03:12, 07/12/2011

Bạo lực học đường: Không phải chuyện nhỏ

 Hiện nay, xã hội xảy ra khá nhiều vụ bạo lực ở học đường. Thỉnh thoảng, trên mạng lại xôn xao chuyện học trò đánh nhau, quay phim rồi tung lên mạng như là một “chiến tích”. Tình trạng này gióng lên hồi chuông báo động về đạo đức của học sinh hiện nay…

Hiện nay, xã hội xảy ra khá nhiều vụ bạo lực ở học đường. Thỉnh thoảng, trên mạng lại xôn xao chuyện học trò đánh nhau, quay phim rồi tung lên mạng như là một “chiến tích”. Tình trạng này gióng lên hồi chuông báo động về đạo đức của học sinh hiện nay…

Chiều, đón con từ cổng trường, con tôi thông báo: “Trường vừa “đuổi học” 20 học sinh đó mẹ”! Tôi hỏi: “Thật à, sao vậy?”. “Tại các bạn đó đánh nhau, một bạn dùng kéo đâm bạn bị thương”. Phụ huynh nào nghe tin này cũng “sốc”, nhất là chuyện ấy lại xảy ra đối với học sinh lớp 3.

Thật ra, chuyện học trò xích mích khi đi học cũng là chuyện bình thường. Chuyện chọc phá, giận dỗi… dẫn đến chuyện đánh nhau chẳng phải là điều gì to tát. Bản thân nhiều người lớn cũng đã từng vướng vào chuyện đánh nhau khi còn đi học. Tuy nhiên thời ấy, những trò đánh nhau chỉ là những phản ứng bình thường của những đứa trẻ chưa hiểu biết. Ấy nhưng bây giờ lại khác. Hành động của những học sinh trong các clip hoàn toàn không thể chấp nhận được. Xem xong, có lẽ ai cũng thấy buồn vì nó phản ánh sự bạo lực và vô cảm của học trò. Khi những clip đánh bạn mới được tung lên mạng, nó đã gây “sốc” cho xã hội và các cơ quan chức năng đã vào cuộc. Nhiều học sinh đã bị xử lý thích đáng. Thế nhưng tình trạng trên không những không chấm dứt mà lại xuất hiện ngày một nhiều, khiến phụ huynh bất an, lo lắng.

Bạo lực học đường không chỉ xảy ra ở bậc trung học mà ngay cả bậc tiểu học. Câu chuyện học sinh lớp 3 dùng kéo đâm bạn vừa kể ở trên là chuyện mới xảy ra tại một trường có tiếng là có môi trường giáo dục tốt ở Nha Trang. Điều đó chứng tỏ vấn đề này đang trở nên nghiêm trọng hơn chúng ta tưởng. Vậy tại sao các em học sinh lại có phản ứng bản năng như vậy, liệu đó chỉ là sự bột phát ngẫu nhiên hay đó là hệ quả từ cách giáo dục, từ sự buông lỏng quản lý của các bậc phụ huynh?

“Nhân chi sơ, tính bản thiện”, con người từ khi sinh ra vốn dĩ đã có tính thiện. Tuy nhiên, để trở thành một người chân chính, mỗi công dân phải thường xuyên và liên tục rèn luyện nhân cách của mình. Sự nóng nảy, giận dữ, bạo lực… có ở bất kỳ cá nhân nào bởi đó thuộc về bản năng, nhưng quan trọng là họ có kiềm chế được những cảm xúc đó hay không. Tuy nhiên, bây giờ trẻ em ít được học về những điều ấy. Khi còn nhỏ, các em đã quen với những cảnh bạo lực trên màn ảnh, thậm chí có người lớn cũng không làm gương cho con em. Chẳng hạn, xảy ra một va quệt ở ngoài đường, nhiều người chưa phân phải trái đã la lối chửi mắng, thậm chí “nói chuyện” với nhau bằng… tay chân! Cách ứng xử của người lớn tác động rất lớn đến nhận thức của con trẻ. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh lại không để ý đến chuyện này.

Trong khi đó, chương trình giáo dục lại quá thiên về kiến thức, sách giáo khoa được biên soạn với nhiều lỗ hổng, thiếu tính sư phạm; chương trình quá tải dẫn đến sự dồn nén, ấm ức không có chỗ giải tỏa. Nhiều phụ huynh khi thấy con em học không được còn trách móc, la mắng và đổ hết lỗi cho con trẻ. Những điều tưởng như nhỏ nhặt ấy cũng góp phần tạo nên sự bất thường trong tính cách của trẻ. Điều đó giải thích tại sao có những học sinh rất ngoan khi học phổ thông nhưng khi rời khỏi sự quản lý của phụ huynh đã sa ngã, trượt dài khi bước chân vào môi trường đại học.

Về phía phụ huynh, gánh nặng mưu sinh đã buộc họ dành nhiều thời gian vào công việc, quỹ thời gian dành cho con rất ít. Sự quan tâm, giáo dục của cha mẹ là nền tảng quan trọng nhất để giúp trẻ phát triển nhân cách lành mạnh. Nhiều người thấy có em học hành giỏi giang thì cho rằng “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”. Điều đó đúng nhưng chưa đủ vì thực ra, chính những gia đình như thế, việc giáo dục con cái được thực hiện chặt chẽ và tuân theo những tiêu chí nhất định, khác với những gia đình khác.

Vấn đề bạo lực học đường đang phản ánh một sự lệch lạc trong giáo dục nhân cách học sinh. Điều cần làm là phải có sự kết hợp đồng bộ cả 3 yếu tố: gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục con trẻ. Trong đó, gia đình là tế bào của xã hội, có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành nhân cách của trẻ em. Chính vì thế, xây dựng nền tảng tốt cho gia đình cũng là xây dựng nền tảng đạo đức cho con trẻ.

THU THỦY