05:03, 13/03/2018

"Tiếng Tổ quốc vọng về từ biển cả"

Cách đây 30 năm, ngày 14-3-1988, 64 người lính Hải quân Việt Nam đã anh dũng hy sinh trong cuộc đấu tranh giữ các đảo: Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. 

Kỳ 1: Hồi ức Gạc Ma


Cách đây 30 năm, ngày 14-3-1988, 64 người lính Hải quân Việt Nam đã anh dũng hy sinh trong cuộc đấu tranh giữ các đảo: Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trang sử bi tráng đó vẫn còn như mới hôm qua. Hình ảnh những người con đất Việt giữ vững lá cờ chủ quyền trước làn đạn của quân thù vẫn còn khắc sâu trong tâm trí bao người.

 

Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ và các chiến sĩ tàu HQ 505 tại Vùng 4 Hải quân năm 1988. (Ảnh: Nguyễn Viết Thái)

Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ và các chiến sĩ tàu HQ 505 tại Vùng 4 Hải quân năm 1988.


Máu các anh tô thắm cờ Tổ quốc…


30 năm đã trôi qua, nhưng ông Lê Hữu Thảo (quê Hà Tĩnh) - tiểu đội trưởng bảo vệ cờ trên đảo Gạc Ma năm 1988 vẫn chưa một phút giây nào quên được những người đồng đội đã chiến đấu anh dũng, kiên cường đến phút cuối cùng để giữ đảo. Ông nhớ lại: Sáng 14-3 năm ấy, khi quân ta đang vận chuyển vật liệu vào đảo, lính Trung Quốc lăm le vũ khí tiến vào đảo yêu cầu quân ta hạ cờ Tổ quốc. Những chiến sĩ của ta lui dần, tạo thành vòng tròn bảo vệ cờ Tổ quốc. Lính Trung Quốc bất ngờ nổ súng vào đầu anh Trần Văn Phương khiến anh gục xuống. Địch xông đến định cướp lá cờ, nhưng các chiến sĩ của ta (phần lớn là lính công binh) vẫn quyết chiến đấu giữ lá cờ chủ quyền. Không ép được bộ đội ta rút lui khỏi đảo, địch đã rút lực lượng rồi cho bắn thẳng vào quân ta trên đảo Gạc Ma. Tàu HQ 604 neo gần đó cũng bị địch bắn chìm.

 

Tấm ảnh duy nhất liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh chụp chung với vợ và con gái.

Tấm ảnh duy nhất liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh chụp chung với vợ và con gái.


Ngày ấy, ông Thảo cùng đồng đội còn rất trẻ, nhưng ai cũng tràn đầy quyết tâm bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Bao nhiêu năm đã qua, ông vẫn nhớ câu nói của liệt sĩ Trần Văn Phương trong thời khắc lịch sử đó: “Thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất đảo, hãy để cho máu mình tô thắm lá cờ của Quân chủng Hải quân anh hùng”.

Khi tiếng súng vang lên ở bãi Gạc Ma, ở phía đảo Cô Lin, địch cũng nổ súng vào tàu HQ 505. Tàu bị trúng đạn, hư hỏng nặng, nhưng thuyền trưởng Vũ Huy Lễ vẫn lệnh cho tàu lao lên đảo Cô Lin. Cả con tàu đã trở thành pháo đài giữ đảo. Cũng trong buổi sáng ấy, Trung Quốc đã cho pháo bắn cấp tập vào tàu HQ 605 khiến tàu bốc cháy dữ dội, một số cán bộ, chiến sĩ bị trúng đạn hy sinh. Thuyền trưởng Lê Lệnh Sơn lệnh cho cán bộ, chiến sĩ nhảy xuống biển, bơi vào đảo Len Đao trụ lại ở đó. Sự kiện đó đã trở thành trang sử bi tráng không thể quên trong cuộc đấu tranh giữ chủ quyền biển đảo quê hương.


