22:51, 01/04/2024

Nha Trang vươn mình về phía biển

ĐÌNH LÂM (Thực hiện)

Từ một làng chài nhỏ bé, đơn sơ bên bờ sông Cái, trải qua bao thăng trầm, biến động của lịch sử, đến nay, TP. Nha Trang đã vươn mình trở thành đô thị năng động của khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Nhân dịp kỷ niệm 100 năm xây dựng và phát triển TP. Nha Trang (1924 - 2024), 15 năm Nha Trang được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh (2009 - 2024), Báo Khánh Hòa phỏng vấn ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa về kết quả phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong những năm vừa qua.

Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa

- Xin ông đánh giá tổng quan về sự phát triển và những bước chuyển mình của TP. Nha Trang trong suốt 100 năm qua?

- Có thể khẳng định rằng, qua 100 năm xây dựng và phát triển, và sau 15 năm được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Khánh Hòa, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP. Nha Trang đã anh dũng, cần cù, sáng tạo vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức để giành được những thành tựu rất to lớn, đóng góp quan trọng vào thắng lợi chung của sự nghiệp cách mạng của cả nước nói chung và của tỉnh nhà nói riêng.

Từ vùng đất hoang sơ, nhờ sức lao động bền bỉ, kiên cường của biết bao thế hệ đã dần biến đổi vùng đất “lau lách” (như cách gọi và hiểu của người tiền cư) trở thành một Nha Trang tươi đẹp ngày nay với vô số sản vật trù phú, nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng thu hút du khách muôn phương. Không chỉ hấp dẫn bởi thiên nhiên kỳ thú mà Nha Trang ngày nay đã phát triển với mạng lưới hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hài hòa với không gian đô thị cùng sự thân thiện, cởi mở, hiếu khách của người dân vùng đất này. 

Đặc biệt, trong những năm gần đây, Nha Trang đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, ấn tượng. Kinh tế - xã hội thành phố không ngừng phát triển, diện mạo đô thị ngày càng khang trang, hiện đại, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, nâng cao. Cơ sở hạ tầng được xây dựng và phát triển đồng bộ, định hình rõ nét là một trọng điểm dịch vụ - du lịch lớn của cả nước với nhiều dự án đầu tư quy mô lớn, nhiều thương hiệu khách sạn, khu vui chơi giải trí, trung tâm thương mại đẳng cấp... đã tạo ra hình ảnh Nha Trang văn minh, hiện đại. 

- Theo ông, giai đoạn nào đã đánh dấu sự phát triển bứt phá của Nha Trang, thực sự tạo ra sự khác biệt trong kinh tế - xã hội?

- Kể từ khi được nâng cấp lên thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh Khánh Hòa (2009 - 2024), TP. Nha Trang đã ghi những dấu ấn đậm nét trên các lĩnh vực, đánh dấu chặng đường phát triển đưa thành phố trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, du lịch - dịch vụ của tỉnh, khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, là nơi tổ chức các sự kiện quốc gia và quốc tế. Đó là kết quả của quá trình phấn đấu không mệt mỏi của toàn Đảng bộ, toàn quân và các tầng lớp nhân dân thành phố. 

15 năm qua, Đảng bộ thành phố đã xác định tập trung mọi nguồn lực, từng bước phát triển Nha Trang theo định hướng của tỉnh. Thành phố đã khai thác tốt mọi tiềm năng, lợi thế để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục đổi mới cơ cấu kinh tế theo hướng: Du lịch, thương mại - dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp; phát triển kinh tế bền vững, tăng trưởng kinh tế phải kết hợp khai thác hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa. Cùng với đó, quản lý tốt quy hoạch đô thị, từng bước xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, hình thành các khu đô thị mới đa chức năng phù hợp với yêu cầu phát triển thành phố trong tương lai; nâng cao chất lượng các lĩnh vực: Giáo dục, chăm sóc sức khỏe nhân dân, phát triển văn hóa, nâng cao ý thức cộng đồng, giải quyết việc làm, triển khai tốt các chính sách an sinh xã hội… đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững thành phố.

