10:12, 19/12/2019

Hỗ trợ trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo

Thời gian qua, với tinh thần "tương thân tương ái", Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Khánh Hòa đã có nhiều hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ những trẻ em không may mắc bệnh hiểm nghèo. Qua đó, tiếp thêm động lực để các em có một cuộc sống tốt đẹp hơn.

 

Thời gian qua, với tinh thần “tương thân tương ái”, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Khánh Hòa đã có nhiều hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ những trẻ em không may mắc bệnh hiểm nghèo. Qua đó, tiếp thêm động lực để các em có một cuộc sống tốt đẹp hơn.


Những hoàn cảnh ngặt nghèo


Mới 4 tuổi nhưng bé Nguyễn Minh Tuấn (trú tổ dân phố Phong Phú 2, phường Ninh Giang, thị xã Ninh Hòa) đã mang trong mình căn bệnh ung thư máu. Tuấn đã trải qua 3 lần truyền hóa chất. Chị Trần Thị Thúy - mẹ Tuấn tâm sự, Tuấn phát bệnh tháng 11-2018, bác sĩ chẩn đoán bé bị mắc bệnh bạch cầu cấp dòng lympho nên gia đình phải đưa bé vào Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP. Hồ Chí Minh chữa trị. Trong khi đó, hoàn cảnh gia đình bé rất khó khăn. Trước đây, chị Thúy làm thuê, ai thuê gì làm nấy. Khi Tuấn phát bệnh, chị phải ở nhà lo cho bé và chăm đứa con nhỏ 2 tuổi. Chồng chị làm nghề dán decal vỉa hè, thu nhập bấp bênh, chỉ đủ trang trải cuộc sống hàng ngày.

 

Hàng năm, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh phối hợp cùng các nhà hảo tâm  trao hỗ trợ cho các em mắc bệnh hiểm nghèo.

Hàng năm, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh phối hợp cùng các nhà hảo tâm trao hỗ trợ cho các em mắc bệnh hiểm nghèo.


Chẳng may bị tai nạn giao thông trên đường đi học về vào tháng 3, em Nguyễn Thị Hồng Loan (14 tuổi, xã Ninh Lộc, thị Ninh Hòa) được chuyển vào Bệnh viện Chợ Rẫy, TP. Hồ Chí Minh chữa trị vì bị tai biến vỡ mạch máu não. Đến nay, Loan đã xuất viện nhưng bị liệt nửa phần cơ thể trái, không thể đi đứng được. “Lúc đó, khi nghe các bác sĩ báo tình trạng của cháu, vợ chồng tôi bàng hoàng, chết lặng, vừa lo cho cháu vừa lo khoản tiền chạy chữa. Vợ chồng tôi có 3 con, anh cả của Loan cũng bị tai nạn giao thông nên bây giờ cháu không được bình thường, đứa còn lại mới học xong, vẫn chưa có việc làm. Cả 2 vợ chồng tôi đều làm nương rẫy theo thời vụ, bữa được bữa có. Hàng tháng, bác sĩ yêu cầu phải đưa Loan vào TP. Hồ Chí Minh tái khám. Điều này thực sự là một vấn đề lớn đối với gia đình tôi vì thu nhập gia đình rất eo hẹp”, ông Nguyễn Sinh Trường - bố Loan tâm sự.


Tiếp thêm nghị lực


Bà Lưu Thị Ngọc Liên - Quyền Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh cho biết: “Công tác chăm sóc, hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, nhất là những em mắc bệnh hiểm nghèo luôn được chúng tôi chú trọng thực hiện trong thời gian qua. Bằng các nguồn lực vận động, cùng sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, mỗi năm, đã có hàng nghìn trẻ em trong tỉnh được trợ giúp. Nhiều chương trình đã giúp cho hàng triệu lượt trẻ em như: “Nụ cười trẻ thơ”, “Vì ánh mắt trẻ thơ”, “Vì trái tim trẻ thơ”, “Học bổng cùng em đến trường”, bảo trợ dài hạn, phẫu thuật dị tật vận động, phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em, phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật, hỗ trợ xây dựng và sửa chữa trường học, lớp học, hỗ trợ dụng cụ học tập…

 

Đến nay, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi giảm còn 8,5%; trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm còn 12%; có 98% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đủ điều kiện được đi học; 100% trẻ em mồ côi cha, mẹ, trẻ em bị bỏ rơi được chăm sóc, hỗ trợ…

Chị Thúy cho biết: “Từ ngày cháu phát bệnh hơn 1 năm, gia đình tôi được làm hồ sơ xin trợ cấp. Từ đó, chúng tôi luôn được các cán bộ của Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh đề xuất trợ cấp khi có mạnh thường quân ủng hộ. Gia đình tôi rất biết ơn vì đã có điều kiện để điều trị cho cháu”. Tương tự bé Tuấn, em Loan cũng luôn nhận được ưu tiên trong các đợt hỗ trợ của các nhà hảo tâm thông qua sự giới thiệu của quỹ. Nhờ nguồn hỗ trợ đó, gia đình có thể đưa Loan đi tái khám và chi trả chi phí điều trị nên sức khỏe của em cũng khá hơn.


Ngoài ra, bằng nhiều hình thức chăm sóc thiết thực, những năm qua, trẻ em trên địa bàn tỉnh đã được hưởng các quyền lợi với chất lượng ngày càng tốt hơn; được tham gia các vấn đề về trẻ em. Trong năm 2018, tỉnh đã bố trí hàng chục tỷ đồng cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Từ nguồn ngân sách Trung ương và sự ủng hộ của cộng đồng, tỉnh tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho trẻ em vào các dịp lễ, Tết; tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí trong dịp hè… Từ đầu năm đến nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức truyền thông cho 2.000 người là cha, mẹ, người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ về công tác phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước, xâm hại, bạo lực trẻ em. Riêng trong Tháng hành động vì trẻ em năm nay, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh đã tiếp nhận hơn 3 tỷ đồng từ nhiều doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị tài trợ cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.


THANH TRÚC