09:06, 09/06/2021

Chậm tiến độ lập phương án cắm mốc bảo vệ hành lang nguồn nước

Lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước và xây dựng cột mốc báo lũ là những công việc quan trọng để bảo vệ nguồn nước, phòng, chống thiên tai. Tuy nhiên hiện nay, việc thực hiện còn nhiều bất cập. 

Lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước và xây dựng cột mốc báo lũ là những công việc quan trọng để bảo vệ nguồn nước, phòng, chống thiên tai. Tuy nhiên hiện nay, việc thực hiện còn nhiều bất cập. Ông Hoàng Anh Hào - Phó Trưởng phòng Khoáng sản - Nước, Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cho biết:

 

 Ông Hoàng Anh Hào - Phó Trưởng phòng Khoáng sản - Nước, Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, Sở Tài nguyên và Môi trường
Ông Hoàng Anh Hào - Phó Trưởng phòng Khoáng sản - Nước, Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, Sở Tài nguyên và Môi trường


- Thực hiện các quy định về lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước, Sở TN-MT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3052 ngày 16-10-2017 về việc phê duyệt danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2018 - 2022; ban hành kèm theo Danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ trên địa bàn tỉnh, bao gồm: Lưu vực sông Cái Nha Trang; lưu vực sông Cái Ninh Hòa (sông Dinh); sông Găng, sông Tân Phước, sông Đồng Điền, sông Chà Là, sông Hiền Lương (huyện Vạn Ninh); sông Cốc (huyện Cam Lâm); sông Cạn, sông Lạch Cầu (TP. Cam Ranh); sông Tô Hạp (huyện Khánh Sơn). Theo đó, quy định cấp huyện có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, phương án và kinh phí cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn và gửi về Sở TN-MT tổng hợp, thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt.


Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, mới chỉ có TP. Nha Trang thực hiện 1 phần của nội dung cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước; UBND TP. Nha Trang đã phối hợp với đơn vị tư vấn và Sở TN-MT trình UBND tỉnh phê duyệt Phương án cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước Sông Cái (những phân đoạn thuộc TP. Nha Trang).


Về cắm mốc báo lũ, từ năm 2007 đến nay, Sở TN-MT đã đầu tư xây dựng 77 cột mốc báo lũ trên địa bàn các xã, phường thường xuyên bị ngập lụt thuộc các địa phương trong tỉnh. Trong đó, có 70 cột mốc còn hoạt động; tuy nhiên, trong số này có nhiều cột mốc bị nấm mốc bu bám, nứt gãy, một số bị lấp do làm đường giao thông... Riêng TP. Nha Trang có đề xuất xây mới 8 cột mốc báo lũ tại các xã: Vĩnh Phương, Vĩnh Ngọc, Ngọc Hiệp, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Thạnh và Vĩnh Trung.


- Vậy, nguyên nhân chậm là do đâu và hướng giải quyết của tỉnh thế nào, thưa ông?


- Nguyên nhân của tình trạng này là do công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực tài nguyên nước hiện nay còn thiếu cán bộ chuyên môn, chưa đúng chuyên ngành được bố trí tại các địa phương. Đồng thời, nguồn kinh phí bố trí cho việc triển khai các nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực tài nguyên nước còn hạn chế. Tại tổng kết công tác ngành năm 2020, Sở TN-MT đã đề nghị các địa phương bổ sung hoạt động thực hiện cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước vào kế hoạch công tác năm 2021. Tuy nhiên, đến nay, việc lập phương án quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước vẫn chưa có chuyển biến. Công tác cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn tỉnh còn chậm và thiếu đồng bộ.


Theo chỉ đạo của UBND tỉnh mới đây, việc triển khai cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước là trách nhiệm của địa phương, khi nào địa phương lập xong phương án thì tỉnh mới bố trí kinh phí; còn việc sửa chữa mốc báo lũ giao các địa phương chủ động rà soát và bố trí kinh phí thực hiện.


- Xin cảm ơn ông!


Vĩnh Lạc
(Thực hiện)