08:07, 07/07/2020

Chủ động phòng ngừa dịch bệnh bạch hầu

10 năm nay, Khánh Hòa không ghi nhận ca mắc bệnh bạch hầu nào. Thế nhưng, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh này ở Tây Nguyên và thành phố Hồ Chí Minh, ngành Y tế tỉnh đã chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa.

10 năm nay, Khánh Hòa không ghi nhận ca mắc bệnh bạch hầu nào. Thế nhưng, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh này ở Tây Nguyên và TP. Hồ Chí Minh, ngành Y tế tỉnh đã chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa.


Thời gian qua, ngành Y tế tỉnh đã triển khai tốt chương trình tiêm chủng mở rộng, trong đó có tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho trẻ dưới 1 tuổi (đủ 3 liều). Nhờ đó, hàng năm, tỷ lệ tiêm chủng mở rộng quy mô cấp tỉnh luôn đạt hơn 97%, cấp xã đạt từ 95% trở lên. Với tỷ lệ này, toàn tỉnh không có xã, phường nào trở thành vùng lõm về tiêm chủng mở rộng. Năm 2012, toàn tỉnh còn triển khai thêm chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin bạch hầu cho trẻ 18 tháng tuổi. Thông qua các hoạt động phòng bệnh chủ động trên, hơn 10 năm nay, Khánh Hòa không ghi nhận ca mắc bệnh bạch hầu nào.

 

Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh bạch hầu ở Tây Nguyên và TP. Hồ Chí Minh với 58 ca mắc, trong đó có 3 ca tử vong, ngành Y tế tỉnh đã chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa, đặc biệt chú trọng ở các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa. Những ngày này, các cán bộ Trạm Y tế xã Khánh Thành (huyện Khánh Vĩnh) phối hợp với y tế thôn bản tiến hành rà soát, cập nhật lại danh sách các trẻ nằm trong độ tuổi được tiêm chủng vắc xin, trong đó có vắc xin bạch hầu để vận động gia đình đưa trẻ đến tiêm cho đúng lịch. Đồng thời, tuyên truyền trên loa, đài để người dân hiểu và biết phòng bệnh. Theo lãnh đạo Trạm Y tế xã Khánh Thành, là xã vùng sâu, vùng xa nên chương trình tiêm chủng mở rộng được địa phương đặc biệt quan tâm. Nhờ đó, hàng năm, tỷ lệ trẻ trong độ tuổi được tiêm chủng vắc xin, trong đó có vắc xin bạch hầu bình quân đạt từ 98 - 100%. Để phòng bệnh, hiện nay, đối với những trẻ theo mẹ đi lên nương rẫy, chưa thực hiện đủ mũi tiêm, cán bộ trạm y tế tới nhà vận động và lên lịch thực hiện tiêm vét cho trẻ.

 

Thực hiện tiêm chủng cho trẻ ở trạm y tế, thị xã Ninh Hòa.

Thực hiện tiêm chủng cho trẻ ở trạm y tế, thị xã Ninh Hòa.

 

Bác sĩ Huỳnh Văn Dõng - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh: Để đẩy mạnh hơn công tác phòng bệnh bạch hầu, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh vừa xây dựng kế hoạch tiêm bổ sung vắc xin bạch hầu, uốn ván cho trẻ trên quy mô toàn tỉnh. Dự kiến chiến dịch sẽ được triển khai vào quý IV/2020. Nguồn vắc xin do chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia hỗ trợ. 

Tương tự, tại huyện Khánh Sơn, thực hiện chỉ đạo của Trung tâm Y tế huyện, các trạm y tế xã đang rà soát và lên danh sách, vận động gia đình những trẻ chưa tiêm đủ mũi vắc xin bạch hầu đưa trẻ đi tiêm đúng lịch. Bác sĩ Hồ Ngọc Gia - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện cho biết, hàng năm, tỷ lệ tiêm chủng mở rộng ở huyện, trong đó có tiêm chủng vắc xin bạch hầu luôn đạt trên 95%. Tuy nhiên, ngay khi có thông tin về dịch bệnh bạch hầu đang diễn ra ở Tây Nguyên, trung tâm đã chỉ đạo các trạm y tế đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đồng thời, lên lịch tiêm vét lại cho các cháu bỏ mũi. Trung tâm đã chuẩn bị đầy đủ hóa chất, vật tư y tế để thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh nếu có.


Bác sĩ Huỳnh Văn Dõng - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, thực hiện chỉ đạo của Sở Y tế, các cơ sở y tế đã tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực hiện tốt chương trình tiêm chủng mở rộng. Ở vùng sâu, vùng xa, các cơ sở y tế đều chủ động đến từng nhà vận động, tuyên truyền để người dân đưa trẻ đến tiêm chủng đủ liều, đúng lịch, đảm bảo tỷ lệ trẻ trong độ tuổi được tiêm chủng đạt kết quả cao nhất. Đi cùng với đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đẩy mạnh công tác giám sát, điều tra các ca bệnh hàng ngày, hàng tuần để kiểm soát từng ca bệnh truyền nhiễm, trong đó có bệnh bạch hầu. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với hệ điều trị nhằm phát hiện sớm ca bệnh bạch hầu nếu có, qua đó kịp thời triển khai các biện pháp dập dịch, không để dịch lây lan ra cộng đồng.


Bác sĩ Dõng khuyến cáo, để phòng ngừa bệnh bạch hầu hiệu quả, người dân nên đưa trẻ đi tiêm vắc xin bạch hầu đầy đủ, đúng lịch. Khi có dấu hiệu mắc bệnh (sốt, vùng cổ nổi hạch to, viêm họng, da tái xanh, thường chảy nước bọt, ho nhiều…) hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu nên sớm đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Đồng thời, thực hiện nghiêm các chỉ dẫn của ngành Y tế trong phòng bệnh.


C.Đan