06:07, 07/07/2010

Kẹt vốn vay!

Nghị quyết số 15/2009/NQ-HĐND ngày 12-6-2009 của HĐND tỉnh Khánh Hòa đã tháo gỡ “nỗi lo” về vốn cho Chương trình kiên cố hóa kênh mương nên chương trình được các địa phương “tăng tốc” rất nhanh.

Nghị quyết (NQ) số 15/2009/NQ-HĐND ngày 12-6-2009 của HĐND tỉnh đã tháo gỡ “nỗi lo” về vốn cho Chương trình kiên cố hóa kênh mương (KCHKM) nên chương trình được các địa phương “tăng tốc” rất nhanh. Nhiều công trình dự kiến thi công trong năm 2010 đã hoàn thành trước nhờ phương thức “ứng vốn trước, thanh toán sau”. Tuy nhiên, hiện nay, việc vay vốn của tỉnh để giải quyết kinh phí đầu tư Chương trình KCHKM đang gặp khó khăn...

° Tranh thủ đầu tư

Thực hiện NQ 15 của HĐND tỉnh, UBND tỉnh Khánh Hòa đã xây dựng phương án thực hiện Chương trình KCHKM giai đoạn 2009 - 2011 với mục tiêu: đến năm 2011, hoàn thành cơ bản việc KCHKM cấp II và III trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tổng nguồn vốn thực hiện trong 3 năm hơn 612 tỷ đồng (giải quyết gần 670km chiều dài). Trong đó, kênh cấp II do các công ty khai thác công trình thủy lợi quản lý gần 329 tỷ đồng (130km chiều dài); kênh cấp III do các địa phương quản lý là hơn 283 tỷ đồng (gần 540km chiều dài). Vốn xác định trên cơ sở vốn xây dựng cơ bản tập trung hàng năm, vốn vay ưu đãi của Chính phủ và vốn vay có lãi để đầu tư công trình.

Nhiều nhà thầu ứng vốn thi công trước đang khó khăn khi vốn vay bị ách tắc.

NQ 15 là động lực để các đơn vị quản lý thủy lợi và các địa phương hoàn thiện Chương trình KCHKM được đặt ra từ những năm 2000. Với việc hỗ trợ gần như toàn bộ vốn đầu tư, các địa phương đã triển khai rất nhanh theo phương thức “ứng vốn trước, quyết toán sau”. Nhiều nhà thầu hăng hái nhận công trình để thi công. Hơn nữa, việc thi công phải thực hiện tranh thủ giữa 2 vụ lúa nên công việc rất khẩn trương. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), đến tháng 3-2010, rất nhiều kênh cấp II được lập dự án đầu tư và một số đã hoàn thành hồ sơ. Cụ thể: Hệ thống kênh đập sông Cái, huyện Ninh Hòa, kinh phí dự kiến (KPDK) 40 tỷ đồng; hệ thống kênh đập Hòa Huỳnh - Bốn Tổng - Buy ruột ngựa (Ninh Hòa), KPDK 30 tỷ đồng; nâng cấp, sửa chữa hệ thống trạm bơm Cầu Đôi - Suối Dầu (Diên Khánh), KPDK 75 tỷ đồng… Đối với kênh cấp III, kế hoạch (KH) duyệt trong năm 2009 là 120,4km, kinh phí 65,69 tỷ đồng, đã thực hiện 151,9km, kinh phí 86,62 tỷ đồng; năm 2010, KH 218,3km, KPDK 115,69 tỷ đồng… Đến nay, các địa phương đã chủ động lập hồ sơ, đạt hơn 80% khối lượng. Tuy nhiên, nhiều công trình thi công trong năm 2010 đã hoàn thành nhưng đến nay vẫn chưa thể thanh toán cho nhà thầu bởi “tắc” nguồn hỗ trợ của tỉnh. Ông Võ Thành Nhân, Trưởng phòng NN-PTNT Diên Khánh cho biết, theo KH năm 2010, địa phương thực hiện 60km kênh cấp III, kinh phí 36 tỷ đồng. Đến nay, các nhà thầu đã thực hiện khối lượng 14 tỷ đồng, trong đó có phần gối giữa năm 2009 và 2010 là 7 tỷ đồng. Tình hình này gây thiệt thòi nhiều cho các nhà đầu tư vì họ phải trả lãi ngân hàng…

° Vốn vay khó khăn

Đại diện Sở Tài chính cho biết: NQ 15 chỉ rõ, kinh phí đầu tư Chương trình KCHKM và Chương trình giao thông nông thôn (GTNT) toàn tỉnh được thực hiện theo cơ chế vay vốn thông qua Ngân hàng Phát triển (NHPT). Tuy nhiên, việc vay vốn tín dụng ưu đãi từ NHPT vừa qua không thực hiện được. Hiện tỉnh chuyển sang vay vốn Trung ương (Kho bạc Nhà nước). Các địa phương đang triển khai các công trình, nhiều nhà thầu thực hiện ứng vốn trước đang gặp khó khăn do huyện chưa có kinh phí thanh toán vì còn chờ vào nguồn vốn bố trí của tỉnh. Hiện, các công trình KCHKM thi công trong năm 2009 đã thanh toán xong, các công trình thi công năm 2010 tạm thời vướng kinh phí. Tổng kinh phí nợ khối lượng của 2 chương trình (KCHKM và GTNT) lên tới hơn 100 tỷ đồng…

Mới đây, UBND tỉnh đã có thông báo tìm nguồn, tạm thời nợ khối lượng công trình đã thực hiện trong năm 2010; giao các huyện căn cứ vào nhu cầu, tiến hành lập thủ tục đầu tư, kinh phí đến đâu thì thực hiện đến đó. Nguồn vay vốn đang gặp khó khăn nên tỉnh chưa thể bố trí cho các địa phương.

Triển khai Chương trình KCHKM thời gian qua cũng cho thấy, trước đây, khi thực hiện cơ chế “Nhà nước và nhân dân cùng làm” thì số lượng công trình KCHKM có hạn, tiến độ vừa phải, nhưng khi Nhà nước bố trí vốn thì tiến độ xây dựng các công trình “tăng tốc”, nhiều công trình được “đẻ” thêm so với dự kiến ban đầu. Tất nhiên, việc phát sinh thêm các công trình KCHKM cũng nhằm mục đích nâng cao hiệu quả tưới tiêu của các công trình thủy lợi, nhưng nên cạnh đó cũng có thể thấy, để hoàn thiện Chương trình KCHKM cần có nguồn lực tập trung từ phía Nhà nước, huy động sức dân chỉ mang tính phụ trợ.

HOÀI AN