12:07, 27/07/2017

Tiếp nối mãi đạo lý đền ơn đáp nghĩa

Đối với những người con đất Việt ở khắp mọi miền đất nước, tháng Bảy hàng năm đã từ lâu trở thành tháng "Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn đáp nghĩa". Đây là trách nhiệm, tình cảm và nét đẹp nhân văn của dân tộc Việt Nam. 

Đối với những người con đất Việt ở khắp mọi miền đất nước, tháng Bảy hàng năm đã từ lâu trở thành tháng “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”. Đây là trách nhiệm, tình cảm và nét đẹp nhân văn của dân tộc Việt Nam. Kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ hàng năm là dịp tri ân những anh hùng, liệt sĩ, người có công trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã anh dũng hy sinh hoặc để lại một phần thân thể ở chiến trường.


Kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947  - 27-7-2017), chúng ta càng xúc động trước sự thấu suốt trong tư tưởng, tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho thương binh và gia đình liệt sĩ. Ngày 16-2-1947, Hồ Chủ Tịch đã ký Sắc lệnh số 20/SL ban hành chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ. Người cũng yêu cầu Nhà nước và đoàn thể chọn một ngày làm ngày thương binh. Trong thư gửi Ban thường trực của Ban tổ chức ngày thương binh toàn quốc lần đầu tiên (ngày 27-7-1947), Hồ Chủ Tịch đã viết: “Đang khi tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả, đến chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp, cha mẹ, anh em, vợ con, thân thích, họ hàng ta bị đe dọa, của cải ruộng nương, nhà cửa, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập, ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta? Đó là những chiến sĩ mà nay một số thành ra thương binh”. Phần cuối thư, Người vận động đồng bào trong cả nước nhường cơm, sẻ áo giúp đỡ thương binh. Tự Bác Hồ đã xung phong góp nốt chiếc áo lụa, một tháng lương và tiền ăn một bữa của Người và của tất cả nhân viên Phủ Chủ tịch.   


Trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, cùng với cả nước, hàng vạn người con ưu tú của Khánh Hòa đã hiến dâng tuổi thanh xuân hoặc một phần xương máu để có ngày hôm nay. Những năm qua, cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp đã đặc biệt quan tâm đến chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công. Đến nay, tỉnh đã giải quyết chế độ và quản lý 50.291 hồ sơ người có công, toàn tỉnh có 939 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, hơn 8.000 người đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng. Thời gian qua, tỉnh đã quy tập hơn 6.200 hài cốt liệt sĩ về an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ, chi hơn 25 tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp, tôn tạo nghĩa trang và mộ liệt sĩ... Ngày càng có nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa, quan tâm đời sống các gia đình liệt sĩ, thương binh, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, chăm sóc phần mộ các liệt sĩ, tổ chức những hoạt động về nguồn đầy xúc động...


Các hoạt động thể hiện lòng biết ơn những người hy sinh vì nước đã trở thành một nét đẹp văn hóa trong đời sống xã hội. Những việc làm đó còn có ý nghĩa giáo dục cho lớp trẻ hôm nay về một thời oanh liệt của đất nước, về đạo lý uống nước nhớ nguồn.


Như một dòng chảy bất tận, đạo lý uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa của dân tộc được tiếp nối mãi, được soi sáng bởi tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về trách nhiệm, tình cảm của Nhà nước và toàn xã hội đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và những người có công với đất nước.


KHÁNH HÒA