11:12, 26/12/2019

Mang "âm thanh" đến trẻ khiếm thính

Những năm qua, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Khánh Hòa đã làm tốt công tác chăm sóc trẻ khiếm thính có hoàn cảnh khó khăn, góp phần giúp các em cải thiện cuộc sống, tự tin hòa nhập cộng đồng.

 

Những năm qua, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Khánh Hòa đã làm tốt công tác chăm sóc trẻ khiếm thính có hoàn cảnh khó khăn, góp phần giúp các em cải thiện cuộc sống, tự tin hòa nhập cộng đồng.


Từ khi mới chào đời, em Vương Viết Trí (thôn Liên Hòa, xã Sơn Bình, huyện Khánh Sơn) đã không thể nghe được. Anh Vương Minh Tru, bố Trí cho biết: “Ngay khi phát hiện cháu không nghe được, chúng tôi đã đưa cháu đi khám ở Bệnh viện Nhi Đồng II, TP. Hồ Chí Minh nhưng bác sĩ nói cháu bị điếc bẩm sinh. Gia đình khó khăn, không có điều kiện để khám định kỳ cho cháu nên đành chấp nhận. Đã 8 tuổi rồi mà cháu chỉ chơi lủi thủi một mình”.

 

Kỹ thuật viên của chương trình lắp máy trợ thính cho một em nhỏ tại Khánh Hòa năm 2018.

Kỹ thuật viên của chương trình lắp máy trợ thính cho một em nhỏ tại Khánh Hòa năm 2018.


Giây phút phát hiện con trai N.T.G.B (4 tuổi) bị khiếm thính, chị Nguyễn Thị Hường (quê ở Đắk Lắk) biết không ai khác ngoài chính bản thân mình phải có đủ nghị lực để truyền sức mạnh cho con. Suốt 3 năm qua, chị đã trở thành cô giáo đặc biệt của con. “Khi B. sinh ra, bác sĩ đã chẩn đoán cháu bị méo miệng, lệch hàm, không thể nghe và lõm ngực. Tôi như chết điếng, nhưng vì cuộc sống gia đình lúc đó rất khó khăn nên vợ chồng tôi vô cùng tuyệt vọng, nhiều đêm chỉ biết ôm cháu khóc thầm chứ chẳng nghĩ được cách nào chữa chạy cho cháu”, chị tâm sự.


Tháng 5-2018, thông qua chương trình “Chăm sóc thính lực cộng đồng”, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh phối hợp với Tổ chức The VinaCapital Foundation, Quỹ thính lực Starkey Hearing Foundation đã khám, cấp phát thuốc miễn phí, trao tặng máy trợ thính cho hàng trăm trẻ em nghèo trên địa bàn tỉnh. Hơn 1 năm kể từ ngày em B. được đeo máy trợ thính của chương trình, chưa bao giờ chị Hường quên được cảm giác ngày hôm ấy khi B. nghe được tiếng gọi của chị. “Khi biết con có thể nghe được, tôi mừng lắm, từ đó tôi biết mình cần có thêm sức mạnh, nghị lực hơn nữa để bước cùng con trên chặng đường sắp tới. Mỗi khi tạo âm thanh cho con, tôi hồi hộp quan sát phản ứng của con. Thật mừng là từ khi đó, con đã quay lại khi tôi gọi tên từ phía sau”, chị Hường xúc động nói.


Chung niềm vui khôn xiết, em Nguyễn Gia Lân (8 tuổi) đang được nuôi dưỡng tập trung tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh cũng được hỗ trợ thiết bị trợ thính. Khi bắt đầu cảm nhận được âm thanh từ những người xung quanh mình, em đã rất thích thú. “Giống như những dạng khuyết tật khác ở trẻ em, trẻ bị khiếm thính rất nhạy cảm, tiếp xúc với các cháu cần có sự kiên nhẫn và yêu thương. Với đối tượng này, chúng tôi không chỉ giúp các cháu học ngôn ngữ, mà còn chú trọng tất cả các mặt phát triển khác của trẻ về thể chất, tinh thần, trí tuệ và kỹ năng giao tiếp xã hội. Nếu thực hành từng bước một, tùy theo khả năng của mỗi trẻ, các cháu có thể hòa nhập xã hội một cách thuận lợi”, ông Chu Văn Công - Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh cho biết.


 Bà Lưu Thị Ngọc Liên - Quyền Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh cho biết: “Chương trình triển khai nhằm giúp đỡ các gia đình khó khăn có con em bị khiếm thính. Các em đều nhận được sự hỗ trợ, chăm sóc thính lực từ các nhân viên của chương trình trong suốt quá trình sử dụng máy. Tất cả đều được miễn phí. Qua đó, giúp các em có thể tự tin hòa nhập cộng đồng”.


THANH TRÚC

 


 

Starkey Hearing Foundation (SHF) là tổ chức phi chính phủ của Mỹ, được thành lập năm 1984. SHF đã trao hơn 1,9 triệu máy trợ thính tại hơn 60 đất nước và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, đến nay, chương trình đã trao tặng và chăm sóc cho hơn 4.400 người khiếm thính và dự kiến mở rộng chương trình chăm sóc cho thêm 3.000 bệnh nhân từ 17 tỉnh, thành trên cả nước đến năm 2020.