12:04, 01/04/2003

Khánh Hòa – Một cái nhìn địa văn hóa

Nhiều lần, tôi đã đi từ Phú Yên với những tên tuổi vũng Xuân Đài, đầm Ô Loan, sông Cầu, sông Đà Rằng, cùng Tuy An, Tuy Hòa… để vượt đèo Cả, Vũng Rô… tới địa đầu tỉnh Khánh Hòa. Rồi Nha Trang, rồi Cam Ranh, Ba Ngòi… rồi tuốt luốt vào Phan Rang, Phan Thiết… nghĩa là mọi vùng Bắc Nam Khánh Hòa.
 

Nhiều lần, tôi đã đi từ Phú Yên với những tên tuổi vũng Xuân Đài, đầm Ô Loan, sông Cầu, sông Đà Rằng, cùng Tuy An, Tuy Hòa… để vượt đèo Cả, Vũng Rô… tới địa đầu tỉnh Khánh Hòa. Rồi Nha Trang, rồi Cam Ranh, Ba Ngòi… rồi tuốt luốt vào Phan Rang, Phan Thiết… nghĩa là mọi vùng Bắc Nam Khánh Hòa.
Đây là vùng Trường Sơn Nam mà GS. TS Trần Kim Thạch gọi là Nam Sơn thời chưa giải phóng Sài Gòn.
Theo chiều Đông Tây, từ biển lên non, vượt dốc, trèo đèo tới Lâm Đồng - Đà Lạt. Cố trèo lên đỉnh Liang Biang và nhờ Nguyễn Xuân Tài, nhà ngôn ngữ - văn hóa học ở Đại học Đà Lạt giảng giải tôi mới hiểu ra rằng Liang Biang là 2 đỉnh Chàng (Liang) và Nàng (Biang), đôi trai gái yêu nhau thắm thiết của huyền thoại, huyền tích tộc người M’lạch mà không lấy được nhau, rồi "hóa đá", tạo thành 2 đỉnh, độ cao nhất là 2.408m.
Đứng trên đỉnh "Lão Say" Bi Đup (2.278m), chúng tôi ngắm nhìn những đường nét sơn văn quyết định những đường nét thủy văn, ngọn nguồn của các dòng sông chảy về biển Đông xuống các vụng bể của Khánh Hòa và hai tỉnh anh em Ninh - Bình Thuận.
Tôi đã dùng thuyền lăn lộn ra Hòn Tre, Bích Đầm, Đầm Chủ, đảo Yến, Ba Ngòi - Cam Ranh… thăm những di tích văn hóa hữu thể (tangible), nghe những huyền tích vô thể (intangible), đặc biệt thăm các ngư dân trên đảo, thăm những người khai thác yến sào làm giàu cho Tổ quốc và nền văn hóa ẩm thực Việt Nam, đặc biệt là bà con người Hẹ xưa có lúc bị gọi là "Mọi biển" hay người Đàng Hạ - để đối ứng với "Mọi núi" hay người Đàng Thượng - từ đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đến đảo Phú Quý (Bình Thuận), Bích Đầm… của Khánh Hòa.
Núi - Rừng - Biển - Đảo là những hệ sinh thái tự nhiên - nhân văn lớn của Khánh Hòa tuy hiện nay rừng trên núi (cả rừng trên đảo như Hòn Tre nữa) đã bị phá hủy nhiều. Sông hệ ngang Tây - Đông nối núi - đồi cao nguyên với biển - đảo, thiếu rừng đầu nguồn nên ngày càng gây lũ lớn và biển thi thoảng có "sóng thần" cục bộ gây thiệt hại không nhỏ. Mùa khô nắng gắt, từ tháng 1 tới tháng 10, nhiệt độ trung bình 22 - 31oC, nhưng lại có gió nồm mang hơi nước từ biển vô nên không khí vùng ven biển vẫn có phần nhẹ nhàng dễ chịu và Nha Trang - Cam Ranh vẫn giữ vai trò quan trọng trong các "tua" du lịch tắm nắng, tắm biển.
Dao động mực nước biển ở nơi này từ khoảng 3.500 năm trở lại đây là không đáng kể. Song vận động tân kiến tạo lại nâng đáng kể nền đá gốc hoa cương (granit) làm chao đảo dãy Trường Sơn Nam về phía Tây cùng với Tây Nguyên (ở châu thổ Bắc bộ, tôi chỉ biết, như Ức Trai đã viết, "đêm ngày cuồn cuộn nước chầu Đông", lên Đắc Lắc tôi mới hay các sông Krong Ana, Krong Nô… lại chảy về Tây vào lưu vực Mê Kông), tạo điều kiện cho phù sa sông biển bồi tụ và lấp dần các vụng biển nông cũ. Nhà địa lý học tài danh Nguyễn Thiệu Lâu đã đối sánh những ghi chép ở thế kỷ XVI (Ô châu cận lục) và thế kỷ XVIII (Phủ biên tạp lục) với địa hình hiện tại, đã cho ta biết việc bồi lấp các đầm phá vùng biển miền Trung diễn biến chậm nhưng đến nay còn tiếp tục.
Đôi lần tôi đã nói đến miền Trung là cần nhắc đến "một đèo, một đèo, lại một đèo". Và như đã nói, càng về Nam, dải Trường Sơn càng tiến ra sát biển, từ đèo Cù Mông, đèo Cả… thuộc địa bàn 2 tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa. Đèo - sông không chỉ cách ngăn mà còn nối tiếp. Và ranh giới địa - hành chính - chính trị ít khi trùng khớp với ranh giới địa - văn hóa.
Giao lưu văn hóa là một quy luật diễn biến tự nhiên - hay là gần như thế - từ thời tiền sử cho đến ngày nay.
Do núi chạy sát biển nên bờ biển Khánh Hòa và mấy tỉnh cận Bắc Nam có dạng răng cưa và xen kẽ là những vùng - vụng bồi tụ, mài mòn cùng những bán đảo, đảo và quần đảo gần bờ. Có vịnh, có đảo, đảo granit có hang với các tổ chim yến. Đấy là không gian văn hóa yến sào. Thu 1993, Khánh Hòa đã chủ trì cuộc hội thảo toàn quốc về nền Văn hóa yến sào, một nét bản sắc địa - văn hóa của Khánh Hòa và Nam Trung bộ (tính từ Quảng Nam - Đà Nẵng trở vô Nam).
Sẽ là thiếu sót - khi nhìn dưới góc độ sinh thái nhân văn mà quên các dải cồn cát và các bàu nước ngọt ở ven biển Khánh Hòa và miền Trung Việt Nam.
Có 3 dải cồn đánh dấu những đường bờ biển, từ cũ đến mới, từ Tây sang Đông.
Do vậy, tôi đã mạn phép đặc trưng hóa các nền văn hóa ven biển miền Trung thời tiền - sơ sử (đá mới - sơ kỳ kim khí) là Văn hóa cồn bàu. Và TS. Vũ Quốc Hiền - Trưởng phòng Sưu tầm nghiên cứu của Bảo tàng lịch sử Việt Nam - cùng các nhà lãnh đạo Viện và các cộng sự viên đã phân lập thành công một nền Văn hóa Xóm Cồn, với không gian Cam Ranh - Bích Đầm - Hòn Tre của Khánh Hòa và còn vươn tới Gò Ốc (Phú Yên). Và TS Vũ đã coi đó là một văn hóa khảo cổ thuộc sơ kỳ thời đại kim khí có niên đại 3.500 - 3.000 năm cách ngày nay, cả nơi cư trú và mộ táng, quy mô từng di chỉ rộng hàng ngàn mét vuông, độ dày tầng văn hóa khoảng 0,5 - 1m, chưa đầy vỏ nhuyễn thể và xương cá (cả nước mặn - nước lợ - nước ngọt) cùng nhiều loại đồ đá - đồng - gốm. TS Vũ coi văn hóa Xóm Cồn là một trong những cội nguồn của Văn hóa Sa Huỳnh - sơ kỳ Chăm Pa, nhịp nối giữa lưu vực Đồng Nai và Nam Trung bộ. Không chỉ thế, bằng chứng cứ vật thể đầy sức thuyết phục, TS Vũ còn chứng minh được sự giao lưu văn hóa từ hàng mấy ngàn năm nay giữa vùng Hòn Tre - Bích Đầm - Cam Ranh của Khánh Hòa với nhiều đảo ở ngoài khơi Thái Bình Dương, Đài Loan, ngược lên tới Ryukyu (trung tâm là Okinawa).
Giở sách địa lý cổ Việt Nam, như Đại Nam nhất thống chí, các tác giả nói Phú Yên - Khánh Hòa là đất Việt Thường, sau bị Chiêm Thành chiếm cứ tức là đất Bà Đài, Đà Lãng… hay Khánh Hòa xưa là đất "Nhật Nam khiếu ngoại" (ngoài cõi Nhật Nam).
Điều đó chỉ đúng một nửa.
Ngoài cõi quân Nhật Nam thời Hán là đúng rồi vì Nhật Nam thuộc châu Giao Chỉ - Giao Châu chỉ đến Tượng Lâm là cực Nam tức là vùng Quảng Nam ngày nay.
Nhưng đấy không phải là xứ sở Việt thường thị. Người Kinh/Việt đến định cư ở Khánh Hòa là phải sau thế kỷ XV.
Cuối thế kỷ trước, các học giả Pháp đã phát hiện ở làng Võ Cạnh (nay thuộc xã Vĩnh Trung, TP. Nha Trang) - một tấm bia bằng đá granit có khắc chữ Phạn (sanscrit), nay được bảo quản ở Viện Bảo tàng lịch sử Việt Nam tại Hà Nội. Bia Võ Cạnh có niên đại khoảng cuối thế kỷ II sau Công nguyên, cho biết về một triều vua cổ mà người sáng lập có tên hiệu là Sri Mara. Có học giả cho là một tiểu vương quốc Chăm cổ, cũng có học giả cho là một tiểu vương quốc thuộc Phù Nam cổ.
Khánh Hòa cũng như các tỉnh Nam Trung bộ khác có nhiều tộc người: Đa tộc đa dạng văn hóa là một nét bản sắc của Việt Nam. Ở Khánh Hòa, xứ sở trầm hương, có thể quy các tộc người vào 2 ngữ hệ chủ yếu: Mã Lai - Đa đảo hay Nam đảo gốc Biển và Nam Á gốc Đồi Núi.
Phù Nam hay Chăm Pa chỉ là tên gọi hai đa phức thể gồm nhiều tiểu quốc.
Bia ký cổ chữ Phạn, chữ Chăm và huyền tích dân gian cho ta biết Phan Rang hay Panduranga (âm Hán - Việt phiên là Bôn Đà Lãng) là xứ sở của thị tộc Cau, vốn là một tiểu quốc (cho đến đời Đường, theo Đường thứ VIII - X), còn Nha Trang - Khánh Hòa là tiểu vương quốc Mẫu hệ Kauthara với huyền thoại nổi tiếng Nàng Trầm Hương trên núi Thiên An nay và hệ Tháp Bà thế kỷ XI - XIII gần cầu Bóng Nha Trang. Bà, theo phiên âm và phiên dịch một từ Chăm cổ sang Hán Việt tức Thiên Y-A-Na thật ra là Yangsripo Negara.
Tôi đã đi điền dã từ Quảng Bình, Quảng Trị đến Nha Trang - Khánh Hòa, ở các cảng thị miền Trung đều có đền tháp thờ `Bà mẹ xứ sở này, nói tắt là Đền bà "Yàng" (Giàng). Đây là một nét bản sắc của Khánh Hòa - miền Trung sâu gốc bền rễ trước sự xâm nhập của ít nhất 3 ảnh hưởng phụ hệ Trung Hoa, Ấn Độ, Pháp.
Ở miền Bắc, tôi chỉ biết thành ngữ vô thể Giàu con út, khó con út. Đi điền dã miền Trung bao gồm Khánh Hòa, tôi thực sự xúc cảm trước việc phát hiện ra vai trò người con gái út ở ngay tộc Kinh - Việt miền Trung có vẻ ngoài phụ hệ: Phần lớn gia sản bố mẹ để lại là thuộc về người con gái út! Cho đến rất gần đây!
Phát hiện này có ảnh hưởng dội ngược lại khiến tôi tạm hiểu được ý nghĩa câu thành ngữ miền Bắc đã dẫn trên.
Sẽ cũng là thiếu sót nếu kết thúc (bài này) mà tôi không nói đến các lễ hội Hát bả trạo, cầu ngư, đua thuyền, lễ Vía Bà (Nữ thần Biển, Bà mẹ xứ sở, Nữ thần Mặt trời mà có nơi gọi là Thái Dương phu nhân hay viết là Thai Dương phu nhân) mà tôi đích thân được tham dự ở Khánh Hòa, ở ngoài đảo Yến và ở nhiều cảng thị miền Trung khác.
Những điều đó nói lên cái nhìn hướng Biển và sắc thái tâm lý gắn với Biển, tương tự tư duy sông nước song rất khác tâm lý tiểu nông gắn với Đất của người Việt châu thổ Bắc bộ.
Sung sướng thay khi được sống ở Khánh Hòa, ở một Việt Nam nhỏ bé thôi, song rất đa dạng về các hệ sinh thái (Các nhà Đông Nam Á học bảo Việt Nam như một Đông Nam Á thu nhỏ!), về ngữ hệ - tộc người và về văn hóa, theo nghĩa rộng rãi nhất của khái niệm này là lối sống và lề lối ứng xử với các quan hệ con người - tự nhiên - xã hội và… lịch sử!


                                                                                                           TRẦN QUỐC VƯỢNG