10:09, 23/09/2020

Chủ động phòng, chống dịch bệnh ở người

Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh ở người huyện Vạn Ninh vừa tổ chức họp triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh ở người trong các tháng cuối năm 2020, trong đó tập trung vào công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết và Covid-19.

Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh ở người huyện Vạn Ninh vừa tổ chức họp triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh ở người trong các tháng cuối năm 2020, trong đó tập trung vào công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) và Covid-19.


Thời gian qua, trên địa bàn huyện có mưa nhiều. Đây là điều kiện thuận lợi cho lăng quăng sinh trưởng nên nguy cơ bệnh SXH phát sinh thành dịch rất cao. Theo báo cáo của Phòng Y tế huyện, từ đầu năm đến nay, toàn huyện có 395 trường hợp mắc SXH, 26 ổ dịch đã được phát hiện và xử lý. Riêng từ đầu tháng 9 đến nay, trên địa bàn huyện có 52 ca mắc SXH, cao hơn so với bình quân các tháng. Một số khu vực có số ca mắc tăng như: Đầm Môn (xã Vạn Thạnh), Ninh Mã, Cổ Mã (xã Vạn Thọ), Tiên Ninh (xã Vạn Khánh), Xuân Tự 1 (xã Vạn Hưng)… Qua kiểm tra tại các xã, thị trấn cho thấy, chỉ số côn trùng (muỗi, lăng quăng) vượt ngưỡng cho phép, vệ sinh môi trường một số nơi không tốt tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi vằn sinh sản và phát triển. Cùng với đó, nhiều khu vực là ổ dịch cũ SXH trước đây nên dễ có nguy cơ bùng phát mạnh trong thời gian tới. Huyện đã thực hiện khoanh vùng 25 khu vực có nguy cơ cao dễ bùng phát dịch.


Trong tháng 5 và 6, xã Vạn Hưng là điểm nóng về dịch bệnh SXH của huyện với 23 ca mắc. Với sự hỗ trợ của ngành Y tế cùng việc thực hiện các biện pháp phòng dịch nên trong tháng 7 và 8, tổng số ca mắc SXH trên địa bàn giảm còn 8 ca. Tuy nhiên, từ đầu tháng 9 đến nay, số ca mắc SXH trên địa bàn gia tăng trở lại, bằng số ca của tháng 7 và 8 cộng lại dù địa phương đã tập trung triển khai công tác phòng, chống dịch rất quyết liệt.


Ông Trần Trung Thông - Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Hưng cho biết, thời gian qua, địa phương đã huy động các lực lượng cùng tham gia phòng, chống dịch, nòng cốt là nhân viên y tế. Nguyên nhân xảy ra dịch, ngoài các yếu tố về môi trường như rác thải, các dụng cụ chứa nước không được thu gom, vệ sinh, địa phương xác định một số nhà, trại nuôi trồng thủy sản sau khi được giao dịch, mua bán không có người trông coi, quản lý, không được làm vệ sinh, gây đọng nước và nằm trong khu dân cư - đây là nơi thuận lợi cho muỗi vằn sinh sản và phát triển, khiến nguy cơ xảy ra dịch tăng cao.


Bác sĩ Nguyễn Năng - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện cho biết, đối với các khu vực có nguy cơ cao xảy ra dịch SXH cần phun thuốc diệt muỗi 2 đợt cách nhau 1 tuần, mỗi đợt phun 2 ngày liên tục. Cùng với đó, tiến hành dọn vệ sinh môi trường, vệ sinh dụng cụ chưa nước: Lọ hoa, đồ chứa nước uống của gia cầm… để muỗi vằn không có nơi sinh sản và phát triển. Có như vậy mới giảm nguy cơ xảy ra dịch SXH.


Đối với công tác phòng, chống dịch Covid-19, dù tình hình dịch hiện nay tương đối ổn định nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát. Vì vậy, việc chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch hết sức cần thiết. Các giải pháp được các thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh ở người đưa ra gồm: Tăng cường công tác quản lý tốt người lao động, chuyên gia nước ngoài đến làm việc, sinh hoạt tại địa phương; thực hiện tốt khuyến cáo 5K của Bộ Y tế gồm: Khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tập trung - khai báo y tế trong phòng, chống dịch bệnh; đẩy mạnh tuyên truyền người dân thực hiện khai báo y tế, cài đặt ứng dụng Bluezone để giám sát dịch bệnh…


Ông Trần Công Hiền - Trưởng phòng Y tế huyện cho biết, huyện đề nghị các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn; khi phát hiện ổ dịch SXH phải thực hiện khoanh vùng dập dịch tại các khu dân cư thay vì vùng bán kính 200m để dịch không lây lan rộng. Đồng thời, vận động người dân thực hiện khai báo y tế; tăng cường công tác kiểm tra, cho các cơ sở hành nghề y dược tư nhân ký cam kết không thực hiện điều trị các trường hợp bị SXH mà phải đưa đến cơ sở y tế tư nhân; thường xuyên kiểm tra các cơ sở giáo dục bậc mầm non trong công tác phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng.


Thanh Hải - Phú An