11:12, 05/12/2021

Ung thư tuyến tiền liệt - Những điều cần quan tâm

Theo ghi nhận của Tổ chức Y tế thế giới, ung thư tuyến tiền liệt là một trong những loại ung thư thường gặp ở nam giới. Hàng năm, thế giới ghi nhận khoảng 1,1 triệu ca, chiếm 15% trong số các loại ung thư ở nam giới.

Theo ghi nhận của Tổ chức Y tế thế giới, ung thư tuyến tiền liệt là một trong những loại ung thư thường gặp ở nam giới. Hàng năm, thế giới ghi nhận khoảng 1,1 triệu ca, chiếm 15% trong số các loại ung thư ở nam giới.


Những người có yếu tố nguy cơ cao


Theo Bộ Y tế, tại Việt Nam, năm 2012, tỷ lệ mắc ung thư tuyến tiền liệt là 3,4/100.000 dân và tỷ lệ tử vong là 2,5/100.000 dân, tức là có khoảng gần 1.300 trường hợp mắc mới và hơn 850 trường hợp tử vong. Năm 2018, ung thư tuyến tiền liệt đứng hàng thứ 6 trong các ung thư ở nam giới với 301.000 ca mắc mới và hơn 120.000 ca tử vong.

 

Người cao tuổi có nguy cơ cao bị ung thư tuyến tiền liệt. Ảnh minh họa

Người cao tuổi có nguy cơ cao bị ung thư tuyến tiền liệt. Ảnh minh họa


Theo bác sĩ Tôn Thất Toàn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tuyến tiền liệt là một cơ quan của nam giới, vị trí nằm ngay phía dưới cổ bàng quang, nơi bắt đầu niệu đạo. Tuyến tiền liệt góp phần sản sinh ra tinh dịch. Khi tuyến tiền liệt phát triển lớn sẽ gây triệu chứng bế tắc đường tiểu, lúc này gọi là phì đại tuyến tiền liệt, đôi khi dẫn đến ung thư tuyến tiền liệt. Ung thư tuyến tiền liệt vẫn đang là một gánh nặng bệnh tật trên thế giới. Hiện nay, nhiều người vẫn chưa quan tâm đúng mức tình trạng ung thư tuyến tiền liệt, đa phần các trường hợp đến bệnh viện ở giai đoạn muộn nên tỷ lệ tử vong còn cao.


Những người có yếu tố nguy cơ cao ung thư tuyến tiền liệt: Tuổi càng cao càng dễ bị ung thư tuyến tiền liệt; trong gia đình đã có người mắc bệnh; người có điều kiện làm việc tiếp xúc nhiều với chất phóng xạ; ăn nhiều thịt động vật được nấu ở nhiệt độ cao hoặc nướng trên lửa sinh ra những chất gây ung thư; người bị phì đại tuyến tiền liệt. Bác sĩ Tôn Thất Toàn cho biết: “Nhiều trường hợp ung thư tuyến tiền liệt không có triệu chứng lâm sàng, có trường hợp được phát hiện do tình cờ. Việc phát hiện bệnh thông thường là do người bệnh bị rối loạn tiểu tiện, các dấu hiệu u lan tỏa đã có di căn nên đi khám bệnh. Triệu chứng thường gặp là tiểu khó, tia tiểu nhỏ; tiểu nhiều lần mức độ khác nhau, tùy theo sự kích thích, cảm giác tiểu không hết do có nước tiểu dư trong bàng quang; tiểu không tự chủ, bí tiểu cấp. Ở giai đoạn muộn, khối u thường nhiều ổ, lan tỏa xâm lấn bao xơ và di căn có thể gây ra những rối loạn toàn thân, người bệnh suy sụp cuối cùng là tử vong. Khi bệnh ở giai đoạn tiến triển, các dấu hiệu thường gặp là đau xương, đau tầng sinh môn, phù nề chi dưới, xuất tinh ra máu. Người bệnh có thể đến bệnh viện trong tình trạng suy thận, biểu hiện gầy, sút cân, phù nề, xanh nhợt, thiếu máu”.


Khám sàng lọc ung thư để phát hiện sớm


Bác sĩ Tôn Thất Toàn cho biết, sau khi đã chẩn đoán bệnh xác định, điều trị ung thư tuyến tiền liệt sẽ dựa vào các yếu tố chẩn đoán; đánh giá trước điều trị; ước tính thời gian sống thêm; phân nhóm nguy cơ; lên kế hoạch mục tiêu điều trị cụ thể cho từng người bệnh về chỉ định can thiệp phẫu thuật, xạ trị chiếu ngoài vùng chậu, xạ trị khu trú vào tuyến tiền liệt, sử dụng liệu pháp ức chế androgen trong điều trị ung thư tuyến tiền liệt di căn, hóa trị, thuốc chống hủy xương, điều trị miễn dịch… Vì thế, thời gian này, người bệnh cần được chăm sóc, động viên tinh thần giúp cho người bệnh vượt qua lo lắng, sợ hãi. Nếu bệnh phát hiện giai đoạn sớm, được phẫu thuật tốt, cắt bỏ khối u rộng thì tỷ lệ sống của người bệnh sau phẫu thuật hơn 90%.


Như vậy, nam giới lớn tuổi có yếu tố nguy cơ của ung thư tuyến tiền liệt, có rối loạn tiểu tiện cần đi khám sàng lọc để phát hiện sớm bệnh. Ở giai đoạn sớm ung thư tuyến tiền liệt được điều trị bằng phẫu thuật, xạ trị; nếu không có chỉ định phẫu thuật sẽ điều trị nội tiết theo kế hoạch điều trị của từng tình trạng bệnh nhân. Hiện nay, có liệu pháp miễn dịch tế bào tự thân; liệu pháp ức chế kiểm soát miễn dịch giúp giải phóng tế bào miễn dịch để thực hiện nhiệm vụ tiêu diệt tế bào ung thư được nghiên cứu để phát triển thêm trong phương pháp điều trị cho người bệnh. Việc khám sàng lọc ung thư là phương pháp kiểm tra chủ động, nhằm phát hiện bệnh. Khi phát hiện sớm thì việc điều trị thường đơn giản hơn rất nhiều so với bệnh nhân đã ở vào giai đoạn muộn.


NGUYỄN THỊ QUẾ LÂM
(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa)