10:04, 01/04/2003

Căn cứ Cách mạng Đá Bàn

Đá Bàn là một vùng rừng núi nằm ở phía Tây Bắc huyện Ninh Hòa, trải dài trên phạm vi hàng chục km2 với những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn. Được những dãy núi cao bao bọc, phía Tây là dãy núi Hòn Gục liền với núi Mẹ Bồng con; phía Bắc giáp với vùng Mỹ Đồng, Xuân Sơn huyện Vạn Ninh; phía Nam có Dốc Dài kéo xuống vùng Tân Lâm, Tân Cứ qua đường 21 vào phía Nam; phía Đông nối liền với Bến Ghe, Sở Lô đi ra các thôn Ngọc Sơn, Lạc Ninh......

                                                               

Đá Bàn là một vùng rừng núi nằm ở phía Tây Bắc huyện Ninh Hòa, trải dài trên phạm vi hàng chục km2 với những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn. Được những dãy núi cao bao bọc, phía Tây là dãy núi Hòn Gục liền với núi Mẹ Bồng con; phía Bắc giáp với vùng Mỹ Đồng, Xuân Sơn huyện Vạn Ninh; phía Nam có Dốc Dài kéo xuống vùng Tân Lâm, Tân Cứ qua đường 21 vào phía Nam; phía Đông nối liền với Bến Ghe, Sở Lô đi ra các thôn Ngọc Sơn, Lạc Ninh giáp với Quốc lộ 1. Hệ thống núi cao cùng với sông Đá Bàn tạo cho thung lũng nơi đây rất màu mỡ, thuận tiện cho việc trồng các loại cây công nghiệp. Chính vì vậy, trước năm 1945 một số tư bản người Pháp ở Khánh Hòa đã chiếm đoạt hàng ngàn hecta và lập ra những đồn điền trồng thuốc lá, bông…

Trước năm 1950, các cơ quan chỉ đạo kháng chiến của tỉnh Khánh Hòa đóng ở căn cứ Hòn Hèo, phía Đông huyện Ninh Hòa. Từ năm 1950 trở đi, địch tăng cường đánh phá và cắt đứt đường giao thông tiếp tế, khiến cho các con đường từ Hòn Hèo đi hoặc từ nơi khác về Hòn Hèo trở nên không an toàn. Trước tình hình đó, việc chuyển cơ quan chỉ đạo của tỉnh đến nơi có điều kiện xây dựng chỗ đứng chân mới thuận lợi hơn là việc làm cấp thiết. Từ đầu năm 1951, sau khi thăm dò, khảo sát, đến tháng 3-1951 Tỉnh ủy đã ra quyết định chuyển tất cả các cơ quan Tỉnh ủy, Ủy ban Kháng chiến hành chính, Tỉnh đội đến địa điểm mới. Khi mới đến đây, để liên lạc với Liên khu V và các tỉnh vùng tự do Khu V, ta chỉ có đường giao thông qua Dốc Mõ sang Phú Yên. Tuy nhiên, con đường này thường xuyên bị địch phục kích, giết hại nhiều cán bộ, chiến sĩ, do đó ta đã mở thêm đường Dốc Nón, rồi Dốc Chanh và từ đó việc giao thông liên lạc với vùng tự do đã căn bản được giải quyết.

Để giải quyết một phần khó khăn về lương thực, ta đã chủ động rút gọn về tổ chức của các ban, ngành và có kế hoạch tăng gia sản xuất trồng các loại cây lương thực. Qua năm 1952, ta đã căn bản giải quyết được nạn đói cho cán bộ và nhân dân trong căn cứ và đây là một việc rất có ý nghĩa trong hoàn cảnh kháng chiến. Tháng 12-1951, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh tổ chức tại căn cứ Đá Bàn đã khẳng định sự đúng đắn và tác dụng to lớn của việc di chuyển đến căn cứ mới.

Lực lượng vũ trang ngày càng lớn mạnh, đủ sức chống trả những trận càn có quy mô lớn của địch. Ngày 18-3-1953, địch sử dụng 5.000 quân do tên thiếu tướng Le Blance trực tiếp chỉ huy, có pháo binh và máy bay ném bom yểm trợ, chia làm nhiều cánh quân tiến lên căn cứ Đá Bàn. Bên trong căn cứ, tại những nơi trọng điểm ta tổ chức bố phòng bằng các hầm chông, mìn, bẫy… kết hợp với du kích bắn tỉa làm tiêu hao quân địch, bên ngoài tổ chức phục kích và ngày 20-4 tại địa điểm Bến Ghe, ta đã tiêu diệt 1 đại đội Tây trắng, thu nhiều vũ khí. Sau trận này địch phải rút quân về, kể cả 4 đại đội mới được tăng cường.

Ngày 16-6-1953, tại căn cứ Đá Bàn đã khai mạc Đại hội mừng công, bầu chiến sĩ thi đua cấp huyện, tỉnh. Đại hội đã bầu 26 chiến sĩ thi đua, 6 người được cử đi dự Đại hội chiến sĩ thi đua liên khu, trong đó có 1 đồng chí người dân tộc Raglai.

Ngày 20-7-1954, Hiệp định Giơnevơ được ký kết, quân ta chuẩn bị tập kết chuyển quân theo quy định. Chỉ trong 2 ngày, nhân dân xã Ninh Phước đã chuyển toàn bộ vũ khí, quân dụng từ Đáù Bàn về Bến Quế (Lạc Ninh) để chuyển đi nơi khác. Từ 18 đến 4-8, nhân dân các nơi tấp nập đổ về căn cứ Đá Bàn để thăm hỏi bộ đội, thăm căn cứ với tinh thần rất phấn khởi, hẹn hai năm sẽ gặp lại sau ngày Tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Trước khi tập kết ra Bắc, Tỉnh ủy và Tỉnh đội đã vun đắp và làm lại mộ cho các liệt sĩ và đồng bào đã hy sinh.

Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, Đá Bàn trở thành căn cứ cách mạng, nơi đứng chân của Tỉnh ủy Khánh Hòa những ngày đầu. Tiếp đến, Huyện ủy Ninh Hòa đã về đây để trực tiếp chỉ đạo phong trào đấu tranh của quân và dân trong tỉnh và ở địa phương, tiếp tục viết nên những trang sử hào hùng của Đảng bộ và nhân dân Khánh Hòa trong sự nghiệp giải phóng dân tộc cho đến ngày quê hương hoàn toàn giải phóng - 1975.

Tiến sĩ NGUYỄN CÔNG BẰNG