11:08, 14/08/2019

Tiêm vắc xin đúng lịch, đủ mũi phòng bệnh sởi

Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khảo sát hơn 3.400 trường hợp mắc sởi ghi nhận được đến hết tuần thứ 18 năm 2019, chỉ có 3,3% đã được tiêm vắc xin sởi, số còn lại chưa tiêm chủng hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng.

Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khảo sát hơn 3.400 trường hợp mắc sởi ghi nhận được đến hết tuần thứ 18 năm 2019, chỉ có 3,3% đã được tiêm vắc xin sởi, số còn lại chưa tiêm chủng hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng.

 

Trong số hơn 21.000 ca sốt phát ban nghi sởi và trên 3.400 ca dương tính với bệnh sởi, phân bố về số tuổi và tình trạng tiêm chủng như sau: Trẻ dưới 9 tháng tuổi có hơn 3.730 trường hợp mắc sốt phát ban nghi sởi (chiếm 17,6%); trẻ từ 9 đến 12 tháng tuổi có gần 2.100 trường hợp (chiếm 9,9%); trẻ từ 1 đến 4 tuổi có hơn 6.770 trường hợp (chiếm 31,9%); trẻ từ 5 đến 9 tuổi có hơn 3.950 trường hợp (chiếm 18,6%); trẻ từ 10 đến 14 tuổi có khoảng 550 trường hợp (chiếm 2,6%); trẻ trên 14 tuổi có 4.160 trường hợp (chiếm 19,6%). Về tình trạng tiêm chủng, số trẻ đã được tiêm chủng có 694 trường hợp sốt phát ban nghi sởi (3,3%); không được tiêm chủng: 11.478 trường hợp sốt phát ban nghi sởi (54%); không rõ tiền sử tiêm chủng: 9.098 trường hợp sốt phát ban nghi sởi (42,8%).


Điểm đáng chú ý của mùa dịch năm nay là dù thời tiết đã sang hè, không phải mùa chính của dịch sởi (thông thường dịch sởi hay xuất hiện mạnh vào mùa đông xuân), nhưng số trường hợp mắc sởi chưa giảm trong những tuần gần đây. Bộ Y tế dự báo năm 2019 là năm chu kỳ của dịch nên số mắc có thể tiếp tục tăng.

 

Cán bộ y tế TP. Nha Trang tiêm chủng vắc xin cho trẻ.

Cán bộ y tế TP. Nha Trang tiêm chủng vắc xin cho trẻ.

 

Theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính từ đầu năm đến ngày 30-6, toàn tỉnh ghi nhận 735 trường hợp mắc sởi và sốt phát ban nghi sởi. TP. Nha Trang có số mắc cao nhất với 391 trường hợp; huyện Khánh Vĩnh ghi nhận 117 trường hợp, huyện Vạn Ninh 81 trường hợp, thị xã Ninh Hòa 59 trường hợp, huyện Diên Khánh 53 trường hợp. Hiện nay, các trung tâm y tế tuyến huyện, thị xã, thành phố đang tiếp tục tăng cường giám sát, lấy mẫu, điều tra trường hợp mắc bệnh và tăng cường các biện pháp xử lý phòng, chống dịch bệnh sởi.


Trẻ nhỏ bị sốt phát ban hầu hết do nhiễm các loại vi rút thông thường với tỷ lệ khoảng 70 - 80%, trong đó, nhóm vi rút đường hô hấp chiếm phần lớn và thường là những vi rút lành tính. Trẻ mắc bệnh sởi do nhiễm vi rút thuộc giống Morbillivirus của họ Paramyxoviridae thường gây nên tình trạng cấp tính. 2 bệnh này giống nhau ở thời kỳ ủ bệnh, sau đó có dấu hiệu sốt nhẹ hoặc sốt cao 38 - 39 độ C kèm theo cảm giác mệt mỏi, lừ đừ, nhức đầu và nhức mỏi các cơ bắp, biếng ăn, bỏ bú, một số trẻ có thể bị nôn ói hoặc tiêu chảy. Để phân biệt sốt phát ban và bệnh sởi, cần chú ý giai đoạn phát ban như: nếu trẻ bị sốt phát ban thông thường thấy nốt ban là những ban đỏ nhưng mịn và sáng, ít gồ lên mặt da, ban nổi đồng loạt khắp cơ thể và sau khi biến mất không để lại sẹo hay vết thâm. Nếu phát ban do bệnh sởi thì có dấu hiệu nốt ban đặc trưng xuất hiện theo thứ tự lúc đầu ở sau tai rồi lan ra mặt, dần xuống bụng, ngực và ra toàn thân; nốt ban nổi lên sẩn và gồ lên mặt da, khi biến mất để lại những vết thâm trên da gọi là vằn da hổ; trẻ luôn có 3 triệu chứng kèm theo là: chảy nước mũi, ho và mắt đỏ. Vì vậy, khi thấy trẻ có biểu hiện sốt và nổi ban đỏ, cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được xác định, chẩn đoán bệnh chính xác và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng có thể xảy ra.


Tại nhà, cần chăm sóc, theo dõi nhiệt độ trẻ chặt chẽ và can thiệp hạ sốt cho trẻ khi cần thiết. Nên để trẻ nghỉ ngơi trên giường, nới lỏng quần áo, mặc loại quần áo thoáng mát và thấm mồ hôi, chườm mát cho trẻ bằng nước ấm mỗi giờ không quá 10 phút. Nếu trẻ sốt trên 38,5oC, cần hạ sốt bằng thuốc uống hoặc thuốc đặt hậu môn. Thuốc uống nên sử dụng loại thuốc dạng gói bột dành riêng cho trẻ em như paracetamol với liều lượng 10mg/kg cân nặng mỗi lần và uống cách nhau ít nhất 6 giờ, trường hợp trẻ không uống được thì có thể dùng viên thuốc đạn đặt hậu môn. Đồng thời, bù đủ nước, chất điện giải cho trẻ bằng cách cho trẻ uống nhiều nước ép từ trái cây tươi hoặc dung dịch oresol, ăn súp, cháo lỏng hoặc sữa. Tránh kiêng gió và nước, trùm kín chăn. Trong quá trình chăm sóc và điều trị sốt phát ban cho trẻ tại nhà, phải theo dõi tình trạng của trẻ để phát hiện các triệu chứng nguy hiểm. Cần đưa trẻ nhập viện điều trị khi trẻ có biểu hiện hôn mê, co giật; bị sốt nhưng không kiểm soát được nhiệt độ, không thể hạ sốt mặc dù đã dùng thuốc hạ sốt đúng liều lượng; trẻ bị sốt cao trên 39,4oC; các nốt phát ban ở da không thấy chuyển biến tốt sau 3 ngày khởi phát bệnh; trẻ mới sinh dưới 6 tháng tuổi; trẻ nghi ngờ bị mất nước do tiêu chảy.


Một trong số các biện pháp hữu hiệu là tiêm vắc xin phòng bệnh sởi cho trẻ lúc trẻ 9 tháng và 18 tháng tuổi, đảm bảo đúng lịch, đủ mũi. Nhất là những trẻ ở vùng nguy cơ cao dễ bùng phát dịch bệnh sởi, địa bàn có dân cư di biến động, vùng sâu, vùng xa, miền núi.


Nguyễn Thị Quế Lâm
(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)