09:06, 19/06/2017

Quốc hội thông qua Luật Thủy lợi và Luật Du lịch (sửa đổi)

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 3, sáng 19-6, các đại biểu Quốc hội (QH) làm việc ở hội trường, thảo luận và biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao về việc bổ nhiệm 2 Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao.

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 3, sáng 19-6, các đại biểu Quốc hội (QH) làm việc ở hội trường, thảo luận và biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao về việc bổ nhiệm 2 Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao. Với 83,10% số đại biểu QH bấm nút tán thành, QH đã chính thức thông qua Nghị quyết của QH về việc bổ nhiệm 2 Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao đối với ông Lê Hồng Quang - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Tiền Giang và ông Nguyễn Văn Tiến - Phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội.


Tiếp sau đó, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển, QH tiến hành thảo luận về dự án Luật Bảo vệ phát triển rừng (sửa đổi). Các đại biểu đánh giá việc sửa đổi luật là rất cần thiết nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý, thống nhất các hoạt động quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, kinh doanh, chế biến và thương mại lâm sản theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế và phát triển ngành lâm nghiệp bền vững; thể chế hóa được các quy định của Hiến pháp năm 2013 về sở hữu tài nguyên thiên nhiên, đường lối chủ trương của Đảng, Nghị quyết của QH liên quan bảo vệ và phát triển rừng.


Buổi chiều, QH họp phiên toàn thể tại Hội trường, biểu quyết thông qua Luật Thủy lợi với 457/459 đại biểu QH biểu quyết tán thành, chiếm 93,08% tổng số đại biểu QH. Luật Thủy lợi gồm 10 chương, 60 Điều, quy định về điều tra cơ bản, chiến lược, quy hoạch thủy lợi; đầu tư xây dựng công trình thủy lợi; quản lý, khai thác công trình thủy lợi và vận hành hồ chứa thủy điện phục vụ thủy lợi; dịch vụ thủy lợi; bảo vệ và bảo đảm an toàn công trình thủy lợi; thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng; quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong hoạt động thủy lợi; trách nhiệm quản lý nhà nước về thủy lợi. Luật Thủy lợi có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2018.


QH cũng đã biểu quyết thông qua Luật Du lịch (sửa đổi) với 438 phiếu tán thành, chiếm 89,21% tổng số đại biểu QH. Gồm 9 chương, 82 Điều, Luật Du lịch (sửa đổi) thông qua quy định về tài nguyên du lịch, sản phẩm du lịch và hoạt động du lịch; quyền, nghĩa vụ của khách du lịch, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch; cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động khác có liên quan đến du lịch và quản lý nhà nước về du lịch. Đối tượng áp dụng của luật là các cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam hoạt động du lịch trên lãnh thổ Việt Nam và ở nước ngoài; các tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động du lịch trên lãnh thổ Việt Nam; các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư có liên quan đến du lịch.


Luật quy định rõ những hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có quy định nghiêm cấm làm phương hại đến chủ quyền, lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, truyền thống văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc; lợi dụng hoạt động du lịch để đưa người ra nước ngoài hoặc vào Việt Nam trái pháp luật; xâm hại tài nguyên du lịch, môi trường du lịch; phân biệt đối xử với khách du lịch, thu lợi bất hợp pháp từ khách du lịch, tranh giành khách, nài ép khách mua hàng hóa, dịch vụ; kinh doanh trong lĩnh vực du lịch khi chưa đủ điều kiện, không có giấy phép kinh doanh hoặc không duy trì điều kiện kinh doanh trong quá trình hoạt động theo quy định của luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; sử dụng giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành của doanh nghiệp khác hoặc cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành của doanh nghiệp để hoạt động kinh doanh; hành nghề hướng dẫn du lịch khi không đủ điều kiện hành nghề; quảng cáo không đúng loại, hạng cơ sở lưu trú du lịch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận; quảng cáo về loại, hạng cơ sở lưu trú du lịch khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận…


Bên cạnh đó, các quy định về nguyên tắc phát triển du lịch; chính sách phát triển du lịch; quyền và nghĩa vụ của khách du lịch; phát triển sản phẩm du lịch; kinh doanh du lịch trực tuyến; thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch; điều kiện, hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền công nhận điểm du lịch… cũng được quy định rất đầy đủ, cụ thể tại Luật Du lịch (sửa đổi).


Luật Du lịch (sửa đổi) sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2018.


T.A (Tổng hợp)