09:04, 05/04/2021

Trẻ mắc bệnh tay chân miệng gia tăng

Từ giữa tháng 3 đến nay, số ca mắc bệnh tay chân miệng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có dấu hiệu gia tăng. Đây lại là bước chu kỳ của đỉnh dịch nên bệnh có khả năng lây lan nhanh, diễn biến phức tạp…

 

Từ giữa tháng 3 đến nay, số ca mắc bệnh tay chân miệng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có dấu hiệu gia tăng. Đây lại là bước chu kỳ của đỉnh dịch nên bệnh có khả năng lây lan nhanh, diễn biến phức tạp…


Trẻ nhập viện tăng cao


Những ngày này, tại Khoa Truyền nhiễm - HIV Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới tỉnh, số trẻ nhập viện do mắc bệnh tay chân miệng khá đông. Nếu tháng 1, 2, bình quân mỗi ngày khoa tiếp nhận 3 - 4 ca thì từ giữa tháng 3 đến nay, số ca nhập viện tăng từ 10 đến 20 ca. Theo số liệu của BV, trong tháng 2, BV ghi nhận 44 ca tay chân miệng, đến tháng 3 tăng lên 98 ca.

 

Trẻ mắc bệnh tay chân miệng đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh.

Trẻ mắc bệnh tay chân miệng đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh.


Trẻ mắc tay chân miệng điều trị tại BV chủ yếu dưới 5 tuổi. Chị Nguyễn Thị Diệu Hương (xã Suối Tiên, huyện Diên Khánh) có con điều trị tại BV cho biết: “Bé bị mắc tay chân miệng 3 ngày trước nhưng không rõ nguồn lây vì chỉ mới 8 tháng tuổi, chưa đi học, được chăm sóc ở nhà”. Anh Trần Nguyện (phường Phước Hòa, TP. Nha Trang) chia sẻ, 4 ngày trước, con anh đi học về có triệu chứng bệnh tay chân miệng nên gia đình đưa cháu đi khám và nhập viện điều trị. Hiện nay, vết lở ở miệng của cháu đã lành. Gia đình cũng không biết cháu lây bệnh từ đâu.


Bác sĩ Nguyễn Trọng Hiền - Khoa Truyền nhiễm, BV Bệnh nhiệt đới tỉnh cho biết: “Qua điều trị, tôi thấy năm nay chủng vi rút EV71 gây bệnh tay chân miệng tăng đột biến. Đây là chủng có khả năng gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho trẻ. Vì thế, ngay khi thấy trẻ có những dấu hiệu của bệnh, người nhà cần đưa trẻ đến ngay BV để được điều trị kịp thời”.


Không chỉ số trẻ nhập viện tăng cao, mà nhiều ca nhập viện còn trong tình trạng nặng và rất nặng. Cụ thể, trong tháng 1, BV tiếp nhận 16 ca nhập viện thì có 11 ca ở mức độ cảnh báo và nặng; tháng 2, BV tiếp nhận 6 ca, trong đó có 3 ca ở mức độ nặng; riêng trong tháng 3 có 41 ca nhập viện thì đến 29 ca nặng, 1 ca rất nặng, có nguy cơ tử vong cao. Hiện nay, trường hợp này vẫn phải thở máy.


Theo bác sĩ Nguyễn Đông - Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới tỉnh, thời gian gần đây, do e ngại dịch Covid-19 nên có phụ huynh tự ý mua thuốc về nhà cho trẻ uống hoặc đến các phòng khám tư nhân, điều trị không đúng cách làm bệnh nặng hơn, gây khó khăn cho công tác điều trị khi trẻ nhập viện. Bệnh tay chân miệng lây trực tiếp từ người sang người. Vì thế, nếu trẻ bị mắc bệnh, phụ huynh nên để ở nhà, không cho trẻ đi học ít nhất 7 ngày để tránh lây lan ra cộng đồng. Ở người lớn, nhiều người mang mầm bệnh nhưng do đề kháng mạnh nên không có biểu hiện bệnh. Vì thế, khi chăm sóc trẻ, người lớn cần phải vệ sinh kỹ, cho trẻ ăn chín, uống sôi, vệ sinh thường xuyên đồ chơi của trẻ.


Triển khai phòng bệnh


Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 244 ca tay chân miệng, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Số ca mắc có dấu hiệu tăng cao từ giữa tháng 3, những địa phương có số ca mắc cao là: TP. Nha Trang, huyện Khánh Sơn, Diên Khánh.


Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố đang tích cực phối hợp với địa phương và các trường học giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc ở cộng đồng, trường mầm non, đặc biệt là ở các nhóm trẻ gia đình để tiến hành cách ly kịp thời, tránh để dịch lan rộng. Bên cạnh đó, các trung tâm đã tổ chức tập huấn, cập nhật lại kiến thức về căn bệnh này cho đội ngũ cán bộ y tế; phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo tuyên truyền sâu rộng việc rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh các vật dụng trong trường học cho phụ huynh, người chăm sóc trẻ... Các cơ sở điều trị có kế hoạch chuẩn bị đầy đủ nhân lực, trang thiết bị, thuốc, hóa chất để thực hiện thu dung, điều trị nếu dịch lớn xảy ra.


Theo khuyến cáo của ngành Y tế, người dân không được chủ quan bởi tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm, chưa có vắc xin phòng ngừa. Mặt khác, trên địa bàn tỉnh đang lưu hành dịch sốt xuất huyết, dịch Covid-19, nếu để xảy ra tình trạng bệnh chồng bệnh sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Vì thế, khi phát hiện trẻ mắc bệnh cần sớm đưa đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.


C.Đan