10:08, 18/08/2019

Không có lăng quăng, không có sốt xuất huyết

Với tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp trong cả nước nói chung và tỉnh Khánh Hòa nói riêng, ngày 5-8, UBND tỉnh có công văn chỉ đạo việc triển khai Chỉ thị số 07 của Bộ Y tế về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh.

Với tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang diễn biến phức tạp trong cả nước nói chung và tỉnh Khánh Hòa nói riêng, ngày 5-8, UBND tỉnh có công văn chỉ đạo việc triển khai Chỉ thị số 07 của Bộ Y tế về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh SXH trên địa bàn tỉnh.


Theo Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, đến hết tháng 7, toàn quốc đã ghi nhận gần 125.000 trường hợp mắc SXH, trong đó có 15 trường hợp tử vong, số ca mắc có xu hướng tiếp tục gia tăng tại nhiều địa phương. Tại Khánh Hòa ghi nhận hơn 7.270 trường hợp mắc SXH, 1 ca tử vong, trong đó TP. Nha Trang có số ca mắc cao nhất với hơn 3.830 ca, Ninh Hòa gần 1.370 ca, Diên Khánh 655 ca, Vạn Ninh 480 ca, Cam Ranh 452 ca và Cam Lâm có 376 ca.

 

Kiểm tra sốt xuất huyết tại thị xã Ninh Hòa.

Kiểm tra sốt xuất huyết tại thị xã Ninh Hòa.


Hiện nay bắt đầu bước vào tháng cao điểm của mùa dịch, cộng với diễn biến bất lợi thời tiết, nắng nóng và những đợt mưa xen kẽ kéo dài làm cho muỗi truyền bệnh phát sinh và phát triển mạnh. Bộ Y tế dự báo trong thời gian tới có thể số ca mắc SXH sẽ gia tăng, bùng phát diện rộng nếu không tăng cường nhiều biện pháp quyết liệt phòng, chống, do muỗi có thể đẻ trứng ở những nơi ít ngờ như: đất ẩm ban công, bể nước cá cảnh, bình cắm hoa, hòn non bộ, nước để trên bàn thờ, máng xối, hay bất cứ vũng nước nhỏ nào đọng trên sân thượng.


Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đề nghị các huyện, thị xã, thành phố triển khai tốt chiến dịch diệt lăng quăng, phun hóa chất xử lý diện rộng tại các xã, phường có nguy cơ cao bùng phát dịch; khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh SXH. Cụ thể, đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa; bỏ muối, dầu hoặc hóa chất diệt ấu trùng vào bát nước kê chân chạn; loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như: chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp, vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá; ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. Cùng với đó, người dân nên tích cực phối hợp với ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch; khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị; đặc biệt không tự ý điều trị tại nhà.


 SXH không lây trực tiếp từ người sang người, nhưng truyền qua đường muỗi đốt. Khi trong nhà có người đang mắc SXH, nếu chủ quan ngủ không nằm màn có thể bị muỗi đốt làm lây lan SXH cho người khác, nhất là trẻ em. Vì vậy, người bệnh cần phải được nằm màn, không cho muỗi đốt. Triệu chứng ban đầu của SXH thường dễ lầm với các bệnh: sốt siêu vi, viêm họng, tay chân miệng. Tuy nhiên, ngay từ khi khởi phát, bệnh nhân mắc SXH thường sốt cao đột ngột, từ 39 đến 40 độ C. Nếu người bệnh được uống thuốc hạ sốt thì thân nhiệt giảm nhưng sau đó sẽ nhanh chóng tăng cao trở lại. Bệnh kéo dài liên tục từ 2 đến 7 ngày, kèm theo các triệu chứng như: nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, đau sau hốc mắt, đau cơ, đau khớp, da xung huyết, có thể xuất hiện chấm xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam. Trường hợp bệnh diễn tiến nặng hơn sẽ đi kèm với các biểu hiện: chân tay lạnh, người vật vã, li bì, lừ đừ, nôn nhiều, xuất huyết niêm mạc, tiểu ít, vết bầm tím chỗ tiêm, nôn ra máu, đi cầu phân đen. Những trường hợp nặng, nếu không được điều trị kịp thời bệnh nhân sẽ bị sốc hoặc xuất huyết nặng, suy tạng và có thể tử vong. Khi thấy những triệu chứng trên, cách xử lý tốt nhất là đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế để bác sĩ điều trị và theo dõi. Tùy theo diễn tiến của bệnh, mức độ nặng nhẹ khác nhau, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị tại bệnh viện hay chăm sóc bệnh nhân ở nhà.


Khi bị SXH, người bệnh cần uống thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của bác sĩ, nên dùng Paracetamol, mỗi lần uống cần cách nhau ít nhất 4 đến 6 giờ, tuyệt đối không dùng Aspirin hay Ibuprofen vì 2 loại thuốc này có thể gây viêm dạ dày, giảm kết tụ tiểu cầu làm xuất huyết nặng thêm.


BẢO TRÂM
(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa)