07:04, 13/04/2011

Giá tăng - nỗi khổ của người nghèo!

Khoảng chục năm trở lại đây, mặt bằng giá cả liên tục tăng. Lúc đầu, việc tăng giá chỉ nhằm vào các dịp Tết, nhưng càng về sau, khi Việt Nam đã gia nhập WTO, cứ mỗi khi có biến động gì lớn là giá cả lại tăng vọt,...

Khoảng chục năm trở lại đây, mặt bằng giá cả liên tục tăng. Lúc đầu, việc tăng giá chỉ nhằm vào các dịp Tết, nhưng càng về sau, khi Việt Nam đã gia nhập WTO, cứ mỗi khi có biến động gì lớn là giá cả lại tăng vọt, thậm chí chưa đợi đến khi Nhà nước tăng mức lương cơ bản, giá cả đã leo thang. Giá tăng trong khi thu nhập không tăng, đồng nghĩa thu nhập người dân ngày càng ít hơn, tạo sức ép rất lớn đến các gia đình…

Vợ chồng ông bà Tùng (Tân Lập, Nha Trang) đều là cán bộ hưu trí. Con cái của ông bà sống ở xa và cũng vất vả nên chẳng giúp đỡ cho bố mẹ được bao nhiêu, thậm chí họ còn gửi cháu cho bà ngoại trông. Chi tiêu trong nhà chỉ trông chờ vào lương hưu của ông, vỏn vẹn hơn 3 triệu đồng. Bà cứ xuýt xoa mãi chuyện giá cả theo kiểu: “Hôm nay thịt heo tăng 10 nghìn nữa rồi” hoặc “Rau gì mà 5 nghìn đồng chỉ một nắm thế này?”, “Hồi xưa 100 nghìn còn mua được khối thứ, bây giờ đi một vòng đã hết sạch”. Bà tính chi li: “Lúc trước mỗi ngày đi chợ khoảng 70 nghìn đồng là đủ, còn dư chút ít thì tích cóp đề phòng đau ốm hoặc cho cháu uống thêm sữa. Nay đã tiêu cả 100 nghìn đồng cũng không đủ”.

Vợ chồng anh Quang - chị Dung (Vĩnh Phước, Nha Trang) làm công nhân Nhà máy Dệt, thu nhập 2 người khoảng 5 triệu đồng/tháng. Kể ra từng đó cũng đủ, khổ nỗi anh chị lại có đứa con học tại TP. Hồ Chí Minh, mỗi tháng phải gửi cho con 2 triệu đồng. Còn anh chị và một đứa con học lớp 7 phải chi tiêu trong khoảng 3 triệu đồng còn lại. Chị than vãn: “Bây giờ, ra chợ cái gì cũng tăng giá. Trước Tết đã tăng chưa thấy xuống, nay có đợt tăng giá xăng dầu, các mặt hàng ở chợ cũng tăng thêm một lần nữa. Cá, thịt tăng gần một nửa, rau tăng khoảng 1/3. Thu nhập của 2 vợ chồng vẫn vậy nên chỉ biết gói ghém chứ còn biết làm sao. Thêm nữa, nuôi đứa con học lớp 7 cũng tốn bao nhiêu là tiền, nhiều lúc phải xin trợ cấp của ông bà mới sống nổi. Chúng tôi phải tích trữ các loại hàng khô, mắm để đề phòng giá cả còn tăng hơn”.

Những cặp vợ chồng sống nhờ đồng lương công chức hoặc các gia đình chỉ sống bằng sức lao động phổ thông thì tình hình càng khó khăn hơn. Người nào có nhà ở tạm còn đỡ, chứ trong tình hình giá cả tăng cao mà phải thuê nhà thì khó khăn bộn bề. Chị Nga, là chuyên viên trong một cơ quan hành chính cho biết, lý do chị hay chờ cuối buổi chiều mới đi chợ vì: “Vẫn biết chợ Vĩnh Hiệp họp muộn, thịt cá có khi không còn tươi ngon nhưng giá rẻ. Vợ chồng tôi phải thuê nhà, thu nhập chỉ ở mức trung bình nên trong lúc cái gì cũng tăng giá thì buộc phải vậy. May là chúng tôi còn trẻ, chưa có con cái, ăn gì cũng được nên có bữa chỉ nồi cá kho cũng xong”.

Thật ra, việc tăng giá không phải là điều gì quá bất cập. Kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO, bất kỳ sự biến động tài chính nào trên thế giới đều có thể tác động đến đời sống của người dân, chẳng hạn như việc tăng giá điện, xăng dầu vừa qua là từ sức ép của kinh tế toàn cầu. Giá các nguyên liệu cơ bản tăng thì tất yếu kéo theo giá cả các mặt hàng khác phải tăng. Tuy nhiên, việc tăng giá bán lẻ đôi khi lại không xuất phát từ lý do ấy mà từ tâm lý của người bán hàng. Theo lý thuyết kinh tế, giá cả được quyết định bởi quy luật cung - cầu. Thế nhưng, cho dù hàng hóa ở các chợ đầu mối nhiều, giá không cao hơn bình thường bao nhiêu nhưng vì ham lợi nhuận, người bán lẻ vẫn vô tư đẩy giá lên cao để đánh vào tâm lý người tiêu dùng rằng tăng vì điện, xăng dầu tăng (?). Chẳng hạn như sữa, thực phẩm là những mặt hàng nhạy cảm tăng giá rất nhanh nhưng hàng điện máy, gia dụng, tiêu dùng thì nhiều khi còn hạ… Việc tăng giá vô tội vạ diễn ra ở phạm vi lớn sẽ tạo thành một tâm lý chung và kéo nhiều mặt hàng tăng cao. Để tránh điều này, cần có sự điều tiết của các cơ quan chức năng, nhất là các cơ quan về quản lý thị trường.

Theo tôi, việc tăng giá là biểu hiện của sự lạm phát đang ở mức đáng báo động. Trong thời điểm này, Đảng và Nhà nước đang rất quyết tâm kiềm chế lạm phát là rất đúng. Bởi nếu mức lạm phát gia tăng đồng nghĩa với thu nhập của đại đa số người dân bị giảm xuống, kéo theo chất lượng cuộc sống cũng giảm theo. Thu nhập của người dân mà dành cho thực phẩm chiếm gần hết thì lấy đâu ra tiền cho các nhu cầu khác? Cho nên, ngoài ngăn chặn việc tăng giá vô tội vạ, việc cần làm là các cấp chính quyền cần phải thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo ra nhiều việc làm, cắt giảm những chi tiêu không cần thiết, lãng phí xa hoa ở các cơ quan hành chính. Không thể chi tiêu cả tỷ đồng cho một chương trình chỉ có hiệu quả vài trăm triệu. Các chương trình kinh tế lớn cần phải nhanh chóng hoàn thành việc đầu tư để sớm đi vào hoạt động, tạo ra của cải vật chất. Bên cạnh đó, có biện pháp khuyến khích các ngành kinh tế thu hút được ngoại tệ như xuất khẩu, du lịch.

Dĩ nhiên, chuyện ở tầm vĩ mô thì Trung ương đã có quyết sách, thế nhưng ở cấp địa phương cũng cần nhạy bén đề ra những biện pháp cụ thể phù hợp với đặc điểm địa phương. Có như thế mới nhanh chóng kìm chế được lạm phát, nâng cao mức sống của nhân dân.

QUANG TOÀN