09:07, 02/07/2019

Bệnh viện Đa khoa tỉnh: Áp dụng kỹ thuật mới trong điều trị sa sinh dục

Từ năm 2018, Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã áp dụng kỹ thuật mới trong điều trị bệnh lý sa sinh dục ở phụ nữ bằng mảnh ghép tổng hợp. Qua đó, giúp bảo tồn, không phải cắt bỏ tử cung như các phương pháp cổ điển trước đó.

Từ năm 2018, Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Khánh Hòa đã áp dụng kỹ thuật mới trong điều trị bệnh lý sa sinh dục ở phụ nữ bằng mảnh ghép tổng hợp. Qua đó, giúp bảo tồn, không phải cắt bỏ tử cung như các phương pháp cổ điển trước đó.


Giữa tháng 6, bệnh nhân Trương Thị B. (58 tuổi, xã Phước Đồng, TP. Nha Trang) nhập BVĐK tỉnh trong tình trạng khó chịu, cảm giác tức nặng vùng cửa mình, ở bụng dưới, nhất là khi đứng, hay bị đau vùng thắt lưng. Qua khám, chị B. được chẩn đoán bị mắc bệnh sa sinh dục ở mức độ 4. Sau khi được bác sĩ tư vấn, bệnh nhân B. đồng ý phẫu thuật nội soi đặt mảnh ghép tổng hợp nâng tử cung, bàng quang. Sau phẫu thuật, bệnh nhân B. hết xảy ra tình trạng sa tử cung, bàng quang, các triệu chứng tức nặng bụng dưới, đau vùng thắt lưng không còn.

 

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh thực hiện phẫu thuật ca sa sinh dục bằng phương pháp mới.

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh thực hiện phẫu thuật ca sa sinh dục bằng phương pháp mới.

 

Theo Bộ Y tế, khoảng 10% phụ nữ Việt Nam mắc bệnh sa sinh dục sau sinh và phần lớn nằm trong độ tuổi từ 40 - 60. Những phụ nữ sinh đẻ nhiều, đẻ quá sớm, không được đỡ đẻ an toàn và đúng kỹ thuật đều dễ mắc căn bệnh này, đặc biệt là ở những người có tiền sử chuyển dạ kéo dài, đẻ khó, đi làm quá sớm sau sinh, phụ nữ lao động nặng nhọc. Sa sinh dục cũng có thể gặp cả ở phụ nữ chưa sinh đẻ do thể trạng yếu, dây chằng mỏng.

Được điều trị thành công bằng phương pháp phẫu thuật nội soi đặt mảnh ghép tổng hợp nâng tử cung, bệnh nhân Lê Thị N. (41 tuổi, xã Ninh Bình, thị xã Ninh Hòa) chia sẻ: “Tôi bị mắc bệnh này hơn 3 năm. Lúc đầu, khối sa chỉ xuất hiện khi lao động nặng hoặc đi lại nhiều. Về sau, khối sa càng to, kèm theo tiểu khó, tiểu gắt, són tiểu… gây nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày nên tôi vào BVĐK tỉnh để điều trị. Nhờ áp dụng phương pháp mới, tôi được điều trị dứt điểm bệnh mà vẫn bảo tồn trọn vẹn tử cung”.


Theo bác sĩ Phạm Hoàng Phong - Trưởng khoa Sản, BVĐK tỉnh, bệnh này thường gây rối loạn về chức năng ở các cơ quan vùng chậu như: rối loạn đi tiểu, đi tiêu, đau trằn vùng hạ vị… Đây là bệnh không nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt và lao động của phụ nữ. Để điều trị bệnh lý này, bên cạnh chỉ định điều trị nội khoa hoặc đặt vòng nâng trong âm đạo cho những trường hợp nhẹ (độ 1, 2), những trường hợp nặng (độ 3, 4) phải áp dụng phẫu thuật.


Tại BVĐK tỉnh, trước đây, việc điều trị sa sinh dục chủ yếu áp dụng phương pháp cổ điển là cắt tử cung toàn phần. Tuy nhiên, phương pháp này có tỷ lệ tái phát cao (chiếm khoảng 50%), khi tái phát thì khó xử trí và nó không thể áp dụng cho những phụ nữ trẻ, còn có nhu cầu có con. Bắt kịp xu thế phát triển các kỹ thuật mới ở lĩnh vực sản khoa, năm 2017, Khoa Sản, BVĐK tỉnh đã đưa người đi đào tạo tại các bệnh viện tuyến Trung ương về kỹ thuật ứng dụng mảnh ghép tổng hợp. Bác sĩ Phong cho biết: “Năm 2018, khoa chính thức đưa phương pháp vào điều trị cho khoảng 30 trường hợp. Kết quả điều trị tốt, bệnh nhân hài lòng và trong thời gian theo dõi chưa có những trường hợp nào có tai biến, biến chứng trong và sau mổ”.


C.Đan