23:12, 11/09/2023

Phát huy sức mạnh "tai mắt" của dân
Kỳ 1: Những giám sát viên “chân đất”

 THẢO LY - CẨM VÂN

Giám sát đầu tư cộng đồng là hình thức tổ chức giám sát tự nguyện của nhân dân nhằm theo dõi, đánh giá việc chấp hành các quy định về quản lý đầu tư, góp phần nâng cao chất lượng các công trình xây dựng tại địa phương. Qua đó, các Ban Giám sát đầu tư cộng đồng (gọi tắt là Ban Giám sát) trên địa bàn tỉnh đã phát huy được vai trò của mình, mang lại hiệu quả thiết thực.

 Kỳ 1: Những giám sát viên “chân đất”

Không ngại khó, ngại khổ, những giám sát viên "chân đất" luôn có mặt trên những công trình xây dựng của địa phương để giám sát các đơn vị thi công, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa những sai sót, bất cập trong quá trình thi công, đáp ứng yêu cầu mà chủ đầu tư đề ra và hợp lòng dân. Dù chưa trải qua trường lớp nào về kỹ thuật, xây dựng song khi được giao nhiệm vụ, họ đã không ngần ngại dấn thân.

Ông Lúc và ông Diễn trao đổi về việc vệ sinh tuyến kênh mương nội đồng.

Vì chất lượng công trình

Chúng tôi có mặt tại xã Vĩnh Lương (TP. Nha Trang) khi năm học mới bắt đầu. Trên con đường Lỗ Lươn - chạy qua một số thôn của xã và vào khu sản xuất của người dân, chúng tôi bắt gặp những học sinh đang tung tăng đạp xe đến trường trên con đường mới thảm bê tông. Hình ảnh nước ngập thường xuyên ngay đầu con đường hướng Quốc lộ 1 đi vào đã không còn, thay vào đó là con đường khô ráo; hai bên đường, cách vài mét lại có cống thoát nước. Theo những người dân nơi đây, nhờ có sự giám sát gắt gao của Ban Giám sát nên khi sửa chữa, cải tạo con đường Lỗ Lươn đã khắc phục được những bất cập của con đường cũ. Ông Cao Thanh Duy - Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Vĩnh Lương, Trưởng Ban Giám sát công trình kể: “Trước kia, khu vực này (đoạn số 1) là vùng trũng, mỗi khi mưa xuống hoặc người dân vô ý thức đổ nước ra đường thì đường bị đọng nước rất bẩn. Trong bản thiết kế sửa chữa, cải tạo đường, khu vực này không có hệ thống cống thoát nước. Sau khi giám sát, phát hiện ra tình trạng này, chúng tôi đã báo cáo cho lãnh đạo xã để kiến nghị đơn vị thi công thực hiện lại. Lúc đầu, đơn vị thi công không đồng ý làm lại vì họ phải tốn kém thêm kinh phí. Tuy nhiên, sau nhiều lần trao đổi, đơn vị thi công đã nghiêm túc làm lại, đặt thêm hệ thống cống thoát nước theo yêu cầu của Ban giám sát”.

Ông Nguyễn Thanh Hải - Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam phường Cam Nghĩa giám sát sửa chữa đường vào nhà sinh hoạt cộng đồng Tổ dân phố Nghĩa Bình.

Về nhà hay lên rẫy đều đi qua đường Lỗ Lươn, bà Nguyễn Hồng Nhung (thôn Văn Đăng 2) hào hứng dẫn chúng tôi đến đoạn sửa chữa số 4, khu vực trũng nhất của con đường dẫn vào khu vực sản xuất. Chỉ đoạn đường được nâng cao vừa mới nghiệm thu, bà Nhung kể: “Trước đây, mỗi khi trời mưa, nước suối đổ về khiến đoạn đường này bị ngập sâu, đi lại rất khó khăn. Vì vậy, chúng tôi phải chở đất đổ lên để nâng cao đường. Thế nhưng, khi làm đường, đơn vị thi công lại cào lớp đất đó đi khiến mưa xuống lại ngập. Khi nghe dân phản ánh, Ban Giám sát đã cử người đi thực tế nắm tình hình. Sau đó, chúng tôi thấy đơn vị thi công đã nâng cao nền thêm 40cm so với trước”.