Mãi mãi không quên


Một ngày đầu tháng 3, chúng tôi trở lại Cam Ranh tìm gặp thân nhân các liệt sĩ đã hy sinh ở Trường Sa tháng 3-1988. Trong căn nhà nhỏ ở phường Cam Nghĩa, chị Đỗ Thị Hà - vợ liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh (quê ở Hoa Lư, Ninh Bình) cùng con gái đang chuẩn bị làm giỗ cho anh. Ngày anh Doanh mất, con gái mới hơn 1 tuổi, chị đã nén nỗi đau vào lòng, bươn chải nuôi con ăn học đến nơi đến chốn. Thắp nén nhang lên bàn thờ của chồng, chị Hà bùi ngùi: “Sau sự kiện Gạc Ma, anh Hải - người cùng đi trên tàu HQ 604 với anh Doanh đến thăm và có kể rằng, khi địch bắn thẳng vào tàu, anh ấy còn ở trong hầm tàu nên chắc đã bị chìm theo tàu”.

 

Mẹ của liệt sĩ Đào Kim Cương (Hà Tĩnh) ôm lấy di ảnh của con tại Khu tưởng niệm Gạc Ma

Mẹ của liệt sĩ Đào Kim Cương (Hà Tĩnh) ôm lấy di ảnh của con tại Khu tưởng niệm Gạc Ma

 

Trong câu chuyện về người chồng của mình, chị Hà tâm sự, tuy thời gian sống với nhau chỉ gần 2 năm, cuộc sống nghèo khó, nhưng vợ chồng chị rất hạnh phúc. “Tôi yêu anh Doanh là do anh Trần Văn Phương mai mối. Cả nhà xem anh Phương như người thân. Ngày chuẩn bị lên tàu ra đảo, anh Phương còn đến nhà má tôi ăn cơm... Không ngờ, chỉ tuần sau, cả nhà nghe tin anh Phương và anh Doanh hy sinh ở Trường Sa”, chị Hà rưng rưng nước mắt khi nhắc lại chuyện cũ. Cho đến bây giờ, chị vẫn nhớ những lần cùng anh và bạn đi bộ mấy cây số từ Mỹ Ca vào Cam Phúc Bắc để xem phim; rồi chuyện đám cưới giản dị mà đầm ấm. “Gia đình anh ở xa nên không vào dự đám cưới được. Cưới xong, vì khó khăn nên anh chỉ về quê một mình. Năm 1988, dự định ăn Tết xong cả nhà sẽ về thăm quê anh, nhưng rồi anh nhận lệnh đi Trường Sa gấp nên đành hoãn lại. Cho đến lúc anh mất, tôi vẫn chưa một lần được về thăm quê chồng...”, chị kể.


Ngày anh hùng, liệt sĩ Trần Văn Phương hy sinh, chị Trần Thị Thủy - con gái anh (đang sống ở Cam Ranh) vẫn còn nằm trong bụng mẹ. Những gì chị biết về cha đều qua lời kể của bà và ký ức đầy nước mắt của mẹ, với vài tấm ảnh còn lại. “Năm 1992, khi hài cốt của cha được chuyển từ Trường Sa về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ ở quê nhà, bà và mẹ tôi cứ khóc ngất lên ngất xuống. Lúc đó, tôi chưa biết gì nhưng thấy vậy cũng khóc theo”, chị Thủy kể. Lớn lên chút nữa, chị Thủy mới cảm nhận được mình mất cha. Năm 2009, sau khi tốt nghiệp đại học, chị lặn lội từ Quảng Bình vào Lữ đoàn 146 (Vùng 4 Hải quân) xin làm một việc gì đó ở Trường Sa, để tiếp nối con đường mà cha đã đi và đã được nhận vào làm công tác văn thư bảo mật ở đây.

 

Người thân của liệt sĩ Nguyễn Xuân Thủy (Nam Định) thăm khu tưởng niệm Gạc Ma

Người thân của liệt sĩ Nguyễn Xuân Thủy (Nam Định) thăm khu tưởng niệm Gạc Ma


Năm 2010, chị Thủy đã được đến vùng biển Cô Lin để nhìn tận mắt nơi cha mình ngã xuống khi bảo vệ cờ Tổ quốc trên bãi Gạc Ma. Đã nhiều lần dự lễ tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh ở vùng biển Trường Sa, nhưng chưa bao giờ chị thấy thiêng liêng đến thế. “Trong nghi ngút khói hương, tôi hướng mắt về phía Gạc Ma mà như thấy gương mặt cha mình ở đó. Kết thúc lễ, tôi gọi điện thoại kể cho mẹ và cả 2 mẹ con cùng khóc”, chị xúc động hồi tưởng. Bao nhiêu năm đã qua, dù sống ở đâu chị Thủy vẫn luôn mang theo mình bức ảnh của người cha, bởi chị tin ông sẽ luôn phù hộ cho chị.

