10:10, 09/10/2019

Giảm kỳ thị với bệnh nhân tâm thần

Bên cạnh những liệu pháp điều trị, nhiều năm qua, Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần tỉnh đã tổ chức các hoạt động hướng về bệnh nhân (BN) tâm thần, trong đó có hoạt động tại cộng đồng. Đây vừa là liệu pháp điều trị cho BN, vừa góp phần giảm sự kỳ thị trong cộng đồng đối với người mắc bệnh tâm thần.
 

Bên cạnh những liệu pháp điều trị, nhiều năm qua, Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần tỉnh đã tổ chức các hoạt động hướng về bệnh nhân (BN) tâm thần, trong đó có hoạt động tại cộng đồng. Đây vừa là liệu pháp điều trị cho BN, vừa góp phần giảm sự kỳ thị trong cộng đồng đối với người mắc bệnh tâm thần.

 

Các bệnh nhân tâm thần tham gia dọn vệ sinh bờ biển.
Các bệnh nhân tâm thần tham gia dọn vệ sinh bờ biển.
 
Mới đây, Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần tỉnh phối hợp với Đoàn trường Đại học Khánh Hòa tổ chức cho đoàn viên, thanh niên 2 đơn vị và BN tâm thần làm vệ sinh môi trường tại bờ biển phường Vĩnh Hòa, TP. Nha Trang. Theo đó, 14 BN tham gia hoạt động này tích cực phối hợp với các đoàn viên quét dọn, thu gom rác. BN Nguyễn Thị Tuyết Ngàn (15 tuổi, TP. Nha Trang) chia sẻ: “Em bị mắc bệnh tâm thần phân liệt, điều trị ngoại trú, nội trú ở BV được 3 năm. Đây là lần đầu tiên em được tham gia hoạt động ngoài trời. Được làm cùng với mọi người, em thấy mình là người khỏe mạnh, vẫn có ích cho xã hội”. Bạn Lê Minh Phong - Bí thư Đoàn trường Đại học Khánh Hòa cho biết: “Thông qua hoạt động ngoài trời, hướng về cộng đồng như thế này, Đoàn trường mong muốn các đoàn viên, sinh viên và người dân hiểu và có cái nhìn đúng hơn về BN tâm thần, qua đó giảm sự kỳ thị đối với họ”.
 
Cùng với hoạt động trên, để giúp BN trải nghiệm và thực hành các kỹ năng trước khi hòa nhập cộng đồng, năm 2018, Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần tỉnh còn tổ chức cho 28 lượt BN và gia đình đi tham quan dã ngoại tại Khu Du lịch Yang Bay. Vào những dịp lễ, Tết, BV còn tổ chức hội chợ xuân, hội thi “Thắp sáng niềm tin”, “Ngày hội trăng rằm”… tại BV nhằm giúp BN được vui chơi, tái phục hồi các kỹ năng sống hàng ngày. Song song đó, BV luôn duy trì hoạt động đọc sách, báo, giúp BN giải trí, học tập, cập nhật kiến thức và các thông tin xã hội, đồng thời cải thiện nhận thức và cảm xúc. 
 
Theo bác sĩ Đặng Duy Thanh - Giám đốc Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần tỉnh, nhằm giúp BN được điều trị toàn diện, cải thiện bệnh nhanh hơn, ổn định lâu, giảm tỷ lệ tái phát, BV luôn duy trì hoạt động điều trị theo ê-kíp (gồm y, bác sĩ, điều dưỡng, cử nhân tâm lý, cử nhân giáo dục đặc biệt) cho 100% BN điều trị nội trú. Cùng với điều trị thuốc, BV đã triển khai được 45 liệu pháp điều trị cho BN thông qua các hoạt động: làm bếp, trồng rau, sản xuất nấm, vẽ tranh, làm thảm, trang sức, cắm hoa… Mỗi hoạt động đều mang đến 3 giá trị cho BN là giải trí, lao động/sản xuất và trị liệu. Năm 2018, BV còn thực hiện huấn luyện kỹ năng sống cho BN. Đồng thời, triển khai 3 kỹ thuật mới về trắc nghiệm tâm lý, qua đó hỗ trợ bác sĩ trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời. BV cũng tiếp tục duy trì hiệu quả chương trình phòng, chống bệnh tâm thần tại cộng đồng… 
 
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, năm 2018, tổng số BN BV đang quản lý tại BV và cộng đồng là 4.590 người. Số BN được điều trị ổn định là 4.337 người, chiếm 94,5%. 6 tháng đầu năm 2019, số BN được quản lý hơn 4.700 người; 4.554 BN được điều trị ổn định.
 

 
Ngày 10-10 được WHO chọn là ngày Sức khỏe tâm thần thế giới. Chủ đề của năm 2019 là “Chung tay phòng, chống tự tử” do những rối loạn tâm thần. 
 
Theo Bộ Y tế, tại Việt Nam có khoảng 15% dân số mắc các rối loạn tâm thần phổ biến liên quan stress, 3 triệu người bị rối loạn tâm thần nặng. Trước tình trạng trên, Bộ Y tế xây dựng dự thảo Chiến lược quốc gia về sức khỏe tâm thần giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến 2035. Mục tiêu là nâng cao sức khỏe tâm thần, dự phòng các rối loạn tâm thần, bảo đảm cung cấp các dịch vụ chăm sóc y tế, thúc đẩy sự hồi phục, bảo vệ quyền con người, giảm bệnh tật, tử vong và tàn tật cho người có các rối loạn tâm thần. Phấn đấu đến năm 2025, 70% người trưởng thành hiểu biết về sức khỏe tâm thần; 50% người có rối loạn tâm thần nhận thức được quyền con người của mình; giảm 20% tỷ lệ tự tử; tăng thêm 50% số lượng người có rối loạn tâm thần được điều trị tại các cơ sở chuyên khoa tâm thần… 
 

 
C.Đan