10:07, 20/07/2015

Hoạt động du lịch gặp khó

Ngày 20-7, ông Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh Khánh Hòa chủ trì cuộc họp đánh giá hoạt động du lịch 6 tháng đầu năm. Thực tế cho thấy, hoạt động du lịch đang gặp nhiều khó khăn.

Ngày 20-7, ông Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phát triển du lịch (DL) tỉnh Khánh Hòa chủ trì cuộc họp đánh giá hoạt động DL 6 tháng đầu năm. Thực tế cho thấy, hoạt động DL đang gặp nhiều khó khăn. 
 
Nhiều chỉ tiêu không đạt kế hoạch
 

Theo Chương trình hành động ngành DL Khánh Hòa 2015 đã được UBND tỉnh phê duyệt, trong năm 2015, lĩnh vực DL của tỉnh phấn đấu đạt tổng doanh thu 7.200 tỷ đồng; tổng lượt khách lưu trú đạt 4 triệu lượt, trong đó khách quốc tế đạt 950.000 lượt. Tuy nhiên, qua 6 tháng thực hiện, doanh thu DL chỉ đạt 2.933 tỷ đồng, bằng 40,74% kế hoạch; tổng lượt khách lưu trú đạt 1,81 triệu lượt, bằng 45,2% kế hoạch, trong đó lượt khách quốc tế đạt 410.448 lượt (bằng 41,04% kế hoạch), lượng khách nội địa đạt 1,39 triệu lượt (bằng 46,59% kế hoạch). Nhìn chung, các chỉ tiêu DL 6 tháng đầu năm đều có mức tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2014, nhưng so với kế hoạch năm đều không đạt.

 

Du khách đến Công viên Du lịch Yang Bay
Du khách đến Công viên Du lịch Yang Bay
 
Ông Lâm Duy Anh Cường - Chủ tịch Hiệp hội DL Nha Trang - Khánh Hòa cho biết: “DL tỉnh nhà đã duy trì được sự phát triển nhưng không đáng bao nhiêu so với kế hoạch. Thông tin từ các doanh nghiệp DL lớn cho thấy, sự suy giảm còn lớn hơn so với báo cáo. Ví dụ, ở các khách sạn từ 3 đến 5 sao, khách của thị trường châu Âu lưu trú giảm từ 15 đến 20% so với cùng kỳ”. Cũng theo ông Cường, sở dĩ có sự sụt giảm trên là do DL Khánh Hòa chưa có những sản phẩm đủ sức hấp dẫn, có thể cạnh tranh với các địa phương khác cũng như với các nước Đông Nam Á. Còn ông Cao Đình Phần - Phó Giám đốc Sở Công Thương băn khoăn: “Kết quả hoạt động DL 6 tháng đầu năm rất đáng lo ngại cho việc hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm. Giải pháp cần làm bây giờ là tập trung xúc tiến DL và giảm giá tour bằng cách giảm giá các yếu tố cấu thành giá tour như: vận chuyển, ăn uống, lưu trú...”. 
 
Những hạn chế cần khắc phục
 

Thời gian qua, vẫn còn xảy ra những vụ việc làm ảnh hưởng đến môi trường DL của địa phương. Nguyên nhân chính là do sự phối hợp giữa các bên chưa chặt chẽ. “DL là ngành kinh tế tổng hợp. Vì vậy, quản lý hoạt động DL là quản lý về giá, an ninh trật tự, môi trường, quản lý lao động nước ngoài... Mỗi lĩnh vực như thế cần có một đơn vị chủ trì, đơn vị đó cần phải chủ động phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL). Ngược lại, Sở VH-TT-DL cũng cần phải phối hợp, hỗ trợ các ngành khi có vụ việc xảy ra đối với khách”, đồng chí Trần Sơn Hải yêu cầu. 

Bên cạnh đó, việc quản lý hoạt động DL vẫn chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành với địa phương; đến nay, vẫn chưa đưa ra được quy chế phối hợp cụ thể. Trong vấn đề phối hợp đó, chuyện hoạt động của đường dây nóng hỗ trợ du khách cũng cần phải thay đổi. Đồng chí Trần Sơn Hải nói: “Đường dây nóng phải hỗ trợ cho cả khách nước ngoài chứ không riêng gì khách nội địa; cần phải làm thế nào để có thể phục vụ, hỗ trợ đúng, kịp thời cho du khách”.
 
Đối với vấn đề xúc tiến quảng bá DL, tỉnh đã có nhiều động thái để thực hiện, mà cụ thể là việc tổ chức Festival Biển 2 năm/lần. Các doanh nghiệp DL đều được hưởng lợi ít nhiều từ sự kiện đó. Nhưng thực tế, kỳ Festival Biển vừa qua, danh sách các nhà tài trợ chính lại hoàn toàn là doanh nghiệp ngoài lĩnh vực DL. Đồng chí Trần Sơn Hải cho rằng, Sở VH-TT-DL, Hiệp hội DL, các doanh nghiệp DL cần phải thay đổi tư duy xúc tiến quảng bá DL. Vai trò của Hiệp hội DL trong vấn đề này rất quan trọng. Hiệp hội cần phải chủ động, không nên trông chờ, ỷ lại. 
 
Một vấn đề cũng được các đại biểu dự họp quan tâm là thông tin về hiện tượng làm giả các sản phẩm bùn khoáng. Theo lãnh đạo Sở VH-TT-DL, hiện nay, trên thị trường đã xuất hiện nhiều sản phẩm bùn khoáng khô kém chất lượng, bùn giả có hại cho sức khỏe. Điều này đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ tắm bùn khoáng, trong khi đây là sản phẩm DL đặc trưng của Khánh Hòa. Lãnh đạo Sở Y tế cho biết, đã tiếp nhận hồ sơ của 6 doanh nghiệp công bố đối với 13 sản phẩm bùn khoáng trên địa bàn tỉnh. Thời gian tới, Sở Y tế sẽ phối hợp với Sở Công Thương kiểm tra cụ thể tình hình sản xuất, kinh doanh bùn khoáng trong toàn tỉnh. 
 
Nhân Tâm