10:12, 13/12/2020

Đưa bảo hiểm tự nguyện đến đồng bào dân tộc thiểu số

Thời gian qua, Bảo hiểm xã hội tỉnh Khánh Hòa đã tăng cường tuyên truyền chính sách Bảo hiểm xã hội tự nguyện cho đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, do thu nhập còn hạn chế nên người dân tham gia chưa nhiều. Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp sâu sát hơn để thu hút người dân tham gia Bảo hiểm xã hội, hướng đến thực hiện tốt công tác an sinh xã hội vùng miền núi.

Thời gian qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Khánh Hòa đã tăng cường tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện cho đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS). Tuy nhiên, do thu nhập còn hạn chế nên người dân tham gia chưa nhiều. Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp sâu sát hơn để thu hút người dân tham gia BHXH, hướng đến thực hiện tốt công tác an sinh xã hội vùng miền núi.


Số người tham gia còn ít


Sau khi được tuyên truyền về BHXH tự nguyện, chồng bà Bo Bo Thị Gái (thôn Suối Me, xã Ba Cụm Nam, huyện Khánh Sơn) đã đăng ký cho bà tham gia loại hình BHXH này từ tháng 11-2020 với mức đóng 700.000 đồng/tháng. Trừ số tiền Nhà nước hỗ trợ, mỗi quý, bà đóng 415.800 đồng. Hiện tại, gia đình bà trồng 1ha sầu riêng, cho thu nhập hơn 50 triệu đồng/năm. Chồng bà làm thợ hồ, thu nhập khoảng 6 đến 7 triệu đồng/tháng. Với số tiền vợ chồng bà kiếm được thì hàng tháng có thể đảm bảo khoản đóng BHXH tự nguyện như trên. “Vợ chồng tôi có 3 người con, đứa út còn đi học, 2 đứa lớn đều có việc làm và được đơn vị sử dụng lao động đóng BHXH rồi. Hiện nay, tôi tham gia BHXH tự nguyện thì nhà tôi có 3 người đóng BHXH. Một nông dân như tôi về già cũng được hưởng lương hưu thì mừng lắm”, bà Gái nói.

 

Một buổi tuyên truyền về bảo hiểm xã hội tự nguyện cho đồng bào dân tộc thiểu số huyện Khánh Sơn.

Một buổi tuyên truyền về bảo hiểm xã hội tự nguyện cho đồng bào dân tộc thiểu số huyện Khánh Sơn.


Ông Mấu Nhân (thôn Tà Giang 1, xã Thành Sơn) đã tham gia BHXH tự nguyện từ tháng 5-2020 với mức đóng 700.000 đồng/tháng, mỗi tháng, ông đóng 138.600 đồng. Hiện nay, vợ chồng ông có hơn 1ha đất rẫy trồng cà phê và chuối, cùng với thu nhập của 2 vợ chồng làm thuê hàng tháng, sau khi trừ chi tiêu, ông tiết kiệm để đóng BHXH tự nguyện. “Tôi thấy mức đóng BHXH tự nguyện phù hợp với thu nhập của một nông dân như tôi nên tham gia với hy vọng về già sẽ có một khoản lương hưu nho nhỏ phòng ốm đau bệnh tật, không phiền con cái”, ông Nhân chia sẻ.


Từ đầu năm đến nay, BHXH huyện Khánh Sơn đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền về BHXH tự nguyện, trong đó chú trọng đến ĐBDTTS. Ông Mai Đình Tiến - Phó Giám đốc BHXH huyện cho biết, trong số 416 người tham gia BHXH tự nguyện của huyện có 215 người DTTS, chiếm 51,68%. Tuy nhiên, do tập quán sinh hoạt, thu nhập chưa ổn định nên số người tham gia còn ít. Mặc dù Nhà nước đã hỗ trợ một phần mức đóng nhưng nhiều người vẫn mong muốn được hỗ trợ mức cao hơn mới có thể tham gia BHXH tự nguyện bền vững.


Tăng cường tuyên truyền


Số lượng người DTTS tham gia BHXH tự nguyện ở Khánh Sơn còn ít cũng là tình trạng chung trên toàn tỉnh. Theo thống kê, từ đầu năm đến hết tháng 10, trong 13.230 người tham gia BHXH tự nguyện toàn tỉnh, chỉ có 465 người DTTS.


Hiện nay, mức hỗ trợ của Nhà nước cho người tham gia BHXH tự nguyện còn thấp, hộ nghèo được hỗ trợ 30%, tương ứng 46.200 đồng/tháng, hộ cận nghèo được hỗ trợ 25%, tương ứng 38.500 đồng/tháng, các đối tượng còn lại được hỗ trợ 10%, tương ứng 15.400 đồng/tháng. Người DTTS thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ bình thường cũng chỉ được hỗ trợ mức đóng như quy định trên. Trong khi đó, đối với ĐBDTTS, do ảnh hưởng của phong tục tập quán, nhận thức về tích lũy cho tương lai còn hạn chế, trình độ làm kinh tế còn thấp, thu nhập hàng tháng bấp bênh, nguồn thu chính chủ yếu dựa vào làm nương rẫy và làm thuê. Ngành BHXH tỉnh chưa có nhân viên đại lý là người DTTS nên công tác tiếp xúc, tuyên truyền cho người DTTS về BHXH tự nguyện còn hạn chế… Vì vậy, số người DTTS tham gia BHXH tự nguyện còn thấp.


Ông Lê Hùng Chính - Phó Giám đốc phụ trách BHXH tỉnh cho biết, ngành BHXH tỉnh mong muốn Nhà nước xem xét nâng mức hỗ trợ đối với người tham gia BHXH tự nguyện, đặc biệt là người ĐBDTTS. Thời gian đến, BHXH tỉnh sẽ mở các lớp tập huấn dành riêng cho cán bộ thôn là người DTTS, các già làng, trưởng bản để họ nắm rõ về chính sách BHXH tự nguyện, từ đó cùng với BHXH địa phương tăng cường tuyên truyền chính sách BHXH này đến người dân thuận tiện hơn. Nếu được Nhà nước hỗ trợ tăng thêm mức đóng BHXH tự nguyện cho người dân nói chung và người ĐBDTTS nói riêng, chắc chắn sẽ có thêm nhiều người tham gia BHXH tự nguyện để hưởng chế độ, chính sách BHXH.


Minh Thiết