09:01, 07/01/2011

Đang triển khai giải pháp bảo vệ nguồn lợi rong mơ

Rong mơ là loài có lợi ích kinh tế, sản lượng cao so với các nhóm rong biển khác. Nhưng hiện nay, người dân một số vùng ven biển Khánh Hòa đang khai thác rong mơ tự phát, làm cạn kiệt nguồn lợi này và ảnh hưởng đến hệ sinh thái.

Rong mơ ở biển.
Rong mơ (RM) là loài có lợi ích kinh tế, sản lượng cao so với các nhóm rong biển khác. Nhưng hiện nay, người dân một số vùng ven biển Khánh Hòa đang khai thác RM tự phát, làm cạn kiệt nguồn lợi này và ảnh hưởng đến hệ sinh thái. Vì vậy, các nhà khoa học Viện Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ (NC-ƯDCN) Nha Trang đã triển khai giải pháp bảo vệ nguồn lợi này.

. Giá trị cao nhưng khai thác tự phát

Vùng biển miền Trung có trữ lượng RM lớn nhất cả nước, phân bố ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Khánh Hòa… Trong đó, vùng biển Khánh Hòa có hơn 21 loài phổ biến. RM tập trung ở bãi triều đáy cứng ven biển Nha Trang, vịnh Vân Phong, Bình Cang, Cam Ranh, đảo Bình Ba, Hòn Khói - Mỹ Giang, Lương Sơn và bán đảo Hòn Hèo, Cam Lập.

RM có sản lượng cao nhất so với các nhóm rong biển khác, đóng vai trò quan trọng trong cân bằng hệ sinh thái ven biển. RM hấp thu chất dinh dưỡng trong nước, cung cấp nguồn thực phẩm, đồng thời cũng là bãi đẻ, nơi ươm nuôi ấu trùng và trú ngụ cho động vật biển. Bên cạnh đó, RM còn có giá trị kinh tế cao. Từ lâu, người dân ven biển đã sử dụng RM làm thực phẩm, phân bón cho cây trồng, thức ăn cho gia súc. RM còn là một trong những nguyên liệu tốt để chiết rút alginate sử dụng trong công nghiệp điện, diêm, thuốc nổ hoặc hồ vải, in hoa, kỹ nghệ thuộc da, chế tạo sơn, keo, vecni, giấy… RM thay thế carboxy metyl cellulosa làm phụ gia cho xi măng, dùng trong giếng khoan dầu, mỹ phẩm… Trong y học, RM được sử dụng để chống đông máu, tăng cường tính miễn dịch, kháng ung thư, kháng vi-rút.

Khai thác rong mơ vùng ven biển Khánh Hòa.
Mùa vụ khai thác RM tốt nhất là từ tháng 4 đến tháng 8 hàng năm. Khi cây RM già đi, phủ tràn mặt biển, người dân đi vớt sẽ thu được sản lượng cao, lại sạch biển, tránh nguy hiểm cho tàu bè qua lại. Do RM ngày càng có giá trị cao nên nhiều ngư dân Khánh Hòa đã khai thác từ khi cây còn non, không có biện pháp bảo vệ, làm suy giảm, cạn kiệt nguồn lợi RM. Họ lặn xuống rạn, bứt đứt rong, làm đổ những tảng san hô, phá vỡ nơi cư trú, đẻ trứng, sinh sôi của nhiều loài hải sản. Sự phát triển nhanh chóng của các đầm nuôi tôm, cá vùng ven biển và hoạt động khai thác thủy sản cũng hủy hoại môi trường sống của RM. Nhiều khu vực sản xuất công nghiệp và hoạt động du lịch đổ chất thải kim loại nặng hoặc dầu ra biển gây tác hại xấu cho RM. Bên cạnh đó, nước thải từ nông nghiệp, ao đìa nuôi trồng thủy sản cũng làm giảm độ trong của nước, hạn chế sự sinh trưởng của RM. Như vùng Cam Thịnh Đông (vịnh Cam Ranh) trước đây có bãi RM rất tốt nhưng nay không còn. Việc đô thị hóa vùng ven biển, đảo; mở rộng thành phố đã ảnh hưởng nhiều tới các thảm RM ven bờ Ba Làng - Đường Đệ, Khu du lịch Hòn Tre, Hòn Chồng (Nha Trang). So với năm 1980, diện tích thảm RM Hòn Chồng đã suy giảm 50%, hiện còn khoảng 12ha với trữ lượng 33,5 tấn khô (tương đương 230 tấn tươi).

Tuy Nhà nước đã ban hành một số văn bản về bảo vệ môi trường như Luật Thủy sản (năm 2003) cấm khai thác, phá hủy các bãi thực vật ngầm (rong - cỏ biển); Quyết định 131/2004 của Chính phủ phê duyệt Chương trình Bảo vệ nguồn lợi thủy sản yêu cầu phải khôi phục, tái tạo các bãi thực vật ngầm… nhưng việc khai thác RM ở Khánh Hòa vẫn diễn ra tự phát.

. Giải pháp bảo vệ

Những năm qua, Viện NC-ƯDCN Nha Trang và Viện Hải dương học Nha Trang đã triển khai nhiều đề tài nghiên cứu khoa học về RM. Trong đó, đề tài “Đánh giá hiện trạng và nghiên cứu giải pháp bảo vệ nguồn lợi rong mơ (BVNLRM) tại Khánh Hòa” do Tiến sĩ Bùi Minh Lý - Viện trưởng Viện NC-ƯDCN Nha Trang làm chủ nhiệm đã được Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh thống nhất nghiệm thu. Đề tài đưa ra giải pháp nâng cao nhận thức, tuyên truyền lợi ích việc BVNLRM trên các phương tiện thông tin truyền thông; đưa nội dung BVNLRM vào giảng dạy trong nhà trường; tổ chức tập huấn cho ngư dân về kỹ thuật, thời gian khai thác hợp lý. Khi thu hoạch RM, người dân phải để lại thân chính dài 10cm để RM tái phát triển và hình thành thêm các thỏi sinh sản; chừa lại 20% trữ lượng bãi RM, các luống cách nhau 100m cho động vật thủy sản có nơi sinh đẻ và cư trú. Khi cắt RM, không được giẫm đạp, neo tàu bè làm hủy diệt hệ sinh thái san hô. Cần tổ chức các buổi tập huấn, giáo dục cộng đồng về bảo vệ môi trường; xây dựng trạm kiểm soát chất lượng nước nuôi trồng thủy sản, phục hồi RM vùng bị sa mạc hóa hoặc do lấp đất bằng mô hình tạo rạn nhân tạo. Hộ kinh doanh phải có giấy phép và cam kết về quy phạm thu mua; nhóm ngư dân phải có chính sách thuế khẳng định quyền lợi hoặc đấu thầu bãi RM công khai, rõ ràng. Các cơ quan liên quan cùng phối hợp quản lý, kiểm tra, bảo vệ và khai thác nguồn lợi RM đạt hiệu quả.

Đến nay, đề tài này đã được thực hiện. UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 23-2-2010 yêu cầu các ngành chức năng và chính quyền địa phương triển khai biện pháp bảo vệ và phát triển nguồn lợi RM. Tiến sĩ Lê Như Hậu - thư ký đề tài cho biết: “Đề tài BVNLRM đang được tiến hành thuận lợi. Để đạt hiệu quả cao, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tập huấn BVNLRM cho nhân dân cần được duy trì lâu dài, liên tục”.

THU TRANG