09:05, 30/05/2021

Xây dựng công trình gây hư hỏng nhà lân cận: Còn vướng mắc trong việc xử lý

Hiện nay, các văn bản pháp luật chưa quy định rõ, dẫn đến việc khó xử lý công trình gây nứt, lún hoặc hư hỏng công trình lân cận. Vì vậy, Sở Xây dựng vừa có văn bản gửi Bộ Xây dựng xin ý kiến hướng dẫn nội dung này.

Hiện nay, các văn bản pháp luật chưa quy định rõ, dẫn đến việc khó xử lý công trình gây nứt, lún hoặc hư hỏng công trình lân cận. Vì vậy, Sở Xây dựng vừa có văn bản gửi Bộ Xây dựng xin ý kiến hướng dẫn nội dung này.


Không chấp hành yêu cầu dừng thi công


Mới đây, bà Nguyễn Thị Trang (đường Dương Hiến Quyền, phường Vĩnh Hòa, TP. Nha Trang) có đơn gửi các cơ quan chức năng phản ánh việc thi công công trình khách sạn Holiday (đường Phạm Văn Đồng, phường Vĩnh Hòa) làm nứt, lún nhà của bà. Theo bà Trang, thời điểm tháng 4-2019, gia đình bà đã phát hiện các vết nứt trên tường, lún móng. Thấy vết nứt nhỏ nên gia đình bà vẫn sinh hoạt bình thường. Đến tháng 12-2020, các vết nứt lớn dần. Tuy nhiên, đơn vị thi công lẫn chủ đầu tư công trình vẫn chưa thỏa thuận đền bù các thiệt hại của gia đình bà.

 

Vết nứt nhà bà Trang do công trình khách sạn Holiday gây ra.

Vết nứt nhà bà Trang do công trình khách sạn Holiday gây ra.


Tháng 4-2021, Thanh tra Sở Xây dựng đã làm việc với đại diện chủ đầu tư dự án khách sạn Holiday là Công ty TNHH Thương mại dịch vụ du lịch Khải Hoàng, đại diện đơn vị thi công Công ty TNHH Gia Phong cùng bà Nguyễn Thị Trang. Qua kiểm tra thực tế, đoàn kiểm tra ghi nhận công trình khách sạn đã thi công xong tầng hầm và đổ sàn đến tầng 18. Thanh tra Sở Xây dựng đề nghị chủ đầu tư và đơn vị thi công tạm dừng thi công công trình khách sạn Holiday; tiến hành thỏa thuận việc bồi thường thiệt hại cho bà Trang theo quy định; thông báo kết quả giải quyết cho cơ quan chức năng. Tuy nhiên, chủ đầu tư và đơn vị thi công công trình này đã không thỏa thuận đền bù thiệt hại cho bà Trang mà vẫn tiếp tục thi công công trình. Sau nhiều lần làm việc, đến ngày 25-5, chủ đầu tư dự án mới thống nhất và chuyển tiền đền bù cho bà Trang.


Lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết, thời gian qua, sở nhận được một số đơn thư của công dân phản ánh về việc thi công công trình xây dựng gây nứt, lún hoặc hư hỏng công trình lân cận. Qua nghiên cứu quy định, sở nhận thấy còn một số vướng mắc liên quan đến việc xử lý vi phạm đối với hành vi này. Một số chủ đầu tư không tạm ngừng thi công công trình theo yêu cầu của Sở Xây dựng, nhưng sở không có cơ sở để xử lý. Chính vì vậy, ngày 24-5, sở đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng xin ý kiến hướng dẫn.


