11:10, 01/10/2017

Cuộc hội ngộ của những cựu binh Sư đoàn 10

Buổi gặp mặt của những cựu binh Sư đoàn 10 - Quân đoàn 3 nhân kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Sư đoàn mới đây tại Nha Trang thật xúc động. 

Buổi gặp mặt của những cựu binh Sư đoàn 10 - Quân đoàn 3 nhân kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Sư đoàn mới đây tại Nha Trang thật xúc động. Thế hệ những người lính này tuổi đã cao và ở nhiều vùng miền trên cả nước, song những trở ngại của tuổi tác, sức khỏe, khoảng cách địa lý… không ngăn trở được tình đồng chí, đồng đội…


Gặp nhau, họ chào nhau bằng những cái ôm thật chặt, những giọt nước mắt xúc động thay cho lời nói. Gặp lại Thiếu tá Hoàng Giới (75 tuổi, ngụ TP. Nha Trang, nguyên Trợ lý cán bộ Sư đoàn 10, Trợ lý cán bộ Quân đoàn 3), Đại úy Nguyễn Đình Thi (67 tuổi, ngụ TP. Hà Nội, nguyên cán bộ Tuyên huấn Sư đoàn 10) ôm chầm lấy người đồng đội cũ mà khóc: “Các anh em ơi, đây là anh Giới, người đã cứu sống tôi 45 năm trước!”.

 

Ông Thi thổ lộ: “Tôi và anh Giới cùng khoác ba lô lên tàu đêm 3-11-1971 tại ga Tiền Trung, tỉnh Hải Dương để đi vào chiến trường Tây Nguyên. Năm 1972, khi đơn vị đóng quân trên một đỉnh núi, tôi bị sốt rét nặng. Nhìn thấy tôi cứ lụi dần đi, anh Giới tức tốc chạy về chỗ anh ở, lấy 1 củ sâm (tiêu chuẩn của anh được cấp khi đi chiến trường) đưa cho tôi ngậm. Nhờ củ sâm anh cho mà tôi vượt qua cơn nguy kịch, rồi hồi phục sức khỏe. Sau ngày giải phóng, đơn vị chúng tôi sang chiến trường Campuchia làm nghĩa vụ quốc tế, nhưng tôi và anh không gặp được nhau. Mãi sau 45 năm mới gặp lại, anh đã già đi rất nhiều nhưng tính cách thì vẫn thế, xởi lởi, chân tình và vẫn luôn xem tôi là đứa em bé nhỏ mà anh từng che chở năm xưa”.

 

Tổ chức mừng thọ cho các cựu binh Sư đoàn 10 tại buổi gặp mặt

Tổ chức mừng thọ cho các cựu binh Sư đoàn 10 tại buổi gặp mặt

 

Sư đoàn 10 - Quân đoàn 3 được thành lập ngày 20-9-1972 tại huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum. Ngay sau khi được thành lập, đơn vị đã liên tiếp tham gia nhiều chiến dịch từ chiến trường Tây Nguyên B3 huyện Đắk Tô, đến Đắk Lắk, Khánh Hòa, miền Đông Nam bộ, góp phần vào chiến thắng 30-4, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. Sau ngày giải phóng, sư đoàn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía bắc, làm tròn nhiệm vụ quốc tế tại  Campuchia… Với những chiến công và thành tích xuất sắc trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Sư đoàn 10 đã vinh dự 2 lần được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” và tặng thưởng hơn 60 huân, huy chương chiến công các loại.


Sau giải phóng, đa số các cựu binh Sư đoàn 10 ra quân và lập nghiệp tại một số tỉnh như: Đắk Lắk, Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa. Theo Đại tá Nguyễn Quang Lâm (83 tuổi, ngụ TP. Nha Trang, nguyên Phó Chính ủy Trung đoàn 24 - Sư đoàn 10, đơn vị trực tiếp đánh vào giải phóng Nha Trang) - Trưởng ban Liên lạc bạn chiến đấu Sư đoàn 10 tại Khánh Hòa, trong số các cựu binh Sư đoàn 10 năm xưa, có 49 người chọn Khánh Hòa làm quê hương thứ 2 sau khi xuất ngũ, nhưng hiện nay 11 người đã mất, những người khác tuổi đã cao, có người đã 93 tuổi. “Thế hệ những người lính chúng tôi bây giờ đa số tuổi đã cao nên mỗi lần được gặp lại nhau là vui lắm, nhất là đối với những người sau hàng chục năm mới được gặp lại đồng đội cũ. Gặp nhau, ôn lại những kỷ niệm cùng sát cánh, sinh tử bên nhau, ai nấy đều thấy mình như trẻ lại, sống lại khí thế hào hùng năm xưa”, Đại tá Lâm chia sẻ.


Năm xưa, họ gắn bó sống chết bên nhau, chia nhau đói khổ. Có lẽ, với những cựu binh Sư đoàn 10, ký ức về một thời khó khăn, gian khổ mà oanh liệt ấy mãi chẳng thể phai mờ trong tâm trí mỗi người.


THẾ ANH