10:05, 16/05/2022

Bệnh đục thủy tinh thể: Ngày càng tăng ở người trẻ

Nếu như trước kia, đục thủy tinh thể thường là bệnh của người già thì hiện nay, người bị đục thủy tinh thể có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Thống kê cho thấy, số người trẻ mắc bệnh đục thủy tinh thể chiếm khoảng 30% số bệnh nhân.

Nếu như trước kia, đục thủy tinh thể thường là bệnh của người già thì hiện nay, người bị đục thủy tinh thể có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Thống kê cho thấy, số người trẻ mắc bệnh đục thủy tinh thể chiếm khoảng 30% số bệnh nhân.


Do nhiều nguyên nhân


Những năm gần đây, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Mắt Sài Gòn Nha Trang tiếp nhận nhiều bệnh nhân trẻ tuổi (từ 40 tuổi trở xuống) mắc bệnh đục thủy tinh thể (hay còn gọi là cườm khô). Bình quân 1 tháng, mỗi bệnh viện khám và điều trị khoảng 200 - 300 ca đục thủy tinh thể ở người trẻ, trong đó có bệnh nhân chỉ mới 16 tuổi.

 

Khám mắt cho bệnh nhân tại Bệnh viện Mắt Sài Gòn Nha Trang.

Khám mắt cho bệnh nhân tại Bệnh viện Mắt Sài Gòn Nha Trang.


Trường hợp của anh Hồ Tây N. (36 tuổi, phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa), trước Tết Nguyên đán, anh thấy mắt có dấu hiệu mờ như có màng sương trước mắt, tình trạng ngày càng nặng. Do bận công việc, cuối tháng 4, bệnh nhân N. mới tới Bệnh viện Mắt Sài Gòn Nha Trang khám và được chẩn đoán bị đục thủy tinh thể. Sau khi được phẫu thuật đặt thủy tinh thể nhân tạo đa tiêu cự, mắt bệnh nhân N. nhìn thấy rõ trở lại.


Bệnh nhân Nguyễn Viết X. (35 tuổi, phường Phước Hòa, TP. Nha Trang) cũng xuất hiện tình trạng mắt mờ dần. Khi lên mạng tra cứu và tìm hiểu, thấy các triệu chứng của mình giống như bệnh đục thủy tinh thể, bệnh nhân X. tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh để khám và được phẫu thuật bằng phương pháp phaco. Ngay sau phẫu thuật, mắt bệnh nhân X. đã nhìn rõ.


Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Nam Trung - Giám đốc điều hành Bệnh viện Mắt Sài Gòn Nha Trang cho biết, nguyên nhân dẫn đến bệnh đục thủy tinh thể thường gặp ở người trẻ tuổi bởi những thói quen thường ngày như: Sử dụng điện thoại, máy tính liên tục; thức khuya, căng thẳng quá mức khiến mắt không có thời gian nghỉ ngơi; làm việc nhiều trong môi trường ô nhiễm, khói bụi mà không đeo kính bảo vệ mắt. Bên cạnh đó, nguyên nhân còn do chế độ ăn uống mất cân bằng, thiếu hụt chất chống oxy hóa và dưỡng chất cho mắt; ăn quá nhiều thực phẩm chế biến sẵn, nhiều đường, dầu mỡ, chất phụ gia bảo quản; lạm dụng các chất kích thích như: rượu, bia, cà phê, thuốc lá… Mặt khác, trong gia đình có bố, mẹ hoặc anh, chị, em ruột có tiền sử mắc bệnh đục thủy tinh thể, hoặc người mắc bệnh đục thủy tinh thể bẩm sinh. Ngoài ra, bệnh đái tháo đường, tật khúc xạ, bệnh tăng nhãn áp cũng là nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ người trẻ mắc đục thủy tinh thể.


Đã có phương pháp điều trị hữu hiệu

 

Theo Tổ chức Y tế thế giới, bệnh đục thủy tinh thể là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa. Theo thống kê, hiện nay trên toàn thế giới có hơn 50 triệu người có thị lực dưới 2/10 do đục thủy tinh thể. Hàng năm, có thêm khoảng 20 triệu người mất thị lực vĩnh viễn do đục thủy tinh thể.

Theo bác sĩ Nguyễn Nam Trung, việc người trẻ bị đục thủy tinh thể sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống, sinh hoạt. Không riêng với người lớn tuổi, bệnh đục thủy tinh thể ở người trẻ nếu không phát hiện, điều trị sớm sẽ tiến triển nặng dần qua thời gian và hậu quả nghiêm trọng nhất là dẫn đến mù lòa. Hiện nay, phương pháp điều trị hữu hiệu bệnh đục thủy tinh thể bằng phẫu thuật phaco, quá trình phẫu thuật nhanh chóng và phục hồi nhanh. Nếu như trước đây, chỉ có kính đơn tiêu để thay thế thủy tinh thể cho người bệnh thì hiện nay đã có kính đa tiêu. Loại kính này có thể giúp người bệnh giảm sự phụ thuộc vào kính gọng, cải thiện được cả tầm nhìn xa và gần - điều mà kính đơn tiêu không thể làm được. “Bệnh đục thủy tinh thể nếu hiểu rõ nguyên nhân và điều trị đúng phương pháp, người trẻ hoàn toàn có thể kiểm soát tốt bệnh và cải thiện thị lực hiệu quả”, bác sĩ Trung khẳng định.


Thủy tinh thể có vai trò như một thấu kính hội tụ giúp ánh sáng sau khi đi qua võng mạc được hội tụ đúng giác mạc. Ngoài nhiệm vụ hội tụ ánh sáng, thủy tinh thể còn có nhiệm vụ điều tiết (phồng lên hay xẹp xuống) giúp mắt nhìn xa hoặc nhìn gần rõ nét. Dưới tác động của môi trường như: tia cực tím, các chất độc hại… khiến protein trong thủy tinh thể bị kết tủa hoặc thay đổi trật tự cấu trúc, từ đó co cụm lại hình thành những vùng đục, cản trở, uốn cong ánh sáng khiến hình ảnh không hội tụ đúng được trên võng mạc. Điều nguy hiểm là bệnh đục thủy tinh thể không hề có triệu chứng rõ ràng, chỉ đến khi bệnh quá nặng, suy giảm thị lực nghiêm trọng thì người bệnh mới đi khám. Vì thế, khi gặp những triệu chứng nhìn mờ như trong sương, ban đêm thấy đèn có quầng sáng bao quanh, khó phân biệt màu sắc…, người bệnh nên đến khám ngay tại các bệnh viện mắt uy tín. Đồng thời, xây dựng lối sống lành mạnh và sinh hoạt khoa học; thăm khám mắt định kỳ.


C.ĐAN