08:09, 19/09/2012

Nhiều thay đổi căn bản trong công tác cán bộ

Hội thảo tập trung làm rõ những quy trình bổ nhiệm và luân chuyển cán bộ, về việc thôi giữ chức vụ…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Sáng 18/9, Bộ Nội vụ tổ chức Hội thảo đóng góp ý kiến sửa đổi quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm cán bộ công chức lãnh đạo. Dự thảo quy chế gồm 7 chương với những quy định cụ thể về các trường hợp từ chức, thôi giữ chức vụ và miễn nhiệm.

Các đại biểu tới dự Hội thảo đã tập trung làm rõ những nội dung như quy trình bổ nhiệm và luân chuyển cán bộ, về việc thôi giữ chức vụ… Tại quy chế cũ, quy định đối với cán bộ được bầu cử hoặc phê chuẩn bổ nhiệm giữ các chức vụ theo nhiệm kỳ thì không quá 2 nhiệm kỳ. Tuy nhiên, quy chế không xác định đối với công chức, viên chức, lãnh đạo quản lý được bổ nhiệm có thời hạn. Đây là những trường hợp không tính theo nhiệm kỳ. Nhiều đại biểu cho rằng, cần khống chế về thời hạn giữ chức vụ đối với những cán bộ được bổ nhiệm dạng này.

Ông Đỗ Đức Duy, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Xây dựng quan tâm đến những quy định trong phần quy hoạch cán bộ. Theo ông Duy, dự thảo chưa làm rõ quy định về cấp quản lý cán bộ.

“Đối với các đơn vị hành chính, sự nghiệp, có thể thủ trưởng đơn vị không tham gia trong cấp ủy do quá tuổi đến kỳ đại hội, thủ trưởng đó không còn đủ 1 nhiệm kỳ, có thể chỉ còn 1 - 2 năm nữa là nghỉ hưu. Tuy nhiên, vai trò của thủ trưởng rất lớn cho nên nếu chúng ta quy định chỉ là cấp ủy mới được tham gia bổ nhiệm cán bộ là chưa đủ, không phát huy vai trò trách nhiệm của người đứng đầu. Cho nên tôi đề xuất là chúng ta nên dùng khái niệm là tập “thể lãnh đạo” - Ông Duy nói.

Các đại biểu cũng cho rằng, hiện nay đang tồn tại song song hai văn bản hướng dẫn về bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm cán bộ lãnh đạo của Đảng và Chính quyền. Vì vậy, cần rà soát kỹ để khắc phục sự chồng chéo và đảm bảo sự thống nhất.

Ông Nguyễn Trọng Điều, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, công tác tổ chức cán bộ phải theo nguyên tắc: Cán bộ cấp trên phải gần cán bộ cấp dưới, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng và năng lực thực tế của cán bộ do mình quản lý, từ đó mới làm tốt công tác quy hoạch.

“Quy hoạch nói chung phải đảm bảo 2 nguyên tắc. Thứ nhất là quy hoạch phải đảm bảo chủ động. Nguyên tắc thứ 2 là tầm nhìn về công tác cán bộ. Muốn làm như thế thì phải hiểu cán bộ, phải sát cán bộ. Nếu không sát, không hiểu cán bộ của mình thì quy hoạch sẽ hỏng. Cái nữa là phải tính đến khả năng đáp ứng của người cán bộ được quy hoạch và mỗi người có thể quy hoạch cho 2 vị trí chứ không cứ chỉ 1 vị trí. Cái thứ 3 nữa là khái niệm về quản lý quy hoạch cũng phải được đưa vào. Quản lý quy hoạch cũng phải như quản lý đối với cán bộ đương chức” - Ông Điều nhấn mạnh.

Theo VOV