11:05, 14/05/2015

Chuyển cây gì?

Theo kế hoạch, vụ hè thu 2015, toàn tỉnh đưa vào sản xuất khoảng 18.400ha lúa nước. Tuy nhiên, trước tình hình hạn hán diễn ra gay gắt, phức tạp, dự kiến sẽ có khoảng 13.650ha lúa nước không sản xuất được do không có nước tưới; và khoảng 1.400ha phải chuyển đổi sang các loại cây trồng khác.

Theo kế hoạch, vụ hè thu 2015, toàn tỉnh đưa vào sản xuất khoảng 18.400ha lúa nước. Tuy nhiên, trước tình hình hạn hán diễn ra gay gắt, phức tạp, dự kiến sẽ có khoảng 13.650ha lúa nước không sản xuất được do không có nước tưới; và khoảng 1.400ha phải chuyển đổi sang các loại cây trồng khác.


Xét về quy mô sản xuất, sản lượng lúa nước của Khánh Hòa so với cả nước là rất nhỏ bé, hầu như không đáng kể. Chính vì vậy, mới đây, làm việc với tỉnh Khánh Hòa, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, việc Khánh Hòa không trồng lúa nước mà chuyển sang trồng các loại cây khác không hề ảnh hưởng tới an ninh lương thực quốc gia. Do đó, Khánh Hòa cần có phương án sớm chuyển đổi hơn 18.000ha trồng lúa nước hiện có sang trồng các loại cây tốn ít nước hơn.


Tình hình nắng hạn ngày càng gay gắt, diễn biến khó lường; và, dự báo sẽ ngày càng khắc nghiệt. Với điều kiện thủy lợi còn nhiều hạn chế như hiện nay, việc cấp đủ nước cho số diện tích nói trên là vô cùng khó khăn. Vì vậy, Khánh Hòa cần sớm có quy hoạch, chuyển đổi cơ cấu cây trồng một cách hợp lý, vừa phù hợp với điều kiện khí hậu vừa đảm bảo nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp; không nhất thiết phải giữ một diện tích lúa nước cần phải có như trước nay.


Trên thực tế, ở nhiều địa phương trong tỉnh, nông dân chúng ta đã chủ động chuyển một số diện tích lúa nước sang một số loại cây trồng khác như rau màu, đậu, dưa hấu… Hiệu quả kinh tế mang lại từ cây trồng mới cao hơn nhiều lần so với trồng lúa nước. Nhiều hộ nông dân trồng cỏ nuôi bò đạt năng suất cao, đem lại doanh thu tới 80 triệu đồng/ha/năm.


Cũng tại buổi làm việc trên, Thủ tướng gợi ý việc trồng cỏ gắn với việc chăn nuôi bò, cừu trên quy mô lớn, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn vừa góp phần giảm nhập khẩu cỏ, thịt bò và thịt cừu cho thị trường trong nước. Tất nhiên, đây chỉ là gợi ý chung. Từng địa phương, từng huyện, từng xã phải có định hướng của riêng mình.


Trước mắt ngành chức năng, các địa phương cần có kế hoạch rà soát, nắm thật chắc diện tích, đặc điểm cụ thể diện tích chuyển đổi để xác định chuyển sang trồng cây gì; đầu tư ra sao; phương án thu hoạch, tiêu thụ như thế nào… để tránh rơi vào bị động. Cạnh đó, để tạo điều kiện cho nông dân chuyển đổi thuận lợi, ngành nông nghiệp cần tăng cường công tác tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, cung cấp giống…; vận dụng tốt các chính sách của Chính phủ về hỗ trợ chuyển đổi từ lúa sang cây trồng khác; xây dựng chính sách hỗ trợ phù hợp với địa phương…


Chuyển đổi từ lúa nước sang các loại cây trồng khác là vấn đề lớn. Bởi diện tích, giá trị sản xuất lúa nước không lớn nhưng nó có tác động to lớn đến đời sống nhiều mặt của một bộ phận không nhỏ cư dân vùng nông thôn. Vì vậy, cần phải có định hướng, lộ trình thật cụ thể, thật chu đáo.


Nên chăng, tại đại hội đảng các huyện thị, thành phố sắp tới, nội dung này được đưa ra bàn bạc, thảo luận để xác định một định hướng thật sự phù hợp với địa phương?


PHONG NGUYÊN