10:12, 29/12/2019

Tăng cường phòng, chống dịch bệnh mùa đông xuân

Theo báo cáo của Bộ Y tế, dịch bệnh mùa đông xuân năm 2019 - 2020 có diễn biến phức tạp, riêng trong tháng 11-2019 ghi nhận cả nước có 408.907 trường hợp mắc cúm, 10 trường hợp tử vong. Các trường hợp bệnh sốt phát ban, sởi, tay chân miệng đều ghi nhận số ca mắc cao ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. 

Theo báo cáo của Bộ Y tế, dịch bệnh mùa đông xuân năm 2019 - 2020 có diễn biến phức tạp, riêng trong tháng 11-2019 ghi nhận cả nước có 408.907 trường hợp mắc cúm, 10 trường hợp tử vong. Các trường hợp bệnh sốt phát ban, sởi, tay chân miệng đều ghi nhận số ca mắc cao ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Bộ Y tế dự báo trong thời gian tới, thời tiết mùa đông xuân, dịp Tết Nguyên đán, các lễ hội tập trung đông người sẽ là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, vi rút gây bệnh, tăng nguy cơ gây bệnh ở người và bùng phát các bệnh truyền nhiễm, lây lan trong cộng đồng.


Báo cáo Bộ Y tế nêu rõ, tính riêng bệnh sốt phát ban nghi sởi từ đầu năm 2019 đến hết tháng 11-2019 toàn quốc ghi nhận có gần 38.700 trường hợp; trong đó có 7.027 trường hợp mắc sởi dương tính, 4 trường hợp tử vong. Các tỉnh có tỷ lệ mắc sởi/100.000 dân cao là: Đắk Nông, Đắk Lắk, Cà Mau, Điện Biên, Bình Phước, Quảng Ninh, Hà Giang, Cao Bằng, Kiên Giang và tỉnh Khánh Hòa. Đối với bệnh tay chân miệng, cả nước mắc ghi nhận gần 100.000 trường hợp mắc bệnh; có 47.163 trường hợp tay chân miệng nhập viện, trong đó có 1 trường hợp tử vong. Các tỉnh, thành phố có số mắc tích lũy/100.000 dân cao nhất gồm: Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Bình Dương, Đà Nẵng, Long An, Vĩnh Long, Khánh Hòa, Bà Rịa Vũng Tàu, Cần Thơ. Ngoài những bệnh trên, Bộ Y tế lưu ý trong dịp lễ hội này dễ bùng phát các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt những bệnh lây truyền qua đường hô hấp, đường tiêu hóa như: sởi, rubella, ho gà, não mô cầu, thủy đậu, các bệnh cúm, tiêu chảy, liên cầu lợn.

 

Tuyên truyền tiêm ngừa cúm cho người dân tại cơ sở y tế.

Tuyên truyền tiêm ngừa cúm cho người dân tại cơ sở y tế.


Riêng bệnh cúm mùa, đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng vi rút cúm A(H3N2), cúm A(H1N1), cúm B và cúm C. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, lây nhanh qua đường hô hấp thông qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc. Theo Trung tâm Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), từ năm 2010 trở lại đây, mỗi năm trên thế giới có khoảng 9 - 45 triệu trường hợp mắc cúm với khoảng hơn 61.000 trường hợp tử vong do biến chứng viêm phổi do cúm.


Bệnh cúm là bệnh truyền nhiễm lây lan qua đường hô hấp, ghi nhận các trường hợp mắc quanh năm. Tại Việt Nam, năm 2019, số ca mắc cúm và tử vong do cúm trong cả nước thấp hơn so với năm 2018, cụ thể như sau: 11 tháng năm 2019 ghi nhận 408.907 trường hợp mắc cúm, 10 trường hợp tử vong (giảm 10,4% số mắc và giảm 2 trường hợp tử vong so với cùng kỳ 11 tháng năm 2018). Tại các bệnh viện tuyến cuối đã có gia tăng số trường hợp cúm nhập viện do người dân các tỉnh đến trực tiếp khám bệnh mà không qua các bệnh viện tuyến trước, mặc dù mắc bệnh ở mức độ nhẹ.


Tại Việt Nam chưa ghi nhận chủng vi rút cúm mới cũng như chưa có sự đột biến gen làm tăng độc tính hay gây kháng thuốc ở các chủng vi rút cúm lưu hành trên người. Các chủng vi rút cúm được ghi nhận chủ yếu là vi rút cúm A(H1N1) và vi rút cúm B.

 

Kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại TP. Nha Trang.

Kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại TP. Nha Trang.


Để chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa đông xuân, Bộ Y tế khuyến cáo mọi người dân cần quan tâm, chủ động thực hiện các biện pháp nâng cao sức khỏe, phòng chống dịch bệnh như sau:


- Tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch (đối với các bệnh có vắc xin phòng bệnh như: sởi, rubella, ho gà, não mô cầu, thủy đậu, cúm…).


- Giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh; ủ ấm cho trẻ em khi đi xe máy, khi ra ngoài trời; khi làm việc ngoài trời, ra ngoài trời vào ban đêm, sáng sớm phải mặc đủ ấm, lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu.


- Tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp như: sởi, rubella, ho gà, não mô cầu, thủy đậu, cúm…


- Đảm bảo an toàn thực phẩm, ăn chín, uống chín, ăn uống đủ chất, đủ dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng. Ăn cân đối các nhóm dưỡng chất: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.


- Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày. Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh gia đình, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.


- Khi có các dấu hiệu nghi bị bệnh truyền nhiễm cần thông báo ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.


Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa, tính đến ngày 25-12-2019, tình hình dịch bệnh của tỉnh, sốt xuất huyết ghi nhận gần 11.300 trường hợp, 2 trường hợp tử vong; tay chân miệng số mắc gần 2.300 trường hợp, sởi và sốt phát ban nghi sởi có 540 trường hợp. Hiện nay các huyện, thị xã, TP. Nha Trang, Ninh Hòa, Cam Lâm, Cam Ranh, Diên Khánh, Vạn Ninh vẫn đang tích cực xử lý triệt để các ổ dịch sốt xuất huyết đang hoạt động, tăng cường công tác điều trị, giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời các ổ dịch mới, khống chế tình hình dịch không để dịch phát triển và lan rộng.


Ngành Y tế khuyến cáo các trung tâm y tế, cơ sở y tế cần đẩy mạnh công tác truyền thông phòng, chống dịch bệnh mùa đông xuân, giúp cho người dân thực hiện các biện pháp nâng cao sức khỏe, chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa đông, xuân. Kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh, giảm đến mức thấp nhất số tử vong và mắc bệnh trên địa bàn phụ trách, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, đường tiêu hóa như: bệnh tay chân miệng, sởi, rubella, ho gà, não mô cầu, thủy đậu, các bệnh cúm, tiêu chảy, liên cầu lợn… Các đơn vị cần xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện tuyên truyền, vận động phòng, chống dịch bệnh mùa đông, xuân năm 2019. Đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng như: báo, đài, ti vi, loa truyền thanh… Tăng cường truyền thông trực tiếp tại các nơi tập trung đông dân cư như: chợ, trường học, khu công nghiệp, khu dân cư… Thường xuyên truy cập và tham khảo thông tin từ  các trang website: Bộ Y tế: http://moh.gov.vn; Cục Y tế dự phòng: http://vncdc.gov.vn; Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương: http://niheold.nihe.org.vn; Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe Trung ương: http://t5g.org.vn.


Bảo Trâm
(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa)