04:04, 11/04/2017

Ngày càng đổi mới, phát triển toàn diện

Ông Nguyễn Hữu Hảo - Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm trả lời phỏng vấn Báo Khánh Hòa nhân kỷ niệm 10 năm thành lập huyện.

Ông Nguyễn Hữu Hảo - Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm trả lời phỏng vấn Báo Khánh Hòa nhân kỷ niệm 10 năm thành lập huyện.


- Xin ông cho biết những thành tựu nổi bật về kinh tế - xã hội của huyện Cam Lâm trong 10 năm qua?

 

- Ngày 11-4-2007, thực hiện Nghị định số 65 của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính của thị xã Cam Ranh và huyện Diên Khánh để thành lập huyện Cam Lâm, huyện Cam Lâm chính thức được thành lập. Khi mới thành lập, huyện gặp rất nhiều khó khăn như: xuất phát điểm về kinh tế - xã hội thấp, cơ sở vật chất kỹ thuật còn nghèo nàn, kết cấu hạ tầng thấp, nguồn nhân lực thiếu, cơ cấu thành phần kinh tế chủ yếu hoạt động nông nghiệp…  


Tuy nhiên, 10 năm qua, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, Đảng bộ và nhân dân huyện Cam Lâm đã đoàn kết nhất trí, phát huy tinh thần tự lực tự cường, nỗ lực khắc phục khó khăn, triển khai đồng bộ các giải pháp, dốc toàn lực, toàn tâm vào công cuộc xây dựng và phát triển quê hương. Đến nay, huyện Cam Lâm đã mang diện mạo mới, ngày càng phát triển toàn diện, đạt được nhiều thành tựu quan trọng.


Nhờ triển khai quyết liệt các giải pháp, chú trọng khai thác tối ưu tiềm năng, lợi thế của huyện... nên kinh tế của Cam Lâm ngày càng phát triển nhanh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 11,45%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng ngành du lịch - dịch vụ - thương mại, từ 9,0% (năm 2007) lên 18,2% (năm 2017). Công tác quản lý, điều hành ngân sách được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn huyện hàng năm tăng bình quân 27,7%. Tính đến năm 2016, thu ngân sách huyện tăng 9 lần so với năm 2007. Tổng chi ngân sách hàng năm tăng bình quân 23,96%. Sản xuất công nghiệp trên địa bàn huyện tăng trưởng ổn định. Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng tăng bình quân 9,49% năm; giá trị sản xuất thương mại - dịch vụ tăng 38,34% năm...

 

Một góc thị trấn Cam Đức
Một góc thị trấn Cam Đức


Sản xuất nông, lâm nghiệp duy trì tăng trưởng khá. Kết cấu hạ tầng nông thôn từng bước được đầu tư gắn với xây dựng nông thôn mới. Ngành nông nghiệp đang từng bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng cao, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh như: lúa, mía, xoài. Đến năm 2016, trên địa bàn huyện có 3.719ha/4.742ha giống xoài mới được đưa vào sản xuất, năng suất bình quân đạt 8,58 tấn/ha. Chăn nuôi trên địa bàn huyện phát triển ổn định. Sản lượng hải sản đánh bắt và nuôi trồng trung bình đạt hơn 5.000 tấn/năm. Sản lượng nuôi trồng, khai thác hàng năm đều tăng. Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng bình quân 1,04%/năm...


Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống nhân dân được nâng cao. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo của huyện tiếp tục phát triển cả về quy mô và chất lượng. Đến năm 2017, có 31/46 trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia (tăng 24 trường so với năm 2007). Chất lượng giáo dục, đào tạo ngày càng được nâng lên, nằm trong nhóm các huyện, thị xã, thành phố có thành tích khá của tỉnh; học sinh tốt nghiệp các cấp hàng năm đạt tỷ lệ cao. Đội ngũ giáo viên các cấp học, ngành học được đào tạo 100% đạt chuẩn và 87,2% trên chuẩn. 14/14 xã, thị trấn duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, chống mù chữ mức độ 2, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 và phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1... Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng: 14/14 xã, thị trấn đã xây dựng trạm y tế; trạm y tế có bác sĩ khám, chữa bệnh đạt 100%; 13/14 xã, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế. Phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa từng bước đi vào thực chất. Toàn huyện có 100% cơ quan, 96% gia đình, 95,7% thôn/tổ dân phố đạt tiêu chuẩn văn hóa…


