11:08, 02/08/2022

Tăng thuế góp phần giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá

Kết quả đánh giá của Bộ Y tế năm 2020 cho thấy đã có sự chuyển biến rõ rệt trong hành vi của công chức, viên chức, người lao động và người dân về việc hút thuốc lá. Tại nơi làm việc hầu như không còn tình trạng cán bộ, công chức hút thuốc trong phòng họp, phòng làm việc; giảm và không còn mời, ép buộc sử dụng thuốc lá, tặng quà, biếu thuốc lá trong các dịp lễ, Tết, đám cưới, đám hiếu...

Kết quả đánh giá của Bộ Y tế năm 2020 cho thấy đã có sự chuyển biến rõ rệt trong hành vi của công chức, viên chức, người lao động và người dân về việc hút thuốc lá. Tại nơi làm việc hầu như không còn tình trạng cán bộ, công chức hút thuốc trong phòng họp, phòng làm việc; giảm và không còn mời, ép buộc sử dụng thuốc lá, tặng quà, biếu thuốc lá trong các dịp lễ, Tết, đám cưới, đám hiếu...


Kết quả điều tra tỷ lệ hút thuốc lá chung cho cả nam và nữ tại Việt Nam năm 2015 là 22,5%, đến năm 2020 tỷ lệ này giảm còn 21,7%. Trong đó, tỷ lệ nam giới hút thuốc lá từ 45,3% giảm còn 42,3%; tỷ lệ nữ giới hút thuốc lá từ 1,1% tăng lên 1,7%.

 

 Tăng thuế thuốc lá góp phần giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá.

Tăng thuế thuốc lá góp phần giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá.


Theo các bằng chứng tổng hợp của Tổ chức Y tế thế giới, (WHO), việc tăng thuế và giá thuốc lá là biện pháp hiệu quả nhất để giảm sử dụng thuốc lá. Tăng thuế để giá bán thuốc lá tăng 10% thì sẽ làm giảm tiêu thụ khoảng 4 - 5%. Khi so sánh các biện pháp kiểm soát hiệu quả thuốc lá do WHO khuyến cáo, biện pháp tăng thuế thuốc lá có thể đóng góp 50 - 60% trong việc làm giảm hút thuốc, phần còn lại là tác động từ các biện pháp khác, bao gồm thực thi môi trường không khói thuốc, in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh, truyền thông về tác hại thuốc lá, cấm quảng cáo thuốc lá và hỗ trợ cai nghiện thuốc lá. Vì vậy, tăng thuế thuốc lá là giải pháp quan trọng hàng đầu để giúp các quốc gia giảm được tỷ lệ sử dụng thuốc lá, đặc biệt trong thanh thiếu niên.


Năm 2012, Quốc hội đã ban hành Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) với mục tiêu giảm nhu cầu sử dụng, tiến tới giảm cung cấp các sản phẩm thuốc lá nhằm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do sử dụng thuốc lá gây ra. Theo chiến lược Quốc gia PCTHTL giai đoạn 2013-2020, xây dựng lộ trình điều chỉnh thuế và quy định mức giá bán tối thiểu các sản phẩm thuốc lá cần bảo đảm mục tiêu không tăng và tiến tới giảm dần sức mua các sản phẩm thuốc lá; áp dụng các biện pháp phù hợp để hạn chế và kiểm soát chặt chẽ việc bán các sản phẩm thuốc lá tại các cửa hàng miễn thuế. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2014 quy định: Mặt hàng thuốc lá chịu mức thuế tiêu thụ đặc biệt là 65%; tăng lên 70% từ ngày 1-1-2016 và 75% từ ngày 1-1-2019 (tính trên giá xuất xưởng). Ngày 25-10-2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 20 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã khẳng định: “Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các hàng hóa có hại cho sức khỏe như đồ uống có cồn, có ga, thuốc lá để hạn chế tiêu dùng”.


Một thực tế là giá thuốc lá ở Việt Nam thấp nhất trên thế giới. Nguyên nhân là do thuế thuốc lá của Việt Nam đang rất thấp. Theo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi năm 2014, hiện nay, Việt Nam đang áp dụng tính thuế suất tiêu thụ đặc biệt theo tỷ lệ là 75% và giá tính thuế là giá xuất xưởng. Tỷ lệ thuế thuốc lá tính theo giá bán lẻ (bao gồm tiêu thụ đặc biệt và giá trị gia tăng) chỉ chiếm 38,8% (năm 2020), thấp hơn so với trung bình của các quốc gia có thu nhập trung bình (59%), bằng một nửa của hầu hết các nước ASEAN (Thái Lan 78,6%, Singapore 67,1%, Indonesia 62,3%). Tổ chức Y tế Thế giới và Ngân hàng Thế giới đã khuyến cáo tỷ trọng thuế thuốc lá trên giá bán lẻ phải đạt 75% mới đảm bảo mức thuế tối ưu để kiểm soát sử dụng sản phẩm độc hại này.


Bộ Y tế đánh giá, tác động tăng thuế giai đoạn 2015-2020 nhưng giá thuốc lá vẫn ngày càng rẻ đi so với thu nhập, có tác động rất ít tới tỷ lệ hút thuốc và không thể đạt mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc. Với hai lần tăng thuế thì tỷ lệ sử dụng thuốc lá của nam giới giảm từ 45,3% (năm 2015) xuống 42,8% (năm 2020), không đạt mục tiêu giảm còn 39% đã được đề ra trong Chiến lược PCTHTL đến năm 2020. Do vậy, Bộ Y tế đề xuất, thời gian tới, tiếp tục áp dụng những giải pháp giảm nguồn cung cấp các sản phẩm thuốc lá, trong đó có giải pháp quan trọng là tăng cường các biện pháp quản lý sản xuất, kinh doanh thuốc lá, phòng, chống thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả, tăng giá, tăng thuế thuốc lá.


Đặng Hồng Hoa
(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)