21:45, 21/12/2023

Khởi nghiệp trên vùng đất quê hương

THÁI THỊNH

Những năm qua, được sự hỗ trợ từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của Trung ương và tỉnh, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) ở 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh đã thay đổi cách nghĩ, cách làm, khởi nghiệp thành công trên vùng đất quê hương mình.

Nỗ lực vươn lên 

Bố mẹ mất sớm, chị Bo Bo Thị Loan (sinh năm 1993, người Raglai) lấy chồng, sinh 3 đứa con sống trên mảnh đất bố mẹ để lại tại thôn Xóm Cỏ (xã Sơn Bình, huyện Khánh Sơn). Trên mảnh đất 3.000m2 ấy, vợ chồng chị trồng chuối, cà phê, bưởi. Tuy nhiên, do không biết cách chăm sóc nên không đạt hiệu quả, cái nghèo cứ mãi đeo đẳng. Năm 2014, được vay 15 triệu đồng từ nguồn vốn vay tín chấp dành cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chị chuyển đổi từ cà phê sang trồng sầu riêng, mía tím. Xã cũng đã mở lớp hướng dẫn miễn phí cho người dân cách sản xuất nông nghiệp, trong đó có gia đình chị Loan. Năm 2018, gia đình chị Loan thuộc diện hộ nghèo nên được UBMTTQ Việt Nam tỉnh hỗ trợ xây tặng nhà ở. Chị Loan chia sẻ: “Với sự hỗ trợ của Nhà nước về nhà ở, vốn, kỹ thuật, gia đình tôi đã biết cách sản xuất. Từ 20 cây sầu riêng ban đầu, đến nay, vườn của tôi đã có 200 cây sầu riêng và nhiều cây bưởi da xanh, mía tím. Tôi còn nuôi gà, heo, bò để tăng thêm thu nhập. Đến nay, đã có 20 cây sầu riêng cho thu hoạch". Thu nhập khá từ cây sầu riêng cùng tiền bán gà, heo và các nguồn thu nhập khác, gia đình chị Loan đã vươn lên thoát nghèo, cuộc sống đủ đầy để chăm lo cho các con ăn học.

 
Mô hình vườn cây kết hợp chăn nuôi của vợ chồng chị Bo Bo Thị Loan tại (xã Sơn Bình, huyện Khánh Sơn) mang lại hiệu quả cao.
Mô hình vườn cây kết hợp chăn nuôi của vợ chồng chị Bo Bo Thị Loan mang lại hiệu quả cao.

Cũng nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, 120 cây sầu riêng của gia đình anh Bo Bo Niến (thôn Tha Mang, xã Ba Cụm Bắc, Khánh Sơn) cho thu hoạch mỗi năm từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng. Anh Niến cho biết, được sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông xã, huyện, gia đình anh chuyển đổi hơn 1ha rẫy chuối sang trồng 200 cây sầu riêng từ năm 2010 đến nay. Gia đình anh còn trồng 2ha keo lai; mở cửa hàng tạp hóa buôn bán. Nhờ có nguồn thu nhập ổn định, gia đình anh Niến vừa mua ô tô để nhận chuyên chở người dân ở huyện đi các địa phương trong tỉnh. 

Anh Bo Bo Niến (thôn Tha Mang, xã Ba Cụm Bắc, huyện Khánh Sơn) vươn lên thoát nghèo từ cây sầu riêng.
Anh Bo Bo Niến vươn lên thoát nghèo từ cây sầu riêng.

Tại huyện Khánh Vĩnh, câu chuyện anh Cao Nhâm vươn lên thoát nghèo và trở thành nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu giai đoạn 2017 - 2022 cấp Trung ương khiến nhiều người nể phục. Anh Nhâm cho biết, trước năm 2017, gia đình anh thuộc diện hộ nghèo. Từ khi tham gia Hội Nông dân, anh được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay 20 triệu đồng. Ngoài ra, anh được dạy nghề, tập huấn kỹ thuật trồng trọt, vay tín chấp mua phân bón... để làm ăn. Từ nguồn vốn trên, ban đầu, gia đình anh trồng 3ha mì lấy củ, sau đó trồng thêm keo. Có nguồn thu nhập ổn định, anh mua thêm 6ha đất để trồng sầu riêng, bưởi da xanh, keo, nuôi thêm 20 con bò; mua máy cày đầu kéo chở keo thuê; mở tiệm tạp hóa. Nhờ chịu khó làm ăn, đến nay, mỗi năm, gia đình anh thu nhập khoảng 1,2 tỷ đồng, tạo việc làm cho 10 nhân công là ĐBDTTS ở địa phương...

Kết quả từ sự thay đổi cách nghĩ, cách làm

Ông Mấu Văn Phi - Bí thư Huyện ủy Khánh Vĩnh cho biết, sự đổi thay về cách nghĩ, cách làm của ĐBDTTS đã tạo ra những kết quả tích cực. Nhiều năm trước đây, người dân nghèo chỉ biết trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước. Tuy nhiên, khi Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của Trung ương và tỉnh được huyện triển khai rộng khắp trên địa bàn 14 xã, thị trấn, người dân đã ý thức tự vươn lên. Từ năm 2021 đến nay, huyện đã hỗ trợ nhà ở cho 582 hộ, hỗ trợ đất ở cho 155 hộ, hỗ trợ đất sản xuất cho 588 hộ, phê duyệt 2 danh mục định hướng hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, 33 mô hình phát triển sản xuất đa dạng sinh kế cộng đồng. Từ nguồn vốn của chương trình, địa phương đã đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng ĐBDTTS và miền núi trên địa bàn 14 xã, thị trấn, tạo nền tảng cho người dân thay đổi cách nghĩ, cách làm và hăng say lao động sản xuất.

Một góc huyện Khánh Sơn từ trên cao.
Một góc huyện Khánh Sơn nhìn từ trên cao.

Tại Khánh Sơn, đầu năm 2023, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo xây dựng Đề án chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong năm, huyện đã triển khai một số mô hình như: Trồng xen cây trà hoa vàng, cây ba kích tím dưới tán cây ăn quả; trồng cây dứa mật, ổi trân châu Đài Loan xen cây ăn quả; thâm canh cây sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP; trồng nấm bào ngư; trồng rau rừng bản địa phục vụ người dân và khách du lịch; vỗ béo bò thịt; sử dụng ròng rọc vận chuyển chuối và nông sản... Đến nay, một số mô hình bước đầu có hiệu quả. Qua 2 năm rưỡi thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Khánh Sơn lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, địa phương đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, trong đó đặc biệt là chủ trương chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế cao, người dân địa phương đã có những chuyển biến tích cực về kinh tế. Với hơn 264,5ha đất được chuyển đổi sang trồng cây sầu riêng, nhiều hộ ĐBDTTS nghèo, cận nghèo đã khởi nghiệp thành công trên chính vùng đất quê hương mình, vươn lên thoát nghèo.

Theo ông Võ Nam Thắng - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, tổng vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi năm 2023 hơn 250,4 tỷ đồng. Trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh luôn được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố. Nhờ đó, chính sách dân tộc được đảm bảo, phát huy hiệu quả nguồn vốn, đạt được những mục tiêu của chương trình. 

THÁI THỊNH