Năm 2009, thu nhập bình quân đầu người đạt 2.508 USD, đến năm 2019 đạt 4.500 USD, phấn đấu đến cuối năm 2024 đạt 5.500 USD. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn luôn đảm bảo nhiệm vụ chi, trong đó có nhiều năm vượt dự toán. Trước thời điểm xảy ra dịch Covid-19, du lịch là ngành kinh tế có mức tăng trưởng cao nhất, lượng khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại thành phố năm 2019 đạt gần 6,6 triệu lượt khách, so với năm 2009 gần 1,6 triệu lượt khách (tăng gấp 4,3 lần). Tổng doanh thu du lịch và dịch vụ năm 2019 đạt 81.674 tỷ đồng, so với năm 2009 đạt hơn 1.506 tỷ đồng (tăng gấp 54 lần). Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2019 đạt gần 5.361 tỷ đồng, so với năm 2009 đạt gần 997 tỷ đồng (tăng gấp 5,4 lần).

Từ đầu năm 2020 đến nay, là thành phố với du lịch - dịch vụ là ngành kinh tế mũi nhọn, do đó, Nha Trang chịu ảnh hưởng rất nặng nề bởi tác động của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, với sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp, thành phố nhanh chóng khắc phục khó khăn, phục hồi và phát triển ổn định kinh tế - xã hội. Năm 2023, thành phố đạt 23/23 chỉ tiêu đề ra. Nửa đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, thành phố đạt 23/29 chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII đề ra. Thành phố cũng đã tập trung mọi nguồn lực cho phát triển văn hóa - xã hội, đạt những thành tựu quan trọng trên nhiều mặt, nhất là giảm nghèo, giải quyết việc làm… Bằng nhiều giải pháp giảm nghèo bền vững, hiện nay, số hộ nghèo toàn thành phố đã giảm từ hơn 3.700 hộ (năm 2009) xuống còn 90 hộ (năm 2023), phấn đấu xóa hoàn toàn hộ nghèo vào cuối năm 2024. Y tế, giáo dục - đào tạo có những tiến bộ đáng phấn khởi; quốc phòng - an ninh được giữ vững, trật tự xã hội ổn định; bộ mặt thành thị, nông thôn, hải đảo của thành phố có nhiều đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên. Năm 2023, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố đạt 2.029 tỷ đồng, vượt 6% dự toán. Doanh thu dịch vụ du lịch đạt 23.850 tỷ đồng, bằng 144,85% kế hoạch, tăng 2,18 lần so với cùng kỳ năm trước. Tổng vốn đầu tư công là 362 tỷ đồng, đạt 100% chỉ tiêu tỉnh giao. 

- Ông đánh giá như thế nào về vấn đề phát triển hạ tầng đô thị?

- Trong những năm qua, TP. Nha Trang đã tranh thủ mọi nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị. Hiện tại, trên địa bàn thành phố có 109 dự án trong và ngoài ngân sách, trong đó có 14 dự án trọng điểm. Nhiều dự án tạo điểm nhấn cho diện mạo đô thị Nha Trang, như: Đường Vành đai 2 và nút giao thông Ngọc Hội; nút giao thông kết nối khu sân bay Nha Trang, cầu Xóm Bóng, đập ngăn mặn trên sông Cái… Bên cạnh đó, thành phố đã đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước nhằm giải quyết ô nhiễm môi trường và xử lý nước thải một cách căn bản. Hiện nay, thành phố tập trung thu hút, sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển trên cơ sở đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Thành phố đã trình và được UBND tỉnh phê duyệt danh mục 47 dự án kêu gọi vốn đầu tư ngoài ngân sách. Đây là cơ sở để thành phố kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp tiếp cận, tham gia đầu tư trên địa bàn.  

