11:07, 16/07/2018

Sẽ được đào tạo nghề theo công nghệ của Na Uy

Phần lớn lao động nuôi trồng thủy sản trên biển ở Khánh Hòa lâu nay chủ yếu theo kiểu cha truyền con nối, học hỏi lẫn nhau. Sắp tới đây, họ sẽ được đào tạo theo công nghệ nuôi trồng thủy sản tiên tiến nhất mà Na Uy đang áp dụng.

Phần lớn lao động nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên biển ở Khánh Hòa lâu nay chủ yếu theo kiểu cha truyền con nối, học hỏi lẫn nhau. Sắp tới đây, họ sẽ được đào tạo theo công nghệ NTTS tiên tiến nhất mà Na Uy đang áp dụng.


Phần lớn chưa qua đào tạo nghề


Ông Lê Văn Hùng (phường Cam Thuận, TP. Cam Ranh) làm nghề nuôi cá bớp lồng trên biển đã hơn 30 năm. Ông Hùng cho biết: “Tôi biết nghề nuôi cá biển từ nhỏ do bố mẹ truyền lại và chưa qua bất kỳ khóa đào tạo nào. Từ quá trình nuôi thực tế, học hỏi qua bạn bè là kinh nghiệm chính để chúng tôi bám nghề. Tuy nhiên, giờ đây, nghề NTTS gặp khó khăn do môi trường ngày càng ô nhiễm làm phát sinh nhiều dịch bệnh khiến nhiều phen gia đình thua lỗ vì cá chết. Nhiều lần tôi tính bỏ nghề, nhưng không biết phải làm gì khác nên đành vay mượn để tiếp tục thả nuôi. Nếu địa phương mở lớp đào tạo nghề nuôi cá, tôi sẽ đăng ký theo học để có thêm kiến thức”.

 

Lao động nuôi trồng thủy sản hầu như chưa được đào tạo nghề.

Lao động nuôi trồng thủy sản hầu như chưa được đào tạo nghề.


Tương tự, ông Huỳnh Văn Tánh (xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh) đến với nghề nuôi tôm hùm lồng đã gần 10 năm và cũng chưa qua khóa đào tạo nào. “Trước đây, tôi đi làm thuê cho các chủ lồng bè nuôi tôm. Cũng từ đó mà học hỏi được kinh nghiệm rồi vay vốn ngân hàng và bạn bè làm bè nuôi tôm. Do kỹ thuật nuôi hạn chế nên lợi nhuận chưa cao. Chúng tôi cũng rất muốn được đào tạo nghề nuôi tôm hùm chuyên sâu để có thêm nhiều kiến thức áp dụng vào NTTS”, ông Tánh chia sẻ.  


Theo khảo sát của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện nay, toàn tỉnh có hơn 82.900 lao động làm nghề NTTS trên biển và gần 90,22% số lao động này chưa qua đào tạo nghề. Phần lớn lao động nghề NTTS chủ yếu theo kiểu cha truyền con nối. Tuy giỏi nghề truyền thống, nhưng không biết áp dụng kỹ thuật, công nghệ nuôi trồng mới, tiên tiến nên năng suất, sản lượng chưa cao.


Hợp tác đào tạo


Ông Văn Đình Tri - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, để từng bước nâng cao trình độ, tay nghề, kỹ thuật cho lực lượng lao động nghề NTTS trên địa bàn tỉnh, sở đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh TP. Hồ Chí Minh triển khai chương trình nâng cao chất lượng đào tạo nghề ngành NTTS. Theo đó, VCCI chi nhánh TP. Hồ Chí Minh sẽ liên kết với Liên đoàn giới chủ Na Uy (NHO) chuyển giao chương trình đào tạo nghề NTTS; hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực thủy sản; đào tạo, bồi dưỡng trình độ, chuyên môn, kỹ thuật cho đội ngũ giáo viên và người lao động trong lĩnh vực NTTS theo công nghệ mới. Mục tiêu đặt ra đến năm 2020, giải quyết việc làm cho hơn 85.000 lao động thủy sản, trong đó hơn 60% được đào tạo nghề; đến năm 2025 giải quyết việc làm cho hơn 88.000 lao động thủy sản, trong đó có hơn 70% được đào tạo nghề; đến năm 2035, giải quyết việc làm cho hơn 95.000 lao động thủy sản, trong đó có 80% được đào tạo nghề. “Sự hỗ trợ này là rất cần thiết trong điều kiện thực tế hiện nay nghề NTTS ở tỉnh ta chưa phát huy hết tiềm năng. Thông qua hợp tác, sẽ từng bước đào tạo, nâng cao tay nghề cho lao động NTTS”, ông Tri cho hay.


Ông Kurl Nilssen - Chuyên gia cấp cao về đào tạo nghề của NHO cho biết: “Chúng tôi sẽ hỗ trợ, chuyển giao chương trình đào tạo, công nghệ tiên tiến nhất hiện nay mà Na Uy đang áp dụng NTTS. Mong rằng, sự hỗ trợ này sẽ giúp người dân sớm được tiếp cận kiến thức, kỹ thuật, công nghệ mới áp dụng vào NTTS, mang lại năng suất cao, bảo vệ môi trường và thích ứng với thời tiết, thiên tai”.


VĂN GIANG