Quy định không rõ ràng


Theo lãnh đạo Sở Xây dựng, tại Khoản 3 Điều 15 Nghị định số 139 ngày 27-11-2017 của Chính phủ quy định có 2 hành vi vi phạm gồm: Thi công xây dựng công trình gây lún, nứt hoặc hư hỏng công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình lân cận (mà các bên không thỏa thuận được việc bồi thường); thi công gây sụp đổ hoặc có nguy cơ gây sụp đổ công trình lân cận nhưng không gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của người khác. Hai hành vi này không có quy định về hình thức xử phạt bổ sung mà chỉ có quy định về biện pháp khắc phục hậu quả “buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu và bồi thường thiệt hại”. Tại Nghị định số 139 cũng không quy định việc buộc dừng thi công đối với các hành vi vi phạm.


Tuy nhiên, tại Khoản 2 Điều 3 Thông tư số 03 ngày 24-4-2018 của Bộ Xây dựng hướng dẫn Nghị định số 139 về áp dụng biện pháp bồi thường thiệt hại quy định “trường hợp gây sụp đổ hoặc có nguy cơ gây sụp đổ công trình lân cận thì chủ đầu tư phải dừng thi công xây dựng công trình”. Như vậy, chỉ có hành vi “tổ chức thi công xây dựng công trình vi phạm quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng gây sụp đổ hoặc có nguy cơ gây sụp đổ công trình lân cận nhưng không gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của người khác” thì mới yêu cầu chủ đầu tư phải dừng thi công. Riêng hành vi “tổ chức thi công xây dựng công trình vi phạm quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng gây lún, nứt hoặc hư hỏng công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình lân cận (mà các bên không thỏa thuận được việc bồi thường)” lại không quy định việc chủ đầu tư phải dừng thi công xây dựng. Do quy định không rõ ràng nên dẫn đến phát sinh đơn thư của công dân khi chủ đầu tư không chịu thỏa thuận bồi thường mà vẫn cứ tiếp tục thi công xây dựng.


Kiến nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn cụ thể


Ông Trần Văn Châu - Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, sở đã kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét, hướng dẫn rõ trường hợp sau khi chủ đầu tư, đơn vị thi công bị xử phạt về hành vi “thi công xây dựng công trình gây lún, nứt hoặc hư hỏng công trình lân cận mà chủ đầu tư, đơn vị thi công vẫn cứ tiếp tục thi công, không chịu thỏa thuận, bồi thường cho người dân thì hướng xử lý tiếp theo như thế nào? Có buộc chủ đầu tư phải dừng thi công công trình được hay không?


Đối với hành vi “thi công xây dựng công trình gây sụp đổ hoặc có nguy cơ gây sụp đổ công trình lân cận nhưng không gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của người khác”, qua nghiên cứu, Sở Xây dựng nhận thấy chưa có quy định cụ thể hướng dẫn việc đánh giá mức độ có nguy cơ gây sụp đổ công trình lân cận để làm cơ sở cho việc xử lý vi phạm hành chính, cũng như yêu cầu chủ đầu tư dừng thi công công trình trong quá trình kiểm tra. Mặt khác, việc đánh giá mức độ có nguy cơ gây sụp đổ công trình lân cận đòi hỏi phải có sự kiểm tra, kiểm định, đánh giá, kết luận của tổ chức, cá nhân có trình độ chuyên môn, năng lực hành nghề đủ điều kiện theo quy định. Do vậy, sở kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét, hướng dẫn cụ thể để làm cơ sở thực hiện việc xử lý.


Ông Châu cho rằng, đối với các hành vi vi phạm mà Bộ Xây dựng có yêu cầu chủ đầu tư phải dừng thi công công trình, nhưng trường hợp các chủ đầu tư không chấp hành thì quy định pháp luật hiện nay không có hướng dẫn cụ thể về việc đình chỉ thi công công trình, cũng như không có biện pháp chế tài để yêu cầu chủ đầu tư phải dừng thi công. Do vậy, Sở Xây dựng kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét, hướng dẫn cụ thể về việc đình chỉ thi công công trình; đồng thời xem xét bổ sung biện pháp chế tài đình chỉ thi công hữu hiệu đối với các công trình có hành vi vi phạm nêu trên.


NHẬT THANH