11:05, 26/05/2022

Xã Vĩnh Lương: Ô nhiễm do nước thải chế biến thủy sản

Khu vực gần đình Lương Sơn (thôn Lương Sơn 3, xã Vĩnh Lương, TP. Nha Trang) đang tái diễn tình trạng ô nhiễm môi trường do nước thải chế biến tôm, cá của một số hộ khiến người dân bức xúc. Lãnh đạo xã Vĩnh Lương cho biết, địa phương sẽ kiểm tra, xử lý dứt điểm tình trạng này.

Khu vực gần đình Lương Sơn (thôn Lương Sơn 3, xã Vĩnh Lương, TP. Nha Trang) đang tái diễn tình trạng ô nhiễm môi trường do nước thải chế biến tôm, cá của một số hộ khiến người dân bức xúc. Lãnh đạo xã Vĩnh Lương cho biết, địa phương sẽ kiểm tra, xử lý dứt điểm tình trạng này.


Ảnh hưởng cuộc sống người dân


Ông H.K.H - một công nhân trại tôm thuộc thôn Lương Sơn 3, cách khu vực các hộ chế biến thủy sản khoảng 300m cho biết, tầm trưa và buổi chiều, mỗi khi có gió là mùi hôi phát tán khắp nơi không ai chịu nổi, có đóng cửa lại mùi hôi vẫn xộc vào trại. Mùi hôi quanh năm nhưng khi trời nắng lại càng đậm đặc hơn.

 

Chế biến cá, tôm tại một xưởng trong khu vực.

Chế biến cá, tôm tại một xưởng trong khu vực.


Không chỉ khu vực gần nơi chế biến mà ngay cả khu dân cư Lương Sơn 3 cách xa hơn 500m vẫn bị ảnh hưởng bởi mùi hôi. Ông N.V.M (thôn Lương Sơn 3) bức xúc: “Không kể trời nắng hay mưa, mỗi lần họ xả nước ra là hôi thối khắp làng. Người lớn còn chịu không nổi huống chi là trẻ con. Tôi phải đưa các cháu về bên nội, ngoại để tránh. Trước đây, nhiều người dân trong thôn có thói quen đi bộ mỗi buổi sáng nhưng nay cũng bỏ”.


Ông Nguyễn Văn Dư - Phó Trưởng thôn Lương Sơn 3 cho biết, một số hộ dân trong xã đến thuê đất của 1 hộ trong thôn, lập xưởng chế biến thủy sản nhưng không có hệ thống xử lý bài bản nên gây ô nhiễm môi trường. Nước thải xả xuống ao gần đình rồi theo kênh thoát lũ đổ ra Cảng cá Vĩnh Lương. Bên cạnh đó, mỗi sáng, các đầu nậu buôn bán hải sản mua bán, đổ nước thải ra đường càng thêm ô nhiễm. Tuy thôn đã báo cáo xã kiểm tra nhưng các hộ dân chưa hợp tác.


Đi vào khu vực chế biến - nơi phát sinh ô nhiễm, chúng tôi thấy ở đây có 1 xưởng lớn và 3 xưởng nhỏ. Xưởng lớn không thấy sản xuất, còn ở các xưởng nhỏ, công nhân đang chặt đầu cá, lặt vỏ tôm… Tuy công nhân có vệ sinh nhà xưởng cẩn thận nhưng nước thải vẫn chảy tràn ra mặt sàn. Ra phía sau những xưởng nhỏ, chúng tôi không phát hiện hệ thống xử lý nước thải nào. Tất cả đều đổ trực tiếp ra ao lớn gần đó, bốc mùi nồng nặc. Một số nơi nước ứ đọng, dòi nhung nhúc. Hỏi một số công nhân đang làm việc tại đây, họ từ chối trả lời bất cứ câu hỏi nào liên quan đến chủ xưởng.


Khi chúng tôi tiếp cận xưởng lớn nhất, bà Phạm Thị Thu Cúc, thường gọi Bé Sáu, chủ xưởng cho biết, hiện nay, xưởng đã chuyển sang hấp cá, gia công cho một đơn vị khác, không còn chế biến cá tươi như trước. Các loại cá hấp chín như cá thu, cá bò… với số lượng hàng ngày 1-1,5 tấn. Xưởng sản xuất không liên tục bởi phụ thuộc vào tiến độ tàu cá nhập hàng, bình quân nửa tháng mới có 1 chuyến, chỉ làm 4-5 ngày là xong. Bà Cúc cho hay, xưởng của bà xử lý nước thải bằng cách xây hầm rút 12m3, có 2 ngăn. Khi hầm đầy gọi xe hút hầm chở đi. Lượng nước thải hàng ngày không nhiều vì chế biến chín, công đoạn rửa không nhiều.


Sẽ xử lý dứt điểm


Về việc ô nhiễm nước thải tại khu vực gần đình Lương Sơn, ông Nguyễn Văn Được - cán bộ Địa chính xã Vĩnh Lương cho biết, xã đã kiểm tra và biết tình trạng này. Tuy nhiên, hiện tại, địa phương vẫn rất khó xử lý do nơi đây có nhiều hộ sản xuất, nhưng có xưởng vẫn chưa xác định được danh tính chủ cơ sở. Theo đó, khu vực này có 4 xưởng chế biến, gồm: Xưởng của bà Phạm Thị Thu Cúc (thôn Lương Sơn 3) chế biến cá hấp; 2 hộ làm chả cá là ông Nguyễn Văn Mới (thôn Lương Hòa) và bà Ngô Thị Hà (thôn Lương Sơn 2); xưởng còn lại chế biến cá mai nhưng gồm nhiều hộ nên chưa xác minh rõ. Các xưởng xử lý nước thải rất tạm bợ, chủ yếu là lưu nước thải, sau đó xả ra ao lớn; có xưởng xây hầm rút sơ sài nên tình hình ô nhiễm là có thật và gây bức xúc dư luận. Những hộ này thuê đất của ông Hồ Ngọc Hưng (thôn Lương Sơn 3), sau đó xây dựng, mở rộng nhà xưởng, có xưởng đã có quy mô gấp 2-3 lần trước đây. “Địa phương đã mời các hộ này đến làm việc nhưng có người không đi nên khó khăn trong việc xử phạt. Thời gian tới, xã sẽ yêu cầu tất cả các hộ có mặt và xử lý 1 lần. Nếu các hộ tái phạm sẽ có biện pháp mạnh”, ông Được cho biết.


Bà Võ Thị Huệ - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lương cho biết, liên quan đến việc xả nước thải chế biến thủy sản gây ô nhiễm môi trường, trước đây, xã đã từng xử lý 1 lần, sau đó tình hình đã ổn định. Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng này lại tái diễn do số xưởng tăng, quy mô lớn hơn, xử lý nước thải kém. “Chúng tôi sẽ mời tất cả các hộ liên quan lên xử lý, yêu cầu khắc phục. Nếu quá thời gian quy định, hộ nào không xử lý, địa phương sẽ phối hợp với chủ đất cắt hợp đồng thuê đất, không cho sản xuất nữa…” - bà Huệ nói.  


V.L