11:01, 18/01/2021

Điều trị triệt để bệnh lý "Rối loạn nhịp nhanh"

Nhờ sự chuyển giao kỹ thuật của Bệnh viện Chợ  Rẫy (thành phố Hồ Chí Minh), đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã triển khai điều trị thành công, triệt để bệnh lý "Rối loạn nhịp nhanh' cho người dân ở tỉnh.

Nhờ sự chuyển giao kỹ thuật của Bệnh viện Chợ  Rẫy (TP. Hồ Chí Minh), đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh đã triển khai điều trị thành công, triệt để bệnh lý “Rối loạn nhịp nhanh’ cho người dân ở tỉnh.


Rối loạn nhịp nhanh - căn bệnh chiếm 20-30% dân số


Bệnh lý “Rối loạn nhịp nhanh” phần lớn không nguy hiểm đến tính mạng. Khi xảy ra cơn nhịp nhanh, người bệnh có các triệu chứng đánh trống ngực, chóng mặt hoặc cảm giác choáng váng, quay cuồng, cảm thấy hồi hộp, khó thở, đôi khi có cảm giác khó chịu nhẹ hoặc tì đè ở ngực… Các triệu chứng xuất hiện nhanh và kết thúc nhanh nên ít người biết mình mắc căn bệnh này, thường chỉ thấy mệt một lúc sau đó trở lại bình thường. Chính vì vậy, rất nhiều người mắc phải nhưng khi đi khám lại không diễn tả được chính xác các triệu chứng của bệnh, dẫn đến bác sĩ không chẩn đoán chính xác kịp thời. Nhiều trường hợp phải đeo máy theo dõi, bác sĩ mới phát hiện bệnh.

 

Kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân điều trị tại Khoa Tim mạch can thiệp  Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân điều trị tại Khoa Tim mạch can thiệp Bệnh viện Đa khoa tỉnh.


Theo bác sĩ Phạm Công Nhựt - Trưởng khoa Tim mạch can thiệp, BVĐK tỉnh, rối loạn nhịp nhanh có nhiều loại, phổ biến là rối loạn nhịp nhanh trên thất gây nên tình trạng tim đập nhanh bất thường. Nhịp tim bình thường giao động từ 60 - 100 lần/phút. Rối loạn nhịp nhanh là khi nhịp tim đập nhanh hơn 100 lần/phút, rối loạn nhịp nhanh trên thất khoảng 180 - 200 lần/ phút. Khi xuất hiện cơn nhịp nhanh trên thất, nhịp tim không còn theo sự kiểm soát của nút xoang - trung tâm điều khiển nhịp tim tự nhiên của cơ thể. Thay vào đó, một nhịp tim khác với tần số nhanh hơn xuất phát từ một vị trí khác sẽ thay thế cho nhịp xoang. Nơi xuất phát xung nhịp mới nằm ở một vị trí nào đó trên thất, từ đó lan truyền xuống tâm thất.


Bệnh này khá phổ biến, chiếm khoảng 20 - 30% dân số. Bệnh thường gặp nhiều ở những người ở độ tuổi trưởng thành đến trung niên. Nguyên nhân đa số do bị bẩm sinh, còn lại là mắc phải do có yếu tố thúc đẩy như stress, sử dụng một số loại thuốc, dùng sản phẩm có chất cafein, rượu, căng thẳng, lo âu, đặc biệt là hút hoặc hít phải khói thuốc lá hoặc bệnh nhân gắng sức. Nếu bệnh này gặp trên những bệnh nhân nhồi máu cơ tim thường diễn biến nặng, có thể gây tử vong. Thời gian cơn rối loạn nhịp xảy ra có thể tính bằng giây, phút, giờ hoặc lâu hơn, sau đó đột ngột tự biến mất hoặc sau khi được can thiệp bằng thuốc. Tuy nhiên, đối với những người tần suất phát bệnh dày, theo thời gian một số người sẽ kháng thuốc và lên cơn nhịp nhanh, nhiều hơn, lúc đó bắt buộc phải dùng phương pháp điều trị khác.


Hiện nay, phương pháp Khảo sát điện sinh lý và cắt đốt bằng sóng cao tần là phương pháp điều trị hiện đại, triệt để, tối ưu bệnh lý rối loạn nhịp nhanh đang được các BV tuyến trung ương áp dụng. Để thực hiện thủ thuật này, bác sĩ sẽ tiến hành gây tê và chích tĩnh mạch đùi để luồn dây điện cực vào tim và dò tìm vị trí ổ loạn nhịp. Khi xác định được vị trí loạn nhịp, bác sĩ sẽ dùng năng lượng sóng cao tần truyền qua điện cực biến thành nhiệt năng để hủy ổ loạn nhịp. Ưu điểm của phương pháp này được thực hiện nhanh chóng, 1 lần, tỷ lệ biến chứng của thủ thuật cũng rất hiếm gặp, dưới 1%. Tuy nhiên, kỹ thuật này đòi hỏi khả năng chuyên môn và kinh nghiệm của bác sĩ điều trị.


Điều trị triệt để


Nhờ sự chuyển giao công nghệ từ BV Chợ Rẫy, phương pháp này đã được áp dụng tại BVĐK tỉnh Khánh Hòa. Hơn 1 năm qua, Khoa Tim mạch can thiệp đã điều trị thành công hơn 40 ca. Điều đáng mừng chưa ghi nhận trường hợp nào cắt đốt không triệt để, cũng như dấu hiệu tái phát. Thành công trên mở ra cơ hội cho người dân Khánh Hòa được tiếp cận phương pháp điều trị tuyến trung ương ngay tại địa phương. Kỹ thuật này đã được bảo hiểm y tế chi trả. Bác sĩ Phạm Công Nhựt chia sẻ: “Tỷ lệ thành công của phương pháp này rất cao, hơn 90%, có nơi đạt hơn 95%. Một số ít bệnh nhân tái phát, chỉ cần đốt lại sẽ hết bệnh. Hiện tại, khoảng 3 - 4 tháng, đội ngũ y, bác sĩ BV Chợ Rẫy sẽ ra Khánh Hòa vừa chuyển giao kỹ thuật vừa phối hợp điều trị cho bệnh nhân”.


Tham gia các đợt chuyển giao kỹ thuật, bác sĩ Trần Lê Uyên Phương - Khoa Điều trị rối loạn nhịp, BV Chợ Rẫy cho biết, sau khi chuyển giao, khả năng tiếp nhận và áp dụng kỹ thuật tại Khoa Tim mạch can thiệp BVĐK tỉnh Khánh Hòa rất tốt.


Hiện nay, số người mắc bệnh lý này trong cộng đồng chưa được phát hiện khá nhiều. Bởi sau khi qua cơn rối loạn nhịp nhanh, người bệnh hết triệu chứng, việc thăm khám bình thường sẽ khó xác định. Do đó, những người có các biểu hiện nói trên cần đi khám đúng chuyên khoa tim mạch để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.


C.Đan