 Ông Nguyễn Hữu Nhân - Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Diên Thọ trao đổi với phóng viên về quá trình giám sát thi công tuyến đường vào khu sản xuất
Ông Nguyễn Hữu Nhân - Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Diên Thọ trao đổi với phóng viên về quá trình giám sát thi công tuyến đường vào khu sản xuất

Không chỉ có 2 đoạn nói trên, riêng công trình sửa chữa, cải tạo đường Lỗ Lươn, Ban Giám sát còn yêu cầu đơn vị thi công phải điều chỉnh một số phần ta luy bị lòi sắt ra bên ngoài, lu lèn cẩn thận để tăng độ chắc chắn cho công trình. Ngoài ra, ở một số công trình sửa chữa khác như: Kè suối lở thôn Lương Hòa; hệ thống thoát nước của thôn Văn Đăng 1 và 2, thôn Võ Tánh 2, Lương Sơn 2…, với sự giám sát chặt chẽ, Ban Giám sát đã yêu cầu đơn vị thi công điều chỉnh một số điểm cho phù hợp. Mặt khác, dưới sự giám sát của Ban Giám sát, một số hộ dân tự đấu nối hệ thống nước thải sinh hoạt trong nhà ra hệ thống thoát nước chung cũng đã được yêu cầu tháo gỡ.

Nhờ sự giám sát của các thành viên mà cuối đoạn kênh mương nội đồng xã Ninh vân được mở rộng
Nhờ sự giám sát của các thành viên mà cuối đoạn kênh mương nội đồng xã Ninh vân được mở rộng

Chúng tôi tìm đến Nhà sinh hoạt cộng đồng của Tổ dân phố Nghĩa Bình (phường Cam Nghĩa, TP. Cam Ranh). Căn nhà rộng hơn 300m2 được sơn vàng sáng rực như điểm nhấn trên con đường dẫn vào tổ dân phố. Xây dựng từ năm 2021, qua hơn 2,5 năm sử dụng, nhà sinh hoạt cộng đồng vẫn như mới. Ông Nguyễn Văn Chính - Tổ trưởng Tổ dân phố Nghĩa Bình cho biết, tổng kinh phí xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng là 1,1 tỷ đồng. Trong số thành viên của Ban Giám sát có người từng là nhà thầu xây dựng nên việc giám sát rất hiệu quả, từ cát, xi măng đến sơn sử dụng cho công trình đều được kiểm tra kỹ. Nhờ đó, sau thời gian đưa vào sử dụng, công trình không có hiện tượng bị xuống cấp. Từ khi được xây mới, căn nhà chắc chắn, khang trang và rộng rãi hơn nên người dân khi tới sinh hoạt rất phấn khởi. 

