03:01, 29/01/2017

Gặp đồng hương ở xứ người

Những ngày cuối năm 2016, được mấy người bạn rủ rê, tôi lần đầu tiên đặt chân đến Malaysia - Singapore. Chuyến đi ngắn ngày, việc tham quan tìm hiểu chỉ ở mức "cưỡi ngựa xem hoa". Ấn tượng về những nơi chúng tôi đến là có rất đông du khách, cả ngoại quốc lẫn dân bản địa.

Những ngày cuối năm 2016, được mấy người bạn rủ rê, tôi lần đầu tiên đặt chân đến Malaysia - Singapore. Chuyến đi ngắn ngày, việc tham quan tìm hiểu chỉ ở mức “cưỡi ngựa xem hoa”. Ấn tượng về những nơi chúng tôi đến là có rất đông du khách, cả ngoại quốc lẫn dân bản địa. Thật thú vị khi đi giữa dòng người nhiều sắc tộc với đủ thứ ngôn ngữ khác nhau ấy, thỉnh thoảng lại nghe một vài câu tiếng Việt vang lên ở đâu đó, khiến mình phải giật thột ngoái nhìn. Nhớ buổi chiều ghé thăm Tháp đôi Petronas - một biểu tượng du lịch của Malaysia. Tháp xây theo lối kiến trúc lấy cảm hứng từ nhà thờ Hồi giáo, cao 452m, gồm 88 tầng, riêng chiếc cầu nối giữa hai tháp nằm trên độ cao 170m và dài 158m. Đang lúc loay hoay tìm góc độ đưa cả hai ngọn tháp vào khuôn hình thì bỗng nghe giọng một ai đó bằng tiếng Việt: “Chú ơi! Phải dùng cái này…”. Ngoảnh lại, nhận ra người vừa nói là một cô gái đang đứng cạnh một chàng trai ngay sau lưng tôi. Cô gái tươi cười gỡ cái thấu kính góc rộng gắn trên điện thoại của cô kẹp sang máy của tôi, để tôi chụp thử. Cô cho biết đã mua cái thấu kính ấy từ mấy tay chụp ảnh dạo đang lảng vảng gần đó. Nhờ cái thấu kính mà hai ngọn tháp thu gọn vào trong khuôn hình một cách dễ dàng… Tôi cảm ơn và chúc mừng hai bạn trẻ khi biết họ vừa từ Việt Nam sang và đang đi hưởng tuần trăng mật!

 

Tacs giả (trái) bên vịnh Marina Bay
Tác giả (trái) bên vịnh Marina Bay


Nhưng hai người trẻ tuổi kia dù sao cũng là dân du lịch. Chỉ đến khi lên cao nguyên Genting ghé thăm khu Casino của Genting Hotel nằm ở độ cao 2.000m so với mặt biển, chúng tôi mới gặp một người Việt Nam đang làm việc tại đây. Anh là Huỳnh Đắc Tiến, trên 30 tuổi, người TP. Hồ Chí Minh sang làm marketing Casino được 3 năm. Tiến là người đầu tiên ra đón chúng tôi, sau đó tháp tùng chủ khách sạn đưa khách đi tham quan Casino. Nghề marketing buộc Tiến giỏi tiếng Anh và cả tiếng dân bản địa (cho dù khi ra đường người Malaysia nào cũng thông thạo tiếng Anh); ngoài ra còn phải hoạt ngôn và biết cách “quyến rũ” khách hàng nữa. Đi làm ăn xa, Tiến gửi lại vợ con cho cha mẹ đẻ ở TP. Hồ Chí Minh…


Lương tháng hơn một ngàn đô một chút, và Tiến vừa lòng với thu nhập của mình. Tháng nào anh cũng về thăm nhà một lần, vì hotel bên này có nhiều dịch vụ phải qua lại với bên ấy. 

