09:12, 06/12/2020

Công tác tuyên truyền còn gặp nhiều khó khăn

Những năm qua, công tác tuyên truyền phổ biến Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và các văn bản liên quan của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đã được các ban, ngành, đoàn thể quan tâm. Tuy nhiên, việc thay đổi hành vi của đối tượng hút thuốc lá chưa như mong đợi.
 

Những năm qua, công tác tuyên truyền phổ biến Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) và các văn bản liên quan của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đã được các ban, ngành, đoàn thể quan tâm. Tuy nhiên, việc thay đổi hành vi của đối tượng hút thuốc lá chưa như mong đợi.
 
Đẩy mạnh hoạt động truyền thông
 
Ngành Văn hóa và Thể thao (VH-TT) là một trong những đơn vị thực hiện tốt công tác truyền thông về PCTHTL. Qua kiểm tra, giám sát năm 2019, kết quả cho thấy các đơn vị trực thuộc Sở VH-TT đã thực hiện tốt Luật PCTHTL. Hưởng ứng ngày Thế giới không thuốc lá 31-5 và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá ngày 25 đến 31- 5 hàng năm, ngành VH-TT đã tổ chức thực hiện nhiều hoạt động tuyên truyền lưu động, trực quan; đăng tải các bài viết PCTHTL trên trang tin điện tử, Tạp chí Nha Trang; tuyên truyền trên sóng phát thanh… Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức công chức, viên chức và người lao động, các tầng lớp người dân về PCTHTL. Ngoài ra, một số huyện, thị xã, thành phố đã lồng ghép nội dung tuyên truyền PCTHTL vào chương trình biểu diễn nghệ thuật, hoạt động sinh hoạt của các câu lạc bộ nhằm nâng cao sức khỏe, tinh thần cho người dân.

 

Tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá ở TP. Cam Ranh. Ảnh: T.L
Tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá ở TP. Cam Ranh. Ảnh: T.L
 
Nhiều năm qua, ngành VH-TT đã đẩy mạnh tuyên truyền phong trào xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, khu phố văn hóa, xây dựng làng văn hóa sức khỏe - không có người hút thuốc lá. Cụ thể, đài phát thanh, truyền thanh, các trang tin điện tử ở các huyện, thị xã, thành phố và mạng lưới xã, phường, thị trấn thường xuyên đăng, phát sóng tin, bài hoạt động PCTHTL. Nhờ việc phổ biến thường xuyên Luật PCTHTL và các văn bản liên quan; truyền thông về tác hại thuốc lá; phổ biến các mô hình tốt về xây dựng môi trường không khói thuốc tại cơ sở y tế, bệnh viện, nơi làm việc, những nơi công cộng… đã tạo ra sự lan tỏa trong cộng đồng thúc đẩy các hành vi có lợi cho sức khỏe, đặc biệt là hành vi từ bỏ thuốc lá. Các sản phẩm truyền thông, bài viết được nâng cao chất lượng, phù hợp với nhiều nhóm đối tượng khác nhau về tác hại thuốc lá; đồng thời, khuyến khích những người đang hút thuốc lá có động lực, ý muốn từ bỏ ngay thuốc lá. Nhờ những hoạt động tuyên truyền thường xuyên của các cơ quan thông tin đại chúng, các cơ quan, trường học đã thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc trong khuôn viên và trong nhà; nhà máy, xí nghiệp thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc trong nhà; phần lớn các nhà hàng, khách sạn thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc lá trong nhà. 
 
Còn nhiều khó khăn
 
Với những thành quả đó, nghiên cứu điều tra GATS năm 2015 về tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành trong toàn quốc nói chung và tỉnh Khánh Hòa nói riêng cho thấy, tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc thụ động năm 2010 ở gia đình 73,1%; năm 2015, tỷ lệ này giảm còn 59,9%. Đối với tại nơi làm việc, năm 2010, tỷ lệ là 55,9%; năm 2015, giảm còn 42,6%. Tại trường đại học, cao đẳng, tỷ lệ này giảm còn 37,9% và trên phương tiện giao thông công cộng giảm còn 19,4%.
 
Tuy nhiên, theo bác sĩ Tôn Thất Toàn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, công tác tuyên truyền, phổ biến đến người dân thực thi Luật PCTHTL còn gặp khó khăn, sự thay đổi hành vi của đối tượng hút thuốc lá chưa như mong đợi. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTHTL ở một số nơi chưa được thường xuyên; nội dung hình thức tuyên truyền còn đơn điệu, chưa hấp dẫn, lôi cuốn. Các cơ quan, đơn vị, đoàn thể nhất là ở khu vực vùng sâu, vùng xa còn thiếu nguồn lực và điều kiện thực hiện các hoạt động tuyên truyền phổ biến luật, đặc biệt là đối với những đối tượng dễ bị tác động ảnh hưởng của thuốc lá. Ngoài ra, có những đối tượng người dân di dân tự do đông, trình độ văn hóa, cách sinh hoạt khác nhau; vì vậy, việc tổ chức các hoạt động truyền thông phù hợp còn gặp nhiều khó khăn.
 
Đặng Hồng Hoa (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa)