01:01, 28/01/2017

Chuyện lì xì ngày Tết

Trong ký ức tuổi thơ của nhiều người, kỷ niệm về những ngày Tết cổ truyền của dân tộc đơn giản chỉ là niềm vui, niềm háo hức được cùng ba mẹ đi sắm Tết, đi thăm họ hàng và được… lì xì.

Trong ký ức tuổi thơ của nhiều người, kỷ niệm về những ngày Tết cổ truyền của dân tộc đơn giản chỉ là niềm vui, niềm háo hức được cùng ba mẹ đi sắm Tết, đi thăm họ hàng và được… lì xì.


Những ngày ấy, anh em chúng tôi được mẹ diện quần áo đẹp và dẫn tới thăm nhà ông bà nội ngoại và họ hàng. Ai cũng phấp phỏng, háo hức đợi được những người lớn tuổi trong gia đình lì xì để lấy may. Ngày còn sống, bà nội tôi bao giờ cũng cẩn thận chuẩn bị sẵn  tiền lì xì cho từng đứa cháu: “Nội lì xì cho con mau lớn, ngoan ngoãn, học hành thật giỏi…”. Đứa nào đứa nấy khoanh tay vâng dạ và rối rít cảm ơn bà. Ba mẹ và các cô dì, chú bác cũng biếu ông bà những phong bao đỏ thắm để chúc sức khỏe; cũng không quên chuẩn bị một ít tiền để mừng tuổi cho con nhỏ của khách đến chơi nhà. Thời đó, không có nhiều phong bao lì xì bắt mắt như bây giờ, số tiền lì xì cũng chẳng đáng là bao, nhưng lũ trẻ con chúng tôi vui thích lắm. Lúc thì nâng niu, giữ gìn thật cẩn thận, lúc lại hớn hở đem ra khoe với nhau. Vui nhất là sau những ngày Tết được dùng tiền mừng tuổi của mình để mua kẹo, mua sách bút, hay chia sẻ một chút niềm vui của mình với những người thiệt thòi.

 


Trong cuộc sống hiện đại hối hả ngày nay, cách đón Tết và những câu chuyện lì xì cũng ít nhiều thay đổi. Gần Tết, người người đua nhau ra ngân hàng đổi những đồng tiền thật mới để lì xì. Chưa kể có người còn chịu khó săn lùng những tờ tiền nước ngoài, tiền cổ, tiền có seri đẹp…; hay trao nhau những phong bao tự chế; lì xì nhau bằng cách tổ chức trò chơi bốc thăm. Những phong bao lì xì cũng rực rỡ, bắt mắt hơn với đủ kiểu dáng, họa tiết mà ai cũng có thể dễ dàng mua ở siêu thị, nhà sách hay cửa hàng tạp hóa. Bạn bè xa nhau thậm chí còn có thể tự thiết kế những tấm thiệp lì xì ảo và gửi tặng nhau qua mạng. Thế nhưng, vô tình hay hữu ý, đâu đó, chuyện lì xì không biết từ bao giờ đã trở thành gánh nặng, nỗi lo với một số người. Đâu đó, vẫn có người trao và nhận lì xì không còn trong tâm thế vô tư, làm mất đi phần nào ý nghĩa đẹp đẽ vốn có…


Không thể phủ nhận, dù xưa hay nay thì phong tục lì xì đầu năm vẫn là một phần không thể thiếu trong bức tranh ngày Tết, một nét văn hóa đẹp cần được gìn giữ và phát huy. Tuy nhiên, để những đồng tiền lì xì, dù ít hay nhiều được làm đúng vai trò của nó, mỗi người chúng ta cần hiểu đúng ý nghĩa của việc lì xì mà ông bà truyền lại. Đó là gửi gắm lời cầu chúc và hy vọng của người trao dành cho người nhận về một năm mới may mắn, hạnh phúc và bình an.


T.V