   
Cũng đi làm thuê làm mướn như Tiến, nhưng trường hợp của Đỗ Tý bên Singapore có hơi khác. Tý làm việc cho một quán ăn dưới ga tàu điện ngầm gần khu Marina Bay Sands. Sau khi tham quan Resort Casino Marina Bay được thiết kế như một du thuyền nằm trên 3 tòa nhà chọc trời, chúng tôi xuống ăn trưa tại đây và gặp Tý đang chạy bàn. Qua vài câu giao tiếp bằng tiếng Anh, Tý nhận ra đồng hương nên quay sang dùng tiếng Việt một cách vui vẻ. Hai mươi hai tuổi, đã là năm thứ 4 chàng trai quê An Giang này đến Singapore làm việc trong các quán ăn. Chỉ vào tờ catalogue trên mặt bàn, Tý mách nước:


 - “Các món cho người Hồi khẩu vị khác bên Việt Nam mình. Mấy chú chọn món Tây cho dễ ăn”.


- “Không bia bọt gì sao?”


“Mấy hotel lớn thì có. Còn các quán ở đây thì không được phép!”


Hỏi cho biết, chứ kỳ thực từ Malaysia sang đây chúng tôi chưa thấy nơi nào có bán rượu bia. Chẳng bù Việt Nam vốn được tiếng là quốc gia tiêu thụ lượng rượu bia thuộc vào hàng đầu của thế giới! Nhưng Tý không thể ở lại bên chúng tôi được lâu, vì khách góc này góc nọ liên tục réo gọi…


Rất dễ gặp người Việt trên tàu điện ngầm, nhất là ở các ga phải chuyển tuyến. Dù đã cầm bản đồ trên tay, các hướng đi đều có bảng hướng dẫn, nhưng chúng tôi vẫn cứ bị lạc như thường. Những lúc ấy đành níu lưng người nào ở gần mình nhất. Và không ít lần như vậy gặp ngay người Việt. Họ thường là học sinh, sinh viên sang đây học tập. Đối tượng này thường không dư giả, nên cách tốt nhất là chọn tàu điện ngầm để di chuyển. Giá đi tàu điện ngầm ở đây khá rẻ. Tôi mua một cái thẻ lên tàu 5 đô Singapore mà xài cho đến tận ngày về.


Cuối cùng là chuyện một người phụ nữ Việt Nam sang Singapore bán cháo ếch. Trong mấy anh em chúng tôi có một người đã từng ăn cháo ếch của bà một lần cách đây hai năm. Một đêm đã khuya, chúng tôi gọi taxi đi thẳng đến khu Geylang. Mất 20 phút đến nơi, nhưng taxi quần đảo suốt 2-3 dãy phố mà cái tiệm của người phụ nữ Việt ấy vẫn không tìm thấy. Anh bạn bảo rằng tiệm của bà nằm sát vỉa hè, nhỏ thôi, trước cửa tiệm có tấm biển ghi chữ Việt. Những thông tin như vậy càng khiến chúng tôi háo hức đi tìm. Bác tài xế khá nhiệt tình, chỉ phía nào bác cũng đều cho xe chạy tới, thậm chí có lúc còn dừng xe xuống hỏi người đi đường. Nhưng tất cả đều vô vọng… Chúng tôi đành quay về khách sạn, lúc xuống xe mới hay đi taxi ở Singapore không rẻ chút nào, lại thêm giá taxi ban đêm được tính gấp đôi ban ngày!


Dù sao thì cuộc đi tìm hụt người phụ nữ bán cháo ếch cũng để lại trong tôi nhiều bâng khuâng về cuộc mưu sinh của những người Việt ở xứ người. Trừ đôi trai gái đi hưởng tuần trăng mật, còn lại là những người bình dân có sức vóc lấy việc chăm chỉ làm ăn mà đắp đổi cuộc sống của mình. Người Việt sống nhiều nơi trên thế giới, trong đó có những tấm gương thành đạt, trở thành những ông - bà chủ trí tuệ giỏi giang khiến bao kẻ ngưỡng mộ - người như vậy hôm nay tôi chưa gặp.


Cao Duy Thảo