánh Dương).

Ngày 22-3, quận lỵ Khánh Dương được giải phóng. Tình hình đó uy hiếp trực tiếp và rất mạnh đến toàn bộ quân địch tại Nha Trang - Khánh Hòa. Chúng tăng cường bố trí lại lực lượng, chủ yếu là tuyến phòng thủ Tây Ninh Hòa, trên trục đường 21, từ đèo Phượng Hoàng đến căn cứ Dục Mỹ. Ngoài lực lượng tại chỗ, địch đưa đến đây một lữ đoàn dù, 2 tiểu đoàn biệt động và tàn quân của Sư đoàn 23 bị đánh tan tác ở Buôn Ma Thuột vừa được tổ chức lại.

Sáng sớm ngày 31-3-1975, Sư đoàn 10 của ta tiến công lữ đoàn dù ngụy ở cầu Suối Chình, Km24 trên Quốc lộ 21, cách Trung tâm huấn luyện Lam Sơn 3km. Hàng trăm tên địch chạy về phía Tân Lâm, Tân Tứ, Đồng Thân (Tây Ninh Hòa) bị du kích và đồng bào địa phương uy hiếp, một số ra hàng, một số chạy dạt qua Quốc lộ 1 về phía Hòn Khói.

Trong đêm 31-3 và mờ sáng 1-4, Trung tâm huấn luyện Lam Sơn, biệt động quân, pháo binh Dục Mỹ, trường Hạ sĩ quan rút chạy qua thị trấn Ninh Hòa. Trưa 1-4, chúng cho máy bay ném bom hủy diệt luôn căn cứ Dục Mỹ. Toàn bộ quân địch ở Nha Trang - Khánh Hòa rúng động, nhốn nháo.

Tại Ninh Hòa, từ sáng 1-4, các mũi gồm lực lượng vũ trang và đội vũ trang công tác từ nhiều hướng đã đồng loạt huy động quần chúng nổi dậy giải phóng đại bộ phận vùng nông thôn. Đến hết ngày 1-4 đã áp sát thị trấn Ninh Hòa.

Tại Vạn Ninh, tối 31-3 bọn địch đã rút chạy ra đảo. Trong 2 ngày 1 và 2-4, toàn bộ vùng nông thôn và thị trấn Vạn Giã được giải phóng.

Sau khi đã giải phóng quận lỵ Khánh Dương, đánh tan cụm cứ điểm phòng thủ của địch tại đèo Phượng Hoàng, Dục Mỹ, sáng 2-4, Trung đoàn 24 và Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 28 thuộc Sư đoàn 10 theo đường 21 tiến xuống quận lỵ Ninh Hòa.

Tại Nha Trang, khi nghe tin lữ dù 3 thua trận, tuyến phòng thủ đèo Phượng Hoàng, Mađrắc bị phá vỡ, Phạm Văn Phú vội vã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp tìm cách "tử thủ Nha Trang". Phú ra lệnh thiết quân luật 24/24 giờ, gấp rút củng cố các trận địa phòng thủ, thu gom tàn quân, thành lập các đơn vị mới, bổ sung súng đạn cho bọn bảo an, dân vệ.

Tuyến phòng thủ ở đèo Phượng Hoàng là một cụm cứ điểm mạnh của địch để canh giữ cửa ngõ xuống Nha Trang, nay đã bị vỡ thì bọn địch không còn hy vọng gì giữ được Nha Trang. Ngay từ đêm 31-3, tình hình Nha Trang rất hỗn loạn. Tàu thủy ở các tỉnh ngoài vào cập bến Cầu Đá, chở đầy lính và gia đình sĩ quan đi di tản, đói khát, hỗn loạn, bắn nhau bừa bãi.

Trong đêm 31-3, công chức và sĩ quan ngụy tại Nha Trang bất chấp lệnh giới nghiêm của chỉ huy đã tự động "di tản". Chúng chen chúc nhau đông nghịt đến nghẹt thở ở bến Cầu Đá. Trường Hạ sĩ quan Đồng Đế có trách nhiệm phòng thủ phía Bắc Nha Trang cũng đã tháo chạy trong đêm 31-3. Sáng 1-4, hàng trăm quân nhân và biệt động quân kéo về bến xe Ninh Hòa (nay là bến xe nội tỉnh) bắn nhau hỗn loạn, tranh cướp xe tràn về hướng Cam Ranh. Trên 1.000 tù nhân là ngụy quân bị kỷ luật, giam tại quân lao Nha Trang, đã phá khám thoát ra. Bọn tàn quân, bọn lưu manh trộm cướp đã đốt chợ Đầm Tròn, cướp phá một số cửa hàng buôn bán lớn, một số nhà dân. Tại sân bay Nha Trang, cảnh hỗn loạn chen lấn, giành nhau lên máy bay di tản chẳng khác gì cảnh diễn ra vào ngày cuối cùng ở sân bay Pleiku.

Sau khi bỏ chạy, Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Khánh Hòa Lý Bá Phẩm "phúc trình" lên Tổng thống Thiệu về tình hình ở Nha Trang: "Ngày 1-4, Nha Trang không còn chính quyền nữa vì công chức, cảnh sát đã đi gần hết".

13 giờ ngày 2-4, lực lượng đột kích binh chủng hợp thành của Sư đoàn 10, theo Quốc lộ 1 tiến quân về thị xã Nha Trang. Trong tình hình hỗn loạn cực độ đó, các tuyến cán bộ và cơ sở được sự chỉ đạo trực tiếp của bộ phận Thị ủy hoạt động trong nội thành đã huy động quần chúng may cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng, thành lập các tổ tự vệ vũ trang, bố trí lực lượng bảo vệ các công sở, kho tàng, các cơ sở kinh tế, công trình công cộng, chuẩn bị đón lực lượng vào tiếp quản.

17 giờ ngày 2-4-1975, sau khi đánh tan các chốt điểm của địch ở đèo Rọ Tượng, đèo Rù Rì, được sự hướng dẫn của lực lượng cốt cán, lực lượng binh chủng hợp thành của Sư đoàn 10 rầm rộ vượt qua cầu Xóm Bóng tiến vào thị xã Nha Trang. Nhân dân từ Đồng Đế đến Nhà Thông tin đã đổ ra đường đón bộ đội cách mạng. Những tiếng hoan hô vang dội, vui mừng khôn xiết. Nhà nhà đều treo cờ Mặt trận, người người đều cầm cờ trên tay vẫy chào.

Ngày 3-4, Sư đoàn 10 tiến vào giải phóng thị xã Cam Ranh và khu liên hợp quân sự Cam Ranh.

Cho đến hết ngày 3-4, toàn bộ phần đất liền đồng bằng và ven biển của tỉnh đã hoàn toàn giải phóng. Các đảo, quần đảo và lãnh hải cũng lần lượt được giải phóng.

Sau khi được giải phóng, Khánh Hòa mà đặc biệt là thị xã Nha Trang và cả khu vực Nam Khánh trở thành bàn đạp quan trọng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Nhân dân trong tỉnh đã góp sức người, sức của phục vụ chiến dịch, giải phóng Sài Gòn và toàn miền Nam ngày 30-4-1975.

ĐÌNH THÔNG