TP. Nha Trang nhìn từ biển. Ảnh: VƯƠNG MẠNH CƯỜNG
TP. Nha Trang nhìn từ biển. Ảnh: VƯƠNG MẠNH CƯỜNG

- Những kết quả mà TP. Nha Trang đã đạt được như đồng chí vừa nêu ở trên rõ ràng là bước phát triển đột phá, đặc biệt là thành phố đã định vị được mình trên bản đồ những đô thị hướng biển đẳng cấp quốc tế. Xin ông đánh giá rõ hơn về những điểm vượt trội của Nha Trang kể từ khi trở thành đô thị loại I? 

- Sau 15 năm lên đô thị loại I, TP. Nha Trang đã khẳng định được vị thế của mình khi được lựa chọn là nơi tổ chức nhiều sự kiện quan trọng cấp quốc gia và quốc tế, điển hình là Hội nghị cấp cao APEC năm 2017; Năm Du lịch quốc gia 2019 với chủ đề “Nha Trang - Sắc màu của biển”; Hội nghị Công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Khánh Hòa năm 2023; Hội nghị “Kết nối Khánh Hòa với các đối tác quốc tế: Khát vọng phát triển”; Festival Biển Nha Trang - Khánh Hòa…

Cùng với sự chuyển mình ấn tượng của tỉnh Khánh Hòa, TP. Nha Trang đang là điểm sáng trên con đường phát triển ổn định và bền vững. Kinh tế phát triển, bộ mặt thành phố thay đổi nhanh chóng, cơ sở hạ tầng được quy hoạch, xây dựng và phát triển đồng bộ, định hình rõ nét là một trọng điểm dịch vụ - du lịch lớn của cả nước với nhiều dự án đầu tư quy mô lớn, nhiều thương hiệu khách sạn, khu vui chơi giải trí, trung tâm thương mại đẳng cấp thế giới, đã tạo nên hình ảnh thành phố văn minh, hiện đại. 

- Thưa ông, để Nha Trang tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa, xứng đáng là thành phố bên bờ Biển Đông và có tầm nhìn hướng biển, trong thời gian tới, thành phố cần phải làm những gì?

- Trong thời gian tới, Nha Trang cần phải tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và thành phố nhiệm kỳ 2020 - 2025. Cùng với đó, triển khai thực hiện Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2040 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; khẩn trương hoàn thành các đồ án quy hoạch phân khu; tập trung triển khai Đề án “Xây dựng thí điểm mô hình đô thị thông minh tại TP. Nha Trang” vừa được UBND tỉnh phê duyệt. Thành phố cũng cần tập trung triển khai Đề án về chuyển đổi xanh TP. Nha Trang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Đề án Tổ chức, phát triển giao thông đường bộ TP. Nha Trang đến năm 2030 và định hướng đến năm 2040 sau khi được phê duyệt… 

Để thực hiện các nhiệm vụ đó, thành phố phải tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, trong đó có các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn; tiếp tục thu hút đầu tư để phát triển các dịch vụ du lịch chất lượng cao, giáo dục, y tế chất lượng cao và công nghệ cao. Thành phố phải tìm các đối tác để phối hợp tổ chức nhiều sự kiện quốc gia, quốc tế. Qua đó, quảng bá, thu hút du khách đến Nha Trang. Thành phố cần tập trung xây dựng để Nha Trang phát triển đẳng cấp, bền vững, phồn vinh và hạnh phúc. Từ đó, khơi dậy niềm tự hào, ý chí tự lực, tự cường trong quá trình xây dựng và phát triển thành phố. Đồng thời, tập trung tạo môi trường làm việc tốt; khích lệ cán bộ, công chức, viên chức và người dân phấn đấu xây dựng Nha Trang trở thành thành phố xanh, thông minh, hiện đại, phồn vinh và hạnh phúc, là đô thị hạt nhân của tỉnh và khu vực.

- Xin trân trọng cảm ơn ông! 

ĐÌNH LÂM (Thực hiện)