10:09, 03/09/2012

Vai trò, vị trí của y tế cơ sở từng bước được khẳng định

Theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 06-CT/TW ngày 22-1-2002 của Ban Bí thư (khóa IX) về “Củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở”

Theo đánh giá của Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy Khánh Hòa, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 06-CT/TW ngày 22-1-2002 của Ban Bí thư (khóa IX) về “Củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở” (YTCS), đến nay, mạng lưới YTCS trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã hoàn thiện cả về cơ sở vật chất lẫn nhân lực, đủ khả năng phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh theo phân tuyến kỹ thuật, đảm bảo việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân ở tuyến cơ sở.

Sau khi có Chỉ thị 06, BTV Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 25-KH/TU ngày 25-11-2002 để chỉ đạo thực hiện. UBND tỉnh và cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành đã có văn bản chỉ đạo tổ chức phổ biến, thực hiện đến đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nhờ thế, nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của mạng lưới YTCS ngày càng sâu sắc.

. 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế

Nếu như năm 2003, toàn tỉnh chưa có xã nào đạt chuẩn, thì đến năm 2010, 100% xã đã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Trong 10 năm, hơn 110 trạm y tế được xây dựng mới với nhiều trang thiết bị khá hiện đại như máy siêu âm, máy xét nghiệm sinh hóa, huyết học, tổng phân tích nước tiểu, điện tâm đồ…, đảm bảo cho người dân tiếp cận dễ dàng với các dịch vụ y tế. Từ năm 2012, các trạm y tế được khoán kinh phí với mức 300 triệu đồng/năm và tối thiểu có 5 biên chế. Việc khoán kinh phí đã tạo điều kiện cho các trạm y tế chủ động đầu tư sửa chữa nhỏ về cơ sở vật chất, hợp đồng thêm nhân lực để thực hiện nhiệm vụ, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, nhân viên y tế xã.

Phòng khám Đa khoa khu vực Khánh Lê (huyện Khánh Vĩnh) vừa được đầu tư xây mới.
Nhờ được đầu tư về cơ sở vật chất và nhân lực nên việc khám, chữa bệnh tại trạm y tế được người dân tin tưởng

Các bệnh viện (BV) tuyến huyện liên tục được xây dựng, phát triển và nâng cấp, đạt tiêu chuẩn BV hạng 3, đủ điều kiện triển khai một số kỹ thuật cao trong khám, chữa bệnh. Các phòng khám đa khoa khu vực theo quy hoạch được thành lập, xây mới, bước đầu phát huy tốt vai trò thu hút bệnh nhân, góp phần giảm tải cho BV huyện. Khánh Vĩnh là một trong 2 huyện miền núi của tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số hiện đã có 1 BV quy mô 70 giường và 2 phòng khám đa khoa khu vực. Cam Lâm là huyện mới thành lập cũng đã được đầu tư xây dựng 1 BV, dự kiến đưa vào sử dụng trong quý IV/2012 với quy mô 100 giường bệnh và 2 phòng khám đa khoa khu vực.

Cùng với việc liên tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy YTCS, các địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo chăm sóc sức khỏe ban đầu và nhiều ban chỉ đạo khác thuộc các chương trình y tế quốc gia để thống nhất trong chỉ đạo, nâng cao chất lượng và hiệu quả khám, chữa bệnh. Nhờ vậy, ở hầu hết các địa phương trong tỉnh, người bệnh đã được chữa trị kịp thời, các chương trình mục tiêu quốc gia được thực hiện đầy đủ, các dịch bệnh truyền nhiễm nhanh chóng được khống chế, dập tắt. Hàng năm, trên 95% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm phòng đầy đủ 7 bệnh truyền nhiễm; hơn 90% phụ nữ có thai được tiêm phòng uốn ván; trên 87% dân số được bảo vệ không mắc bệnh sốt rét, số ca tử vong do sốt rét giảm đáng kể, đến năm 2011 không có ca nào tử vong…

. Nhiều chính sách thu hút nhân lực

Thực hiện Chỉ thị 06, tỉnh đã triển khai nhiều chính sách thu hút nhân lực ngành Y tế, đặc biệt là bác sĩ (BS) về công tác tại trạm y tế, như các chế độ về tiền lương, trực, tăng giờ, làm ca 3, độc hại; phụ cấp ưu đãi nghề; phụ cấp cho cán bộ y tế tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; phụ cấp ưu đãi nghề tại các cơ sở y tế công lập; phụ cấp một lần, phụ cấp hàng tháng, phụ cấp tiền nhà ở cho viên chức y tế có trình độ đại học…

Công tác đào tạo cán bộ y tế, nhất là cán bộ YTCS được tỉnh đặc biệt quan tâm thông qua việc phê duyệt và chỉ đạo thực hiện Đề án “Đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Y tế”. Riêng tuyến YTCS, 10 năm qua, nhờ tăng nguồn kinh phí đào tạo và sử dụng nhiều hình thức đào tạo thích hợp, đến nay, số lượng và trình độ của đội ngũ cán bộ YTCS được nâng lên đáng kể. Toàn tỉnh hiện có 6 BV tuyến huyện với 930 cán bộ y tế, trong đó có 124 BS, gồm 4 BS chuyên khoa II, 69 BS chuyên khoa I và thạc sĩ. Tại 13 phòng khám đa khoa khu vực, có 160 cán bộ y tế với 35 BS, trong số này có hơn 70% BS học sau đại học chuyên khoa I và y học gia đình. Tại 137 trạm y tế xã, phường, thị trấn, có 830 cán bộ y tế, trong đó có 90 BS với hơn 50% BS học sau đại học chuyên khoa về nội khoa và y học gia đình. 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn có nữ hộ sinh và y sĩ sản - nhi. Tại 970 thôn, bản có 1.230 nhân viên y tế thôn, bản, tổ dân phố hoạt động.

Có thể nói, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 06, mạng lưới YTCS trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển nhanh và rộng khắp. YTCS từng bước khẳng định được vai trò, vị trí của mình trong hệ thống y tế quốc dân với chi phí thấp, thuận lợi trong khám, chữa bệnh, đủ khả năng phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh theo phân tuyến kỹ thuật. Việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân ở tuyến cơ sở cơ bản đáp ứng yêu cầu theo tinh thần Chỉ thị 06 của Ban Bí thư.

NGỌC KHÁNH