Phát huy vai trò của người dân

Vượt gần 70km, chúng tôi có mặt tại xã Ninh Vân (thị xã Ninh Hòa). Trong nắng sớm, ông Nguyễn Lúc (thôn Đông) dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng quanh thôn. Ấn tượng để lại trong chúng tôi chính là hầu hết các tuyến đường ngang, dọc của thôn đều được đổ bê tông khang trang, nhất là 3 tuyến đường chính dẫn vào khu sản xuất và tuyến kênh mương nội đồng dài hơn 1.600m chạy bao quanh khu sản xuất. Ông Lúc khoe: “Từ khi có đường bê tông, các thương lái chạy xe bán tải tới thu mua nông sản tận nơi, người dân không phải gồng gánh ra đường lớn như trước. Không chỉ vậy, người dân cũng giảm được gần 1/3 chi phí gánh, chở đất khi cải tạo ruộng”. Để có được những công trình đó, có sự đóng góp rất lớn từ người dân; trong đó gia đình ông Lúc hiến gần 1.500m2 đất. Ngoài ra, trong quá trình thi công, ông Lúc cùng với các thành viên Ban Giám sát còn thay nhau giám sát công trình. Ông Lúc nhớ lại, khi làm tuyến kênh mương nội đồng, đoạn cuối kênh hơi hẹp, ông đã cùng với ông Nguyễn Đình Diễn - cũng là thành viên Ban Giám sát ngay lập tức kiến nghị điều chỉnh mở rộng để đảm bảo thoát nước nhanh. Hay có những đoạn trong thiết kế chưa phù hợp, ông và một số thành viên đã đề nghị đơn vị thi công điều chỉnh lại độ sâu, độ chênh để tránh nước bị đọng. Nhờ đó, những công trình trên chất lượng đều tốt, qua 3 năm sử dụng chưa có dấu hiệu xuống cấp. “Với mỗi Ban Giám sát, chúng tôi đều mời đại diện 3 người dân trực tiếp thụ hưởng công trình tham gia nên họ giám sát rất kỹ. Các công trình có đại diện người dân giám sát, người dân đều tin tưởng, an tâm” - ông Hàng Văn Hướng, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Ninh Vân cho biết.

Người dân giám sát việc thi công hệ thống thoát nước tại xã Vĩnh Lương
Người dân giám sát việc thi công hệ thống thoát nước tại xã Vĩnh Lương

Trong danh sách thành viên các Ban Giám sát ở phường Cam Nghĩa đều có đại diện từ 2 đến 3 người dân. 7 tháng năm 2023, trên địa bàn phường Cam Nghĩa có 11 công trình công cộng được đầu tư xây dựng, dưới sự giám sát của Ban Giám sát đều đạt chất lượng tốt. Nhờ được giám sát ngay từ khâu thiết kế, lấy ý kiến người dân trước khi triển khai nên không có công trình nào sau khi thi công xong phải sửa chữa lại. Ông Bùi Thế Hợi - người dân và là thành viên Ban Giám sát công trình nâng cấp đường liên tổ dân phố Nghĩa An cho biết, ngay khi có chủ trương thực hiện công trình, UBMTTQ Việt Nam phường Cam Nghĩa đã tổ chức họp dân lấy ý kiến và đề nghị cử 3 người dân có kiến thức về xây dựng, tâm huyết, nhiệt tình với công việc chung để đưa vào Ban Giám sát. Là một trong những người được người dân tin tưởng, ông Hợi liền nhận lời tham gia. Sau đó, Ban Giám sát đã lập nhóm Zalo để phân công công việc và trao đổi khi cần. Trong quá trình giám sát, thấy chỗ nào bất hợp lý liền báo lên nhóm chung, trưởng ban báo lại cho nhà đầu tư đề nghị đơn vị thi công điều chỉnh cho phù hợp. “Chúng tôi giám sát kỹ nhất là chất lượng vật liệu xây dựng, khối lượng xi măng, quá trình đầm và lu đất. Đợt làm đường Nghĩa An, khi lu đất, mặt đường thấp hơn so với thiết kế nhưng đơn vị thi công vẫn đổ bê tông, chúng tôi yêu cầu dừng ngay và đổ thêm đất đá vào. Thấy yêu cầu của chúng tôi hợp lý nên họ điều chỉnh ngay” - ông Hợi kể.

Tuyến đường vào khu sản xuất của xã Diên Thọ được bê tông hoá
Tuyến đường vào khu sản xuất của xã Diên Thọ được bê tông hóa

Trong thực tế, các Ban Giám sát đầu tư cộng đồng không chỉ làm nhiệm vụ giám sát mà còn là cầu nối giữa chính quyền và người dân, qua đó giúp người dân phản ánh kịp thời những bất cập trong quá trình đầu tư, thi công xây dựng các công trình cộng đồng.  

 THẢO LY - CẨM VÂN

Kỳ cuối: Còn những khó khăn