09:08, 12/08/2013

Hàng Việt ngày càng được người dân tin dùng

Đây là kết quả đáng ghi nhận sau gần 4 năm triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại Khánh Hòa.

Đây là kết quả đáng ghi nhận sau gần 4 năm triển khai cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại Khánh Hòa.  


Chuyển biến trong thị hiếu tiêu dùng

Ý thức được ý nghĩa của CVĐ là cơ hội vàng để nâng cao uy tín thương hiệu với người tiêu dùng, đem lại cơ hội sản xuất kinh doanh tại thị trường nội địa, thời gian qua, các doanh nghiệp (DN) trong tỉnh đã chú trọng đổi mới trang thiết bị, điều chỉnh lại sản xuất, cho ra đời nhiều sản phẩm chất lượng, giá cả phù hợp. Nhiều DN như: Tổng Công ty Khánh Việt, Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên Yến sào Khánh Hòa, Công ty Cổ phần Nước khoáng Khánh Hòa, Công ty Cổ phần Thủy sản 584 Nha Trang, Công ty Cổ phần Cà phê Mê Trang… đã tích cực nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia các hội chợ triển lãm, phiên chợ hàng Việt về nông thôn. Ông Đỗ Hữu Việt - Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản 584 Nha Trang chia sẻ: “Đưa hàng Việt về nông thôn tuy khá tốn kém về chi phí chuyên chở, nhân sự…, nhưng kết quả mà DN đạt được là quảng bá thương hiệu, nắm bắt xu hướng, nhu cầu tiêu dùng ở một khu vực còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác hết. Từ đó, DN có sự điều chỉnh về chất lượng, giá cả sản phẩm, các kênh phân phối. Nhờ tham gia các phiên chợ hàng Việt về nông thôn, đến nay, Công ty chúng tôi đã tìm được nhiều nhà phân phối, đại lý ở tất cả địa phương trong tỉnh. Một số nơi như: Diên Khánh, Ninh Hòa có tới 10 nhà phân phối, đại lý của Công ty”.

 

 Khách hàng mua sắm tại siêu thị.
Khách hàng mua sắm tại siêu thị.


Thời gian qua, các chương trình đưa hàng trực tiếp tới tay người tiêu dùng của DN đã được sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước thông qua các phiên chợ hàng Việt về nông thôn. 6 tháng đầu năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công Thương và các đơn vị liên quan tổ chức 7 hội chợ, triển lãm thương mại, 2 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn; thu hút 885 lượt DN tham gia với hơn 570.000 lượt khách đến tham quan, mua sắm; giúp người tiêu dùng tiếp cận trực tiếp với thương hiệu Việt. Đặc biệt, CVĐ đã tạo được những chuyển biến tích cực trong thị hiếu tiêu dùng của người dân. Chị Trần Thị Thanh Loan, (phường Phước Long, TP. Nha Trang) cho biết: “Trước đây tôi vẫn nghĩ muốn có hàng tốt thì phải mua hàng ngoại nhập. Khi Nhà nước có chủ trương ủng hộ hàng Việt, tôi bắt đầu chú ý đến hàng trong nước nhiều hơn. Qua một số kỳ Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức tại Nha Trang, tôi nhận thấy hàng Việt rất đa dạng, nhiều sản phẩm có chất lượng không thua kém hàng ngoại nhập, giá cả lại phải chăng. Giờ đây, gia đình tôi không chỉ tin dùng mà còn giới thiệu cho nhiều người lựa chọn hàng Việt”.


Theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, sau gần 4 năm thực hiện, CVĐ đã được triển khai dưới nhiều hình thức phong phú, nhận được sự hưởng ứng sâu rộng của các tầng lớp xã hội. Các đoàn thể chính trị - xã hội đã tổ chức nhiều chương trình tuyên truyền, quảng bá hàng Việt như: Vận động nhân dân ưu tiên mua sắm hàng hóa sản xuất trong nước, treo băng rôn tuyên truyền vào các dịp lễ, Tết ở các cửa hàng, gian hàng, chương trình hội chợ, hàng Việt về nông thôn… Nhiều hoạt động hội thảo, tọa đàm về hàng Việt được tổ chức như: Hội thảo chuyên đề “Năm ngộ nhận về thương hiệu”, “Hiểu - Tin hàng Việt”, “Đưa nông sản vào siêu thị”, “Kết nối tiểu thương chợ truyền thống với các nhà sản xuất hàng Việt Nam”…


Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền


Bên cạnh những kết quả đạt được, việc tổ chức thực hiện CVĐ vẫn còn một số hạn chế: Công tác tuyên truyền vận động nhân dân nâng cao ý thức mua sắm hàng Việt chưa cao; việc kiểm tra, đôn đốc thực hiện CVĐ ở một số địa phương, đơn vị còn lúng túng. Các cơ chế, chính sách, giải pháp trong quản lý nhà nước để thúc đẩy sản xuất, phân phối lưu thông, tạo điều kiện cạnh tranh cho hàng hóa thương hiệu Việt chưa thực hiện tốt. Bên cạnh đó, do tình hình kinh tế khó khăn nên nhiều DN chưa mạnh dạn đầu tư nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm để khai thác thị trường nội địa. Ngoài một số DN có mạng lưới phân phối đến tận cơ sở, hầu hết mạng lưới của DN còn mỏng.


Ông Đỗ Hữu Việt cho rằng: “DN không thể đơn thương độc mã cạnh tranh với hàng ngoại nhập. Để mở rộng hệ thống phân phối cần có chi phí lớn, trong khi tiềm lực của DN vừa và nhỏ còn yếu. DN mong muốn UBND tỉnh tiếp tục hỗ trợ tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại nội địa, giúp DN tiếp cận với người tiêu dùng ở nông thôn, mở rộng mạng lưới phân phối; tạo điều kiện cho DN đưa hàng về nông thôn; giúp DN tiếp cận nguồn vốn để phát triển sản xuất”.


Để CVĐ đạt hiệu quả hơn, theo ông Lê Bá Trình - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam: Thời gian tới, Khánh Hòa cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền; có cơ chế, chính sách giúp DN quảng bá thương hiệu, bảo vệ, phát triển các loại hàng hóa, sản phẩm đặc trưng của địa phương. Các DN cần chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, tiết kiệm chi phí sản xuất để giảm giá thành sản phẩm, tổ chức tốt hệ thống phân phối hàng hóa. Bên cạnh đó, các hiệp hội DN cần kết nối DN để mở rộng chuỗi sản phẩm; cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát thị trường, chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; người tiêu dùng nên thay đổi tâm lý sính ngoại và dành sự quan tâm nhiều hơn cho hàng Việt.  


NGUYỄN KIM