09:06, 02/06/2020

Thành phố Nha Trang: Chăm sóc tốt sức khỏe bà mẹ và trẻ em

Với nhiệm vụ chính là chăm sóc sức khỏe sinh sản bà mẹ và cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em, những năm qua, ngành Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thành phố Nha Trang đã góp phần quan trọng thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu chuyên môn của ngành Y tế và chiến lược dân số, sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011 - 2020.

Với nhiệm vụ chính là chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) bà mẹ và cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em, những năm qua, ngành Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) TP. Nha Trang đã góp phần quan trọng thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu chuyên môn của ngành Y tế và chiến lược dân số, SKSS giai đoạn 2011 - 2020.


Phụ thuộc vào ý thức người dân


Bà Đặng Thị Quỳnh Như - Trưởng khoa DS-KHHGĐ, Trung tâm Y tế TP. Nha Trang cho biết, xã Vĩnh Thái là một trong những địa phương có phần đông người dân nhận thức được lợi ích của việc khám sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Toàn xã có 3.026 hộ với 12.347 nhân khẩu, có 3 trẻ bị dị tật trong tổng số 768 trẻ (từ 0 - 5 tuổi). Số bà mẹ mang thai và trẻ em đều được khám và tiêm phòng đầy đủ.

 

Trạm Y tế xã Vĩnh Thái thường xuyên tổ chức khám sàng lọc cho trẻ phòng tránh các bệnh tật.

Trạm Y tế xã Vĩnh Thái thường xuyên tổ chức khám sàng lọc cho trẻ phòng tránh các bệnh tật.


Tuy nhiên, vẫn còn một số bà mẹ trẻ một phần còn chủ quan, một phần do không có điều kiện nên khi mang thai không đi khám định kỳ, vì thế đã để lại hậu quả nặng nề cho con em. Đơn cử như chị L.T.M.H, do điều kiện gia đình khó khăn nên lúc mang thai chị không đi kiểm tra thai kỳ thường xuyên, đến lúc sinh bé được hơn 8 tháng, thấy con phát triển không bình thường chị mới đưa đi khám thì phát hiện con bị khuyết tật thần kinh đặc biệt nặng. Hiện con chị đã hơn 5 tuổi nhưng ngây ngô như đứa trẻ 3 tháng.


Ông Nguyễn Thành Tín - Trưởng trạm Y tế xã Vĩnh Thái cho biết, trước khi mang thai, phụ nữ cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn về tiền thai và tiêm các vắc xin; trong thời gian thai kỳ cần đi khám theo lịch của bác sĩ... Việc tiêm ngừa không hẳn ngừa được 100% nhưng nếu mắc thì các triệu chứng sẽ giảm nhẹ. Có thai phụ tiêm đầy đủ vắc xin trước khi mang thai nhưng con vẫn bị bệnh là do bộ nhiễm sắc thể của bé. Tuy nhiên, việc tiêm ngừa đầy đủ sẽ tốt cho cả mẹ và con. Trong một thai kỳ chia làm 3 giai đoạn, tùy từng giai đoạn sẽ có những tư vấn khác nhau.


Hạn chế trẻ bị dị tật


Triển khai từ năm 2011, TP. Nha Trang là một trong những địa phương thực hiện tốt Đề án “Sàng lọc trước sinh và sơ sinh”. Theo báo cáo của Khoa DS-KHHGĐ TP. Nha Trang, từ khi thực hiện đề án, hàng tháng, tại các buổi tiêm chủng của trạm y tế, chuyên trách DS thường xuyên phối hợp với 27 xã, phường thực hiện tư vấn cho phụ nữ mang thai và các bà mẹ có con nhỏ dưới 12 tháng tuổi; tổ chức 290 buổi truyền thông nhóm với 6.685 người tham dự; thăm 2.165 lượt tại hộ gia đình có bà mẹ mang thai; cấp phát 2.037 tờ nội dung truyền thông chủ yếu về chăm sóc trẻ sau tiêm chủng, phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ, lợi ích của việc sàng lọc trước sinh và sơ sinh, lợi ích khi thực hiện tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh… Đặc biệt, chú trọng đến các đối tượng phụ nữ chuẩn bị mang thai và đang mang thai để vận động họ thực hiện tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh. “Khi mang thai, tôi đã được các y, bác sĩ đề cập đến những lợi ích của việc sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Khi bé được sinh ra, các y, bác sĩ đã lấy mẫu máu sàng lọc sau 24 giờ sinh nên phát hiện bé bị thiếu men G6PD. Nhờ phát hiện sớm, bác sĩ đã hướng dẫn gia đình các phương pháp chăm sóc, có chế độ ăn uống hợp lý, uống vitamin D để bổ sung men đầy đủ cho bé nên giờ đây bé đã phát triển hoàn toàn bình thường”, chị Đoàn Thị Hồng Vân (thôn Thủy Tú, xã Vĩnh Thái) nói.


Theo bà Như, mặc dù đạt được những kết quả đáng khích lệ nhưng công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em ở Nha Trang vẫn còn có những khó khăn. Hiện nay, thành phố đã có chủ trương xã hội hóa các dịch vụ sàng lọc trước sinh, sơ sinh, tức là người sử dụng dịch vụ tự chi trả, nhưng do chi phí cho việc thực hiện sàng lọc tương đối cao nên nhiều gia đình còn e ngại. Mặt khác, các điều kiện thực hiện dịch vụ sàng lọc trước sinh vẫn chưa đáp ứng theo tiêu chuẩn quy định, nhất là ở tuyến huyện, thị xã, thành phố. Việc sàng lọc chỉ mới dừng lại ở hình thức khám thai, siêu âm và một số xét nghiệm thông thường. Ngoài ra, kinh phí hạn hẹp, công tác đào tạo, tập huấn về kỹ năng truyền thông, tư vấn cho cán bộ y tế, dân số và cộng tác viên chưa thường xuyên...


Thời gian tới, thành phố sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục trong cộng đồng về các biện pháp chăm sóc thiết yếu cho bà mẹ và trẻ em. Đồng thời, tổ chức chiến dịch truyền thông lồng ghép chăm sóc SKSS, KHHGĐ tại các trạm y tế để tạo cơ hội tốt cho phụ nữ trên địa bàn, nhất là phụ nữ nghèo có thêm kiến thức về cách chăm sóc sức khỏe cho bản thân và con cái trong gia đình cũng như có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ y tế, KHHGĐ.


THANH TRÚC