 

Đầu năm 1988, Trung Quốc cho quân chiếm các đảo: Châu Viên, Chữ Thập, Ga Ven, Huy Gơ, Xu Bi, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Nhận định Trung Quốc có ý đồ chiếm thêm các đảo: Cô Lin, Len Đao và Gạc Ma, quân ta đã điều lực lượng ra giữ đảo. Thế nhưng, bất chấp tất cả, Trung Quốc đã dùng pháo bắn vào các tàu: HQ 505, HQ 604, HQ 605, bắn vào những người đang giữ cờ trên bãi Gạc Ma để quyết chiếm đảo. Trong cuộc chiến đấu ấy, 64 người lính hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh, 2 tàu HQ 605 và HQ 604 bị bắn chìm. Tàu HQ 505 bị bắn cháy phần đuôi đã lao hết tốc lực lên đảo Cô Lin, trở thành cột mốc sống bảo vệ chủ quyền biển đảo. Việt Nam đã giữ được Cô Lin, Len Đao, còn Gạc Ma bị Trung Quốc chiếm trái phép từ đó.

Trong căn nhà nhỏ ở thôn Phú Hữu, xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa, cha mẹ của liệt sĩ Võ Đình Tuấn vẫn ngày ngày hướng mắt về phía biển để tưởng vọng vong linh của con. Tuy còn mấy ngày nữa mới đến ngày giỗ của anh và đồng đội nhưng mọi thứ đã được chuẩn bị tươm tất. Giỏ quà của Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân cũng đã được gia đình đặt trang trọng trước di ảnh của liệt sĩ Tuấn. Trong ánh mắt mờ đục, cụ Võ Ta (cha của liệt sĩ Tuấn) cứ nhìn trân trân vào tấm ảnh đen trắng của con. Đã nhiều lần gặp cụ, nhưng dường như lần nào nhắc đến anh Tuấn, cụ cũng nghẹn lên sau những hồi tưởng về con trai. “Tuấn là đứa học giỏi nhất nhà, đã vậy luôn chịu thương chịu khó, sau buổi đi học về là làm thuê, làm mướn phụ giúp ba mẹ. Khi nhập ngũ, Tuấn đã có người yêu đang học ở Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang, hai đứa thương nhau lắm...”, nói đến đây, giọng cụ chợt chùng lại, ánh mắt nhìn ra cửa, hướng về phía xa xăm.


Nhắc đến người con trai đã hy sinh, cụ Phan Thị Đay (mẹ liệt sĩ Tuấn) không cầm được nước mắt vì nhớ thương. 30 năm đã qua, nhưng hình ảnh về ngày anh về thăm nhà trước khi ra đảo Gạc Ma, cụ Đay vẫn nhớ như in. “Cuối năm 1987, Tuấn về thăm gia đình. Khi về, nó mua quần áo cho 2 em, mua cho má đôi dép. Nó hẹn năm sau sẽ về. Vậy mà...”, cụ Đay rưng rưng. Kể từ ngày liệt sĩ Tuấn mất đến nay, năm nào đến ngày giỗ của anh, gia đình cũng ra biển khấn vọng với mong muốn ở ngoài sóng nước trùng khơi, hồn cốt con được yên nghỉ.


Trong câu chuyện về các liệt sĩ hy sinh ở Trường Sa năm 1988, thân nhân các liệt sĩ đều rất vui mừng khi Khu tưởng niệm Gạc Ma được xây dựng. Mỗi ngày lễ, Tết hay đến ngày 14-3, gia đình đều đến thắp hương ở khu tưởng niệm này. “Các anh đã nằm lại ở biển khơi, không một nấm mồ. Thế nên, có khu tưởng niệm Gạc Ma, tôi nghĩ giống như mộ anh đang nằm ở đó. Vì thế, cứ lễ, Tết, tôi lại đến thắp hương cho anh và đồng đội”, chị Hà bày tỏ!


XUÂN THÀNH - ĐÌNH LÂM

 


Kỳ 2: Phía sau trang sử hào hùng