Cùng với đó, công tác giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, công tác dân tộc, tôn giáo đạt kết quả quan trọng. Đến nay, số lao động đã qua đào tạo là 39.687 người, chiếm 65,4%. Tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2007 là 12,71%, đến đầu năm 2015 còn 1,88% (theo chuẩn nghèo cũ). Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án tổng thể “Chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020”, tỷ lệ hộ nghèo đầu năm 2016 là 13,06%, đến cuối năm còn 9,61%. Chương trình phát triển đô thị, xây dựng nông thôn mới, phát triển nguồn nhân lực, phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi đạt kết quả tích cực. Cơ sở hạ tầng từ đô thị đến nông thôn được xây dựng đồng bộ; công tác quy hoạch xây dựng được chú trọng. Đến cuối năm 2016, có 4/12 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 25%. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức được quan tâm đúng mức. Đến nay, đã đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, công chức cấp huyện đạt 65%; số cán bộ, công chức cấp xã có trình độ lý luận trung cấp và cao cấp là 154/272, chiếm 57%... An sinh xã hội được bảo đảm, quốc phòng - an ninh được giữ vững.  


- Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, huyện Cam Lâm sẽ tập trung những nhiệm vụ gì để tiếp tục xây dựng và phát triển, thưa ông?


- Thời gian tới, huyện Cam Lâm sẽ tập trung thực hiện tốt các mục tiêu đề ra như: thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tăng bình quân hàng năm 15%; giá trị sản xuất các ngành kinh tế tăng bình quân hàng năm từ 13% trở lên; tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh đạt 97%. Đến năm 2020, huyện phấn đấu đạt tiêu chí nông thôn mới. 14/14 xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; duy trì 100% xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, chống mù chữ mức độ 2, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 và phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1; duy trì 100% xã, thị trấn đạt phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Tỷ lệ đô thị hóa đạt từ 45 đến 50%, ở thị trấn Cam Đức, xã Suối Tân đạt tiêu chí đô thị loại V và trở thành thị trấn công nghiệp.


Để đạt mục tiêu trên, địa phương sẽ tiếp tục huy động mọi nguồn lực, phát huy thế mạnh của huyện, khai thác hiệu quả các tiềm năng du lịch đa dạng, đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ, du lịch, thương mại và phát triển công nghiệp, nông nghiệp; hoàn thiện hệ thống đô thị và xây dựng kết cấu hạ tầng xã hội từng bước đồng bộ. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư vào Khu du lịch bán đảo Cam Ranh, trong đầm Thủy Triều và khu vực Hòn Bà; đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xã hội. Địa phương cũng chú trọng thu hút vốn từ các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh; huy động tối đa các nguồn vốn để phát triển cơ sở hạ tầng tại các khu du lịch, dịch vụ, công nghiệp.  


Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chú trọng triển khai chương trình khuyến công, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư khoa học - kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; đa dạng hóa các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện của địa phương gắn với khả năng cạnh tranh trên thị trường; thực hiện tốt chương trình kiên cố hóa kênh mương, nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi, đáp ứng nhu cầu tưới tiêu, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Địa phương cũng tăng cường quản lý các quy hoạch về sử dụng đất, khai thác khoáng sản đã được phê duyệt; tăng cường quản lý tài nguyên khoáng sản, xử lý nước thải, bảo vệ môi trường; hoàn thành việc đầu tư khu thu gom, xử lý và chế biến chất thải rắn với công nghệ hiện đại tại Trảng É (xã Suối Cát) quy mô 50ha.


Song song đó, tập trung phát triển toàn diện các mặt văn hóa - xã hội, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ; quan tâm đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa cấp huyện; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; chăm lo đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm cho con em gia đình chính sách; triển khai lồng ghép các giải pháp, mô hình giảm nghèo, chú trọng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân... Huyện cũng nỗ lực nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, đảm bảo 100% trạm y tế xã được xây dựng kiên cố theo hướng đạt chuẩn và có bác sĩ khám, chữa bệnh; xây dựng các xã, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế. Ngoài ra, địa phương cũng đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền từ huyện đến xã; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đủ năng lực, phẩm chất; tăng cường quốc phòng, an ninh; triển khai tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, “Ngày vì người nghèo” và các phong trào khác...


- Xin cảm ơn ông!


KIM THAO